Giải pháp tối ưu hóa năng suất trong mùa thu hoạch
Hiện nay, nhiều loại nông sản và đặc sản tại mỗi vùng miền được xây dựng thương hiệu và sản xuất theo hướng an toàn với nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Tuy nhiên, các hợp tác xã và người dân vẫn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Đặc biệt, vào mùa thu hoạch, tình hình tiêu thụ nông sản càng trở nên khó khăn, ảnh hưởng đến việc duy trì và mở rộng quy mô sản xuất.
Thu hoạch rau an toàn tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao (xã Mê Linh). Ảnh: Lâm Nguyễn
Nguồn hàng dồi dào, sức mua yếu
Ông Nguyễn Văn Bất ở xã Đoài Phương cho biết, mít Sơn Đông nổi tiếng ngon, nhưng khi vào vụ thu hoạch, nông dân vẫn lo lắng bởi đầu ra bấp bênh. Vào thời điểm chính vụ, do số lượng mít chín nhiều, nên không tiêu thụ hết, thương lái mua tại vườn nhưng giá thấp. Tương tự, mật ong hoa nhãn và quả vải năm nay sản lượng lớn nhưng tiêu thụ chậm.
Ông Nguyễn Văn Sơn ở xã Vật Lại chia sẻ, gia đình ông có gần 500 đàn ong và thường tách đàn để bán cho bà con trong xã và các vùng lân cận. Năm nay, hoa vải được mùa, chất lượng mật ong tốt, nhưng số lượng lớn khiến tiêu thụ chậm, giá giảm hơn năm trước.
Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao, xã Mê Linh, Đàm Văn Đua cho biết, xã Mê Linh là một trong những vựa rau lớn nhất Hà Nội với đa dạng chủng loại rau, củ, quả, nhưng giá trị kinh tế chưa tương xứng. Trong mùa thu hoạch, nông sản không bán kịp, dẫn đến tình trạng giá giảm do được mùa.
Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội) Đoàn Đức Dân cho biết, Hà Nội có nhiều nông sản và đặc sản địa phương như mít Sơn Tây, gạo hữu cơ Đồng Phú, gà mía Sơn Tây, Sóc Sơn, bưởi Phúc Thọ, nhãn chín muộn Quốc Oai. Dù chất lượng nông sản đảm bảo, nhưng đầu ra còn khó khăn, đặc biệt khi sản phẩm vào vụ thu hoạch với sản lượng lớn. Điều đáng nói là người dân và hợp tác xã chủ yếu bán cho thương lái mà chưa ký kết hợp đồng với doanh nghiệp. Vì thế, lượng nông sản vào siêu thị còn ít. Hơn nữa, mùa thu hoạch năm nay có nhiều loại nông sản khác từ các tỉnh cũng được mùa, cung cấp lượng lớn cho thị trường Hà Nội, chẳng hạn sản lượng sầu riêng ước đạt hơn 1,5 triệu tấn, vải thiều khoảng 250.000 tấn, tăng 25% so với năm ngoái.
“Nguồn hàng dồi dào trong khi sức mua yếu khiến nhiều loại trái cây mất giá, đồng thời sản phẩm của người dân trên địa bàn thành phố cũng giảm theo. Rau, quả có thời gian thương phẩm ngắn, nếu không được xử lý kịp thời và không có công nghệ bảo quản phù hợp, sẽ bị hỏng, gây thiệt hại cho người dân,” ông Đoàn Đức Dân chia sẻ.
Phát triển thị trường, tăng cường kết nối
Để tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ nông sản khi vào vụ thu hoạch, Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm an toàn Tâm Thành (phường Nam Từ Liêm) Nguyễn Thị Vân Anh cho biết doanh nghiệp sẵn sàng hợp tác với hợp tác xã và nông dân, nhưng sản xuất phải liên kết để xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Các địa phương cần tuyên truyền để nông dân giảm bớt tính mùa vụ trong sản xuất nông nghiệp, canh tác rải vụ nhằm giảm áp lực tiêu thụ và nâng cao lợi nhuận. Đồng thời, cần hỗ trợ cho các hợp tác xã đầu tư công nghệ sau thu hoạch, thiết bị thu hoạch, bảo quản và vận chuyển phù hợp với sản phẩm rau quả để giảm tỷ lệ hư hỏng.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho biết, Sở sẽ hợp tác với các địa phương cung cấp thông tin về sản lượng và mùa vụ thu hoạch nông sản để doanh nghiệp có kế hoạch hỗ trợ tiêu thụ.
Sở cũng thúc đẩy phát triển thị trường, tăng cường kết nối với các đơn vị viễn thông và doanh nghiệp chuyên giao hàng để hỗ trợ chuyển đổi số trong nông nghiệp, thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản. Hà Nội cũng liên kết với các tỉnh thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối để đưa nông sản từ Hà Nội và các tỉnh đến tay người tiêu dùng thông qua các hội chợ.
Các doanh nghiệp và hợp tác xã cần đầu tư vào ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, sử dụng giống cây trồng và vật nuôi mới có năng suất cao, chất lượng tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Các doanh nghiệp cũng cần chủ động nghiên cứu ứng dụng công nghệ hỗ trợ bảo quản và chế biến sâu, đặc biệt với rau quả và các mặt hàng giá trị cao, đa dạng hóa sản phẩm, chuyển từ bán sản phẩm thô sang sản phẩm tinh chế, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp. Cần thúc đẩy sản xuất theo chuỗi sản phẩm, xây dựng mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm.