Giải pháp mở rộng sản xuất và tiêu thụ nếp Phú Tân – An Giang
An Giang là tỉnh có sản lượng lúa cao nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đáng chú ý, An Giang còn được biết đến với vùng chuyên canh lúa nếp lớn nhất cả nước, nổi bật là nếp Phú Tân.
Đặc sản nếp Phú Tân, An Giang
Trên địa bàn huyện Phú Tân, sản phẩm nếp Phú Tân được trồng chủ yếu tại các xã Phú Mỹ, Chợ Vàm, Phú Hưng, Phú Thọ, Phú An, Tân Hoà, Bình Thạnh Đông, với hai giống nếp chủ lực là CK2003 và CK92 – đây là hai giống nếp có chất lượng cao với độ dẻo cao và hương thơm đặc trưng, độ thuần đến 99%, năng suất đạt từ 8 – 10 tấn/ha. Đặc biệt, Phú Tân còn có dòng nếp thơm NK2 đang sản xuất và nhân giống tại xã Phú Hưng và Phú An với một quy trình khép kín từ khâu nhân giống cho đến chế biến thành phẩm và được chọn làm sản phẩm xây dựng nên thương hiệu nếp Phú Tân.
Đáng chú ý, từ năm 2017 đến nay, tỉnh An Giang đã chú trọng phát triển thương hiệu nếp Phú Tân thông qua nhiều Dự án như: Tỉnh An Giang đã giao Sở Công Thương và Trường Đại học An Giang nghiên cứu đề xuất khung cho chiến lược phát triển thương hiệu nếp Phú Tân từ năm 2017 đến năm 2020; quyết định phê duyệt kế hoạch “Phát triển vùng chuyên canh nếp huyện Phú Tân giai đoạn 2019-2020”.
Nhờ đó, chất lượng nếp Phú Tân được được người tiêu dùng ưa chuộng và đánh giá cao. Ngoài xây dựng mô hình điểm sản xuất nếp chất lượng cao theo hướng khép kín, nếp Phú Tân còn được giới thiệu tại các lễ hội ẩm thực, hội chợ hàng Việt Nam thông qua chế biến các món ăn đặc trưng như: bánh phồng, xôi phồng.
Trong vụ Đông Xuân 2019-2020, toàn huyện Phú Tân có 23.855ha nếp, đến cuối tháng 2/2020 đã thu hoạch 10.000 ha, đạt khoảng 70.000 tấn, ước sản lượng nếp toàn vụ đạt 158.000 tấn.
Hiện trên địa bàn huyện Phú Tân có 3 doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ với 4 hợp tác xã trong vụ này với tổng diện tích 760 ha, sản lượng 5.600 tấn. Diện tích còn lại chưa liên kết là 23.095 ha, ước sản lượng khoảng 161.000 tấn. Qua rà soát, toàn huyện có khoảng 4.600 ha (trên 32.000 tấn) được thương lái thu mua và đặt cọc. Trước mùa thu hoạch, thương lái ngoài tỉnh đến các doanh nghiệp xay xát – kinh doanh nếp đặt hàng, hai bên tự thỏa thuận ký hợp đồng về chất lượng, số lượng; các doanh nghiệp trong huyện tự tổ chức thu mua, xay xát và tiêu thụ sản phẩm theo đơn đặt hàng và hợp đồng với thương lái ngoài tỉnh.
Đối với hợp tác xã Phú Thạnh, hợp tác xã có tổng diện tích 1.561 ha sản xuất tại vùng đông sườn Phú Thạnh và đông sườn Phú Lâm. Tình hình tiêu thụ nhìn chung ổn định và nông dân có lãi.
Tại hợp tác xã Phú An, đến nay hợp tác xã đã thu hoạch gần hết diện tích nếp, theo các hộ dân, vụ Đông Xuân năm nay nếp Phú Tân đạt năng suất cao, ít sâu bệnh, giá bán ổn định. Năng suất nếp bình quân 6,5-6,7 tấn/ha. Việc thu mua qua liên kết với doanh nghiệp và thương lái bên ngoài đều có tín hiệu tích cực, nông dân tham gia ký kết hợp đồng giữ tốt chữ tín.
Những khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ nếp Phú Tân và một số giải pháp khắc phục thời gian tới
Mặc dù năng suất, chất lượng nếp Phú Tân đã được cải thiện rất nhiều, tuy vậy, huyện Phú Tân vẫn phải đối mặt với các khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ nếp. Nhiều địa phương chưa kiểm soát chặt chẽ sản xuất nếp theo kế hoạch vừa gây khủng hoảng thừa, vừa phá vỡ quy hoạch, ảnh hưởng rất lớn đến vùng chuyên canh nếp Phú Tân.
Những năm qua, thị trường tiêu thụ nếp Phú Tân chủ yếu là thị trường Trung Quốc, hoạt động xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường chưa được chú trọng. Trên địa bàn có hai công ty xuất khẩu nếp, đa số doanh nghiệp xay xát, kinh doanh lương thực còn lại có quy mô nhỏ, kho chứa số lượng ít; việc chế biến, tiêu thụ, dự trữ sản phẩm nếp còn nhiều hạn chế.
Bên cạnh đó, do trở ngại về địa hình, địa lý của huyện Phú Tân nên công tác mời gọi, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm từ nếp Phú Tân chưa hiệu quả. Lượng nếp hiện nay chủ yếu bán cho thương lái ngoài tỉnh, họ chỉ cần mua sản phẩm thô về tự tiêu thụ nơi khác, không cần nhãn mác, thương hiệu.
Dịch Covid-19 diễn ra từ đầu năm đến nay chưa ảnh hưởng nhiều đến việc thu mua lúa nếp Phú Tân, tuy nhiên nếu dịch bệnh kéo dài sẽ tác động đến tiêu thụ, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người nông dân.
Trước tình hình trên, UBND huyện Phú Tân đã đề nghị tỉnh An Giang có kế hoạch thu mua tạm trữ nếp; đưa nhãn hiệu nếp của hợp tác xã Phú Thạnh và nếp của Công ty TNHH Phú Vinh vào tiêu thụ trong hệ thống siêu thị; đồng thời sớm tham mưu UBND tỉnh kế hoạch “Xây dựng nhãn hiệu nếp An Giang tiến tới phát triển thương hiệu nếp An Giang”, trong đó có nếp Phú Tân; hỗ trợ mời doanh nghiệp tiềm năng xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm từ nếp Phú Tân; Huyện Phú Tân cũng kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục thực hiện sản xuất “2 năm, 5 vụ” trên địa bàn, vừa tránh lặp lại khủng hoảng thừa, vừa thích ứng biến đổi khí hậu và có chính sách hỗ trợ thực hiện truy xuất nguồn gốc gắn với yêu cầu của thị trường.
Như vậy, với sự vào cuộc mạnh mẽ từ phía các cơ quan chuyên môn, sản phẩm nếp Phú Tân tới đây sẽ ngày càng mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.