Đưa sầu riêng xuất khẩu vượt qua ‘hàng rào xanh’: Khẳng định từ Tây Nguyên

Các địa phương cam kết xây dựng và quản lý mã số vùng trồng sầu riêng xuất khẩu theo các tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường.

Bảo quản sầu riêng tươi trong 3 tuần, quả chín tự nhiên

Hành động quyết liệt để bảo vệ thị trường sầu riêng Việt

Vườn sầu riêng ‘nói không’ với hóa chất

Giải pháp canh tác sầu riêng kiểm soát tồn dư hóa chất

Cấp “giấy thông hành” cho sầu riêng

Mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng để theo dõi, kiểm soát tình hình sản xuất, sinh vật gây hại nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.

Đưa sầu riêng xuất khẩu vượt qua 'hàng rào xanh': Khẳng định từ Tây Nguyên

Nhận thức rõ tầm quan trọng đó, trong những năm qua, các tỉnh Tây Nguyên luôn đồng hành, sát cánh hỗ trợ, hướng dẫn người dân, HTX, doanh nghiệp đẩy mạnh việc xây dựng mã vùng trồng, đặc biệt là cây sầu riêng, nhằm thúc đẩy xuất khẩu bền vững nông sản có thế mạnh của địa phương.

Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Đắk Lắk có 68 vùng trồng với tổng diện tích 2.500 ha trong tổng số 22.600 ha diện tích sầu riêng cho thu hoạch. Cùng với đó, Đắk Lắk có 24 cơ sở đóng gói sầu riêng quả tươi được phía Trung Quốc phê duyệt mã số. Trong khi đó, tỉnh Gia Lai đã được cấp 54 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu với tổng diện tích hơn 1.280 ha.

Người dân, HTX, doanh nghiệp tại các tỉnh Tây Nguyên ngày càng chú trọng mã số vùng trồng.

Còn tại tỉnh Đắk Nông, tính đến cuối năm 2024, địa phương đã được cấp 47 mã số vùng trồng dành cho sầu riêng. Tổng diện tích trồng sầu riêng hiện nay của tỉnh Đắk Nông ước đạt gần 12.000 ha với sản lượng sầu riêng trong năm 2024 ước tính đạt khoảng 50.000 tấn.

Theo ông Lầu Kiều Vân, Giám đốc Công ty Nghiệp Xuân (xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông), việc được cấp mã số vùng trồng đã tạo điều kiện thuận lợi cho công ty trong việc xuất khẩu sầu riêng. Hiện tại, công ty đã được cấp mã số vùng trồng cho diện tích hơn 30 ha. Điều này đã giúp sản phẩm sầu riêng được xuất khẩu thuận lợi sang các thị trường lớn, đặc biệt là Trung Quốc.

“Mã số vùng trồng giúp chúng tôi chứng minh được nguồn gốc rõ ràng và chất lượng vượt trội của sản phẩm, từ đó mở rộng cơ hội thị trường và tăng trưởng sản lượng”, ông Vân chia sẻ.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường Đắk Nông cho biết, việc cấp mã số vùng trồng không chỉ giúp sản phẩm sầu riêng của Đắk Nông đáp ứng các yêu cầu chất lượng khắt khe của các thị trường quốc tế mà còn nâng cao giá trị sản phẩm nông sản của tỉnh. Các mã số vùng trồng giúp truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng sản phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng và đối tác xuất khẩu, đặc biệt là thị trường lớn như Trung Quốc.

Những khó khăn cần tháo gỡ

Hiện nay tại các tỉnh Tây Nguyên, lực lượng cán bộ chuyên trách để thực hiện nhiệm vụ xây dựng và quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói gần như chưa có, mà chỉ thực hiện kiêm nhiệm. Trong khi đó, các địa phương cũng không được cấp kinh phí để thực hiện xây dựng và quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói.

Ông Lê Văn Thanh, Giám đốc HTX Sản xuất – Thương Mại – Dịch vụ – Du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) cho biết, hiện các thành viên trong HTX đã xây dựng mã số vùng trồng cho sầu riêng được hơn 120 ha. Tuy nhiên, giá thu mua trong vùng cũng chỉ ngang bằng với sầu riêng ngoài vùng trồng, nên người dân bị thiệt thòi.

Ở một khía cạnh khác, ông Mai Đình Thọ, Chủ tịch HĐQT HTX Dịch vụ nông nghiệp sạch Krông Pắc (huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, để phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu, đơn vị đã thực hiện xây dựng mã số vùng trồng cho hơn 150 ha sầu riêng, tuân thủ quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn. Các thủ tục liên quan đến đăng ký cấp mã HTX cũng đã hoàn thành. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan, đến nay sau hơn 2 năm chúng tôi vẫn chưa được cấp mã số vùng trồng như mong muốn.

“Lý do được đưa ra là phải chờ chấp thuận từ phía Trung Quốc phê duyệt nên chúng tôi đành phải chấp nhận”, ông Thọ thông tin.

Hành động, cam kết từ địa phương

Hiện chính quyền địa phương các tỉnh Tây Nguyên đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh việc xây dựng mã số vùng trồng cho ngành hàng sầu riêng.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk, hàng năm đơn vị đã tổ chức các lớp tập huấn các nội dung liên quan đến mã số vùng trồng, tuân thủ yêu cầu kỹ thuật và các quy định của nước nhập khẩu như: sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phù hợp trong quá trình chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, đóng gói, bảo quản.

Kỹ thuật chăm sóc sầu riêng đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu ngày càng được chú trọng.

Mặt khác, đơn vị tổ chức giám sát định kỳ hoặc đột xuất đối với các vùng trồng, cơ sở đóng gói trên địa bàn quản lý, đảm bảo luôn đáp ứng yêu cầu, quy định của nước nhập khẩu. “Kiên quyết thu hồi mã số xuất khẩu đối với các vùng trồng, cơ sở đóng gói không tuân thủ yêu cầu của nước nhập khẩu”, lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk khẳng định.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Xuân Khải, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai cho biết, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai sẽ tập trung tham mưu, ưu tiên xây dựng mã số vùng trồng cho các loại nông sản xuất khẩu, trong đó có cây sầu riêng.

Để thực hiện được điều này, ngành nông nghiệp của tỉnh sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, HTX, doanh nghiệp trong việc xây dựng mã số vùng trồng. Trong đó, đẩy mạnh hướng dẫn về quy trình canh tác theo hướng sử dụng vật tư đầu vào tiết kiệm, an toàn và hiệu quả, phục vụ truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của các nước nhập khẩu. Đồng thời, tăng cường mối liên kết với các vùng trồng để kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, tránh việc mạo danh mã số vùng trồng.

“Các mã số vùng trồng được kiểm tra tối thiểu 1 lần/vụ và được thực hiện trước thời điểm thu hoạch, tập trung vào các tiêu chí như: Nhật ký ghi chép trong quá trình sản xuất, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, các thông tin về sự thay đổi của mã số vùng trồng… Việc kiểm tra này nhằm kịp thời phát hiện, khắc phục những sai sót, đảm bảo chất lượng nông sản luôn đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu”, ông Khải nói và cho biết, đối với các vùng trồng không đáp ứng các tiêu chí, chúng tôi sẽ đề nghị hủy mã số vùng trồng.

© Tuyên bố bản quyền