Giải pháp nâng cao chất lượng, thúc đẩy tiêu thụ thanh long và chanh tỉnh Long An.

Năm 2018, thanh long và chanh là 2 loại cây của tỉnh Long An có diện tích và sản lượng tăng so với cùng kỳ năm ngoái, theo đó, cây thanh long có diện tích trồng là 10.595 ha, đạt 104,9% kế hoạch, bằng 114,3% so với cùng kỳ năm ngoái; sản lượng thu hoạch đạt 253.269 tấn. Cây chanh có diện tích trồng là 9.438 ha, đạt 94,4% kế hoạch, bằng 105,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng thu hoạch đạt 131.429 tấn.

Để nâng cao chất lượng trái thanh long và chanh của Long An năm 2019 nhằm phục vụ xuất khẩu và đảm bảo phát triển bền vững, ngành nông nghiệp Long An đã đề ra nhiều giải pháp như tăng cường quản lý quy hoạch vùng sản xuất thanh long, tập trung theo hướng nâng cao chất lượng và đầu ra sản phẩm. Tỉnh Long An sẽ nghiên cứu, đầu tư công nghệ chế biến bảo quản sau thu hoạch thanh long. Ngoài ra, Long An mời gọi và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, tiêu thụ chế biến sản phẩm với hình thức liên kết theo chuỗi giá trị ngành hàng. Đối với trái chanh, để sản xuất trái chanh tươi phát triển bền vững, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Long An đang đầu tư nghiên cứu thêm giống mới sạch bệnh, khuyến khích nông dân tham gia hợp tác xã để sản xuất quy mô lớn, mở hướng đi lâu dài.

Long An hỗ trợ tích cực trong việc đẩy mạnh tiêu thụ cho trái thanh long và chanh của tỉnh thông qua các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ.

Trong báo cáo tình hình kinh tế – xã hội năm 2018 của tỉnh Long An cho thấy, năm 2018, thanh long và chanh là 2 loại cây có diện tích và sản lượng tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Cây thanh long có diện tích trồng là 10.595 ha, đạt 104,9% kế hoạch, bằng 114,3% so với cùng kỳ năm ngoái; sản lượng thu hoạch đạt 253.269 tấn. Cây chanh có diện tích trồng là 9.438 ha, đạt 94,4% kế hoạch, bằng 105,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng thu hoạch đạt 131.429 tấn.

Đây cũng là hai loại cây trồng của tỉnh năm nay có lãi lớn, trong đó giá chanh có hạt từ 3.000-20.000 đồng/kg; chanh không hạt từ 6.000-20.000 đồng/kg, nông dân có lãi từ 70-150 triệu đồng/ha/năm. Giá thanh long ruột trắng từ 5.000-20.000 đồng/kg, giá thanh long ruột đỏ từ 10.000-55.000 đồng/kg, nông dân có lãi từ 250-500 triệu đồng/ha/năm.

Long An thực hiện liên kết sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ trái thanh long.

Có được kết quả trên là do trong thời gian qua, tỉnh Long An đã hỗ trợ tích cực trong việc đẩy mạnh tiêu thụ cho trái cây của tỉnh thông qua các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ. Trong đó:

Cây thanh long có 13 tổ hợp tác và 5 hợp tác xã tham gia liên kết sản xuất – tiêu thụ với diện tích khoảng 209ha; 65 cơ sở kinh doanh thu mua, sơ chế thanh long vùng Long An và Tiền Giang; 3 HTX xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu hàng hóa; 2 HTX sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP.

Riêng cây chanh có 4 HTX liên kết sản xuất với Công ty TNHH MTV Fruit Republic Cần Thơ. Diện tích liên kết ước khoảng 500 ha với 250 hộ tham gia. Công ty hỗ trợ kinh phí cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP cho 11 hộ với diện tích 40ha, sản lượng khoảng 810 tấn/năm tại xã Thạnh Hòa, huyện Bến Lức, chủ yếu xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Đặc biệt, để hỗ trợ nông dân trong tỉnh đẩy mạnh tiêu thụ nông sản hàng hóa, tỉnh Long An đã xác định TP. Hồ Chí Minh là thị trường tiêu thụ lớn cùng với lợi thế là địa bàn giáp ranh nên việc liên kết, kết nối giao thương, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản của Long An rất thuận lợi. Vì vậy, Sở Công Thương tỉnh Long An đã ký kết thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2016-2020 với Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh.

Thực hiện bản thỏa thuận hợp tác, Sở Công Thương tỉnh Long An đã mời các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia Đoàn công tác của tỉnh làm việc với Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn, Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản và Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Sài Gòn để liên kết xây dựng chuỗi giá trị cung ứng hàng hóa. Từ đó, giúp sản phẩm của doanh nghiệp, hợp tác xã của Long An có đầu ra ổn định, sản phẩm nông dân làm ra dễ tiêu thụ.

Hiện, Sở Công Thương tỉnh Long An cung cấp thông tin 34 cơ sở sản xuất rau, củ, quả đạt tiêu chuẩn an toàn, VietGAP; 7 cơ sở, Hợp tác xã cung ứng chanh không hạt cho doanh nghiệp để liên kết xây dựng chuỗi cung ứng hàng hóa tại TP. Hồ Chí Minh.

Cùng với việc hỗ trợ giúp đỡ các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản ở các thành phố lớn, Sở Công Thương tỉnh Long An còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia 15 hội chợ triển lãm tại các tỉnh, thành phố; 14 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, vùng biên giới và khu, cụm công nghiệp. Tỉnh cũng đã thực hiện kết nối các doanh nghiệp để tham gia hội chợ, triển lãm đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối, mở rộng thị trường các nước như Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Quốc.

Đáng chú ý, trong năm 2018, tỉnh Long An tăng cường xúc tiến mở rộng thị trường tiêu thụ các tỉnh phía Bắc; gặp gỡ, trao đổi với các doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp trong và ngoài nước để tìm hiểu phương thức, điều kiện cung ứng hàng hóa… Nhờ đó, tỉnh này đã thực hiện được 139 hợp đồng cung ứng tiêu thụ hàng hóa nông sản, thực phẩm, hầu hết các hợp đồng được triển khai thực hiện hiệu quả và sản lượng cung ứng hàng hóa nông sản theo chiều hướng tăng.

Điển hình như Công ty TNHH Huy Long An – Mỹ Bình ký hợp đồng cung cấp chuối cho hệ thống Satra, Sài Gòn Co.op, chợ đầu mối Thủ Đức và các shop trái cây ở thành phố Hồ Chí Minh; Hợp tác xã rau an toàn Việt ký 10 hợp đồng cung ứng rau vào chuỗi nhà hàng thành phố; Công ty TNHH rượu Thanh Long ký 13 hợp đồng đại lý phân phối rượu thanh long; Hợp tác xã thanh long Long Trì ký 2 hợp đồng cung ứng thanh long cho 2 doanh nghiệp phân phối tại Hà Nội.

Năm 2019, Long An đề ra nhiều giải pháp nâng cao chất lượng, ổn định đầu ra cho trái thanh long và chanh của tỉnh.

Theo Sở Công thương tỉnh Long An, để quá trình sản xuất nông sản trở nên ổn định trong thời kỳ cạnh tranh thương mại hiện nay, một trong những giải pháp bền vững là phát triển liên kết sản xuất. Tiêu chí quan trọng là các sản phẩm nông nghiệp phải sản xuất theo hướng hàng hóa, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn, vệ sinh thực phẩm như VietGAP, GlobalGAP.

Tỉnh Long An đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho nông sản sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn, vệ sinh thực phẩm như VietGAP, GlobalGAP. Đồng thời, tháo gỡ khó khăn doanh nghiệp, phát triển kinh doanh, nhất là đẩy mạnh tiêu thụ nông sản hàng hóa.

Cụ thể, tỉnh Long An đã mời gọi đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, phát triển các loại hình thương mại văn minh, hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế; sắp xếp, bố trí các điểm bán hàng và nhân rộng mô hình chợ, điểm bán nông sản thực phẩm an toàn tại chợ; hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập và phát triển thị trường.

Bên cạnh đó, tỉnh vẫn tiếp tục tăng cường hợp tác với các địa phương trong cả nước, nhất là TP. Hồ Chí Minh để thúc đẩy tiêu thụ nông sản, chú trọng vào các kênh phân phối hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng sản phẩm sạch…). Tỉnh đang tập trung đẩy mạnh tiêu thụ chanh không hạt, thanh long vào các hệ thống siêu thị mini tại các khu chung cư cao cấp ở Hà Nội và các tỉnh, thành phố phía Bắc.

Riêng đối với trái thanh long và chanh, để nâng cao chất lượng trái thanh long và chanh của Long An năm 2019 nhằm phục vụ xuất khẩu và đảm bảo phát triển bền vững, ngành nông nghiệp Long An đã đề ra nhiều giải pháp:

Ngành nông nghiệp Long An tăng cường quản lý quy hoạch vùng sản xuất thanh long, tập trung theo hướng nâng cao chất lượng và đầu ra sản phẩm. Khuyến cáo không mở rộng diện tích ở những vùng không nằm trong quy hoạch, không đảm bảo đủ điều kiện sản xuất. Tăng cường quản lý nhà nước về sản xuất giống, đảm bảo đúng giống, giống chất lượng khi đưa vào sản xuất.

Bên cạnh đó, tỉnh Long An sẽ nghiên cứu, đầu tư công nghệ chế biến bảo quản sau thu hoạch thanh long. Vận dụng hệ thống và đề xuất một số chính sách hỗ trợ nhà vườn và các doanh nghiệp tham gia sản xuất, tiêu thụ, chế biến thanh long. Đẩy mạnh áp dụng GAP trong sản xuất và tiếp tục thành lập mới, nâng cao năng lực các hợp tác xã, các tổ liên kết sản xuất thanh long hiện có.

Ngoài ra, Long An mời gọi và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, tiêu thụ chế biến sản phẩm với hình thức liên kết theo chuỗi giá trị ngành hàng, góp phần tăng hiệu quả kinh tế cho người sản xuất, cơ sở thu mua, bảo quản, chế biến và tiêu thụ trái cây. Tăng cường hơn nữa trong xúc tiến thương mại, xây dựng và quảng bá thương hiệu cho chanh và thanh long.

Đối với trái chanh, để sản xuất trái chanh tươi phát triển bền vững, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Long An đang đầu tư nghiên cứu thêm giống mới sạch bệnh, khuyến khích nông dân tham gia hợp tác xã để sản xuất quy mô lớn, mở hướng đi lâu dài. Tỉnh Long An cũng đang thực hiện Đề án quy hoạch sản xuất 10.000 ha chanh theo công nghệ cao.

Các giải pháp kỹ thuật cần thiết áp dụng trong canh tác chanh và thanh long tại Long An.

Chanh và thanh long là hai loại cây ăn trái chủ lực của tỉnh Long An, được tỉnh chú trọng đầu tư phát triển bằng nhiều chính sách, chương trình, dự án. Trong đó, thanh long được trồng tập trung nhiều nhất là ở huyện Châu Thành (khoảng 8.200 ha) là vùng nằm trong “Đề án phát triển thanh long ứng dụng công nghệ cao 2.000 ha trên địa bàn huyện Châu Thành” của tỉnh; Đối với cây chanh thì diện trồng tập trung chủ yếu ở huyện Bến Lức (hơn 5.400 ha). Đây là hai loại cây ăn trái có xu hướng gia tăng diện tích trong thời gian tới nhất là thanh long bởi có ưu thế cạnh tranh trên thị trường trong nước, xuất khẩu và lợi nhuận cao hơn các loại cây trồng khác. Để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất chanh, thanh long, người trồng cần tập trung các giải pháp kỹ thuật sau:

Giải pháp nâng cao chất lượng, thúc đẩy tiêu thụ thanh long và chanh tỉnh Long An.

Trên cây thanh long:

– Đối với những hộ chuẩn bị trồng mới: trước khi trồng cần phải thiết kế vườn trồng thật tốt, cụ thể: Lên liếp, đắp mô cao, có hệ thống thoát nước tốt trong mùa mưa để tránh tình trạng ngập úng; Chọn giống có nguồn gốc rõ ràng, mua giống ở các cơ sở sản xuất có uy tín; nếu mua ở vườn khác thì phải biết rõ nguồn gốc, chọn hom giống khỏe mạnh, không bị nhiễm bệnh.

– Đối với vườn thanh long đã trồng và vườn giai đoạn kiến thiết:

+ Sử dụng nước sạch, không sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm để tưới thanh long. Nên áp dụng công nghệ tưới tiên tiến tiết kiệm để giảm lượng nước tưới, giảm công lao động và kết hợp bón phân giúp tiết kiệm phân bón, nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón.

+ Tăng cường sử dụng phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh và các chế phẩm sinh học. Chỉ sử dụng phân hữu cơ đã được ủ hoai mục.

+ Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và các chất kích thích sinh trưởng theo nguyên tắc 4 đúng nhằm bảo vệ môi trường, đảm bảo chất lượng sản phẩm.

+ Thường xuyên vệ sinh vườn, định kỳ thực hiện tỉa cành, tạo tán để vườn thanh long thông thoáng, hạn chế dịch bệnh phát sinh; Thu gom cành, tiến hành cắt nhỏ, ủ với chế phẩm sinh học để diệt mầm bệnh và làm nguồn phân hữu cơ cung cấp lại cho vườn thanh long.

+ Cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh tổng hợp, trong đó có biện pháp canh tác như vệ sinh vườn, cắt tỉa cành nhánh, bón phân cân đối, chú ý sử dụng phân hữu cơ được ủ hoai hoặc phân hữu cơ sinh học, để giúp việc phòng bệnh đạt hiệu quả tốt hơn, nhất là bệnh đốm nâu.

+ Chăm sóc cây khỏe, tránh khai thác thanh long quá mức.

Trên cây chanh:

– Đối với các vườn trồng mới cần hết sức lưu ý đến việc thiết kế vườn chanh cho phù hợp với xu hướng phát triển thâm canh:

+ Đảm bảo vườn chanh nhận được ánh nắng đầy đủ, trồng với mật độ thưa: từ 400 cây/ha trở xuống. Nên trồng tối đa 2 hàng chanh trên liếp để dễ dàng áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật canh tác sau này.

+ Việc lên liếp, xây mô cần phải cao và đúng quy trình, bảo đảm cho bộ rễ chanh phát triển tốt lâu dài và giữ nước, thoát nước tốt tránh ngập úng vào mùa mưa. Trong vườn phải có giếng hoặc ao trữ nước để đảm bảo đủ nước tưới vào mùa khô. Tùy theo điều kiện cụ thể nên có hệ thống tưới tiết kiệm và hiệu quả cho chanh vào mùa nắng.

+ Chọn giống chanh trồng phải có nguồn gốc rõ ràng: cây đúng giống, giống khỏe, sạch bệnh, nên chọn mua ở các cơ sở có uy tín.

+ Bón phân cân đối N-P-K, tránh bón thừa đạm, nên bón nhiều phân hữu cơ hoai mục để giúp cây phát triển khỏe, tăng sức chống chịu sâu bệnh và tạo ra sản phẩm đạt yêu cầu chất lượng.

+ Thực hiện tốt việc cắt cành, tạo tán cho cây chanh từ giai đoạn đầu và thường xuyên nhằm giúp chanh phát triển tốt và cân đối, nhận đầy đủ ánh sáng, giảm áp lực về sâu bệnh, có sức sống khỏe, lâu sẽ cho năng suất tối đa và chất lượng trái tốt. Ngoài ra còn hạn chế đổ ngã, tét cành, gãy nhánh khi mùa mưa đến, khi có giông bão.

+ Chú ý đến việc trồng xen trong vườn chanh: có thể trồng xen cây ổi giúp xua đuổi rầy chổng cánh và hạn chế rầy rệp, sâu vẽ bùa phá hại trên chanh mà còn giúp tăng thu nhập; tuyệt đối không trồng các cây họ bầu bí dưa leo, khoai môn, đu đủ vì sẽ là nguồn lây nhiễm sâu bệnh cho chanh.

– Đối với các vườn chanh cũ (từ 1-5 năm tuổi): người trồng phải cố gắng thực hiện một số các giải pháp sau đây:

+ Thực hiện tốt việc tạo tán cho chanh: cắt bỏ toàn bộ cành tược, cành vượt, cành sâu bệnh, bấm bỏ các cành mang trái sau khi thu hoạch giúp cây thông thoáng, giảm áp lực sâu bệnh, cho nhiều trái.

+ Cần đầu tư hệ thống tưới thông minh tiết kiệm, hiệu quả để vừa bảo đảm cung cấp đủ lượng nước tưới vào mùa nắng, vừa giảm công lao động và đồng thời kết hợp bón phân giúp nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón.

+ Phải sử dụng phân hữu cơ hoai mục bón cho chanh vào đầu mùa mưa và cuối mùa mưa, kết hợp với nấm Tri-cô để giúp chanh hạn chế vàng lá thối rễ và tiếp tục cho năng suất ổn định. Cần bón phân đúng cách và hiệu quả là phân bón phải tuyệt đối được vùi vào trong đất, không bón trên mặt đất vì làm thất thoát, sau khi bón phân phải tưới nước cho phân tan chanh dễ hấp thu.

+ Thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu, bệnh tổng hợp (nhất là bệnh vàng lá thối rễ, bệnh nấm hồng, bọ trĩ, nhện đỏ): vệ sinh vườn, chăm sóc cây khỏe. Tuân thủ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên chanh an toàn và hiệu quả.

© Tuyên bố bản quyền