Dự báo xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ sẽ có sự tăng trưởng tích cực trong những tháng cuối năm 2024.

Gốm mỹ nghệ và gia dụng là một trong những ngành nghề truyền thống của nước ta. Trong đó có các địa phương thuộc khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa như vùng núi Trường Sơn có người Cơ Tu, Bắc Tây Nguyên có nghề gốm của đồng bào Giẻ – Triêng, Ba Na, Nam Tây Nguyên có nghề làm gốm của người M’nông Rlâm, tại tỉnh Ninh Thuận có làng gốm Bàu Trúc tại Ninh Phước. Ngoài những đóng góp cho nhu cầu sử dụng đa dạng của cuộc sống, gốm sứ mỹ nghệ còn có giá trị văn hóa, lịch sử. Gốm mỹ nghệ đã góp phần khẳng định truyền thống và bản sắc dân tộc Việt Nam qua các sản phẩm, qua các hình tượng, hoa văn, kiểu dáng. Bên cạnh đó, ngành sản xuất gốm sứ cũng đã tạo ra nhiều việc làm cho người lao động.

Hình ảnh sản phẩm gốm mỹ nghệ.

Trong lĩnh vực xuất khẩu, gốm mỹ nghệ đóng vai trò rất quan trọng, đã và đang đem lại cho Việt Nam một nguồn ngoại tệ đáng kể. Ngoài ra, xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ còn có một giá trị lớn hơn là giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, các khu vực, các quốc gia trên thế giới.

Hiện tại các sản phẩm gốm sứ mỹ nghệ và gia dụng của Việt Nam đã có mặt ở nhiều thị trường lớn trên thế giới như: EU, Mỹ, Anh, Nhật Bản, Australia, Canada và ngày càng chiếm được lòng tin của người tiêu dùng.

Theo thống kê sơ bộ từ số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ của Việt Nam trong tháng 8/2024 đạt 11,49 triệu USD, tăng 11,0% so với tháng 7/2024 và tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung trong 8 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ đạt 107,20 triệu USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2023.

8 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu các chủng loại gốm sứ mỹ nghệ đều tăng so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, chậu gốm sứ là chủng loại được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 61,4% tổng kim ngạch xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ của cả nước, đạt 65,82 triệu USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm 2023. Gốm sứ trang trí chiếm 24,3% tỷ trọng, đạt 26,04 triệu USD, tăng 6,6%. Gốm sứ gia dụng chiếm 8,7% tỷ trọng, đạt 9,34 triệu USD, tăng 6,6%.

EU là thị trường xuất khẩu lớn nhất mặt hàng gốm sứ mỹ nghệ của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2024, chiếm 33,5% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước, đạt 35,87 triệu USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2023. Tiếp đến là xuất khẩu tới Mỹ chiếm 33,1% tỷ trọng, đạt 35,52 triệu USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Dự báo, xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ của Việt Nam trong những tháng cuối năm 2024 sẽ khả quan do nhu cầu về các sản phẩm trang trí tăng ở cả trong nước và thị trường thế giới trong mùa lễ hội như Noel, năm mới.

Để đẩy mạnh hơn nữa xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ, ngoài các kênh bán hàng truyền thống, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh hơn nữa việc quảng bá, bán hàng trên nền tảng trực tuyến. Ngoài các thị trường xuất khẩu truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản, doanh nghiệp cũng nên tập trung khai thác thị trường khác như Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mexico, Chilê.

Dự báo xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ sẽ có sự tăng trưởng tích cực trong những tháng cuối năm 2024.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tìm hiểu về nhu cầu, thị hiếu của thị trường nhập khẩu. Ngoài ra, cũng cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của các nhóm mặt hàng có lợi thế, gia tăng giá trị sản phẩm. Đồng thời, cần đa dạng hóa sản phẩm và tăng cường hợp chuẩn quốc tế nhằm đáp ứng được nhiều phân khúc thị trường khác nhau, trong đó tập trung vào phân khúc thị trường trung và cao cấp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu trong ngành cũng cần chú trọng đầu tư xây dựng thương hiệu ngành, thương hiệu doanh nghiệp gắn với xúc tiến thương mại.

Các sản phẩm gốm sứ phải tuân thủ các yêu cầu bắt buộc của thị trường cũng như các yêu cầu bổ sung mà người mua đặt ra. Đối với các sản phẩm gốm sứ, đồ trang trí nhà cửa, các quy định chủ yếu tập trung vào sức khỏe và sự an toàn của người tiêu dùng. Các sản phẩm phải có chất lượng tốt, giảm thiểu rủi ro từ các hóa chất độc hại.

Thông tin chi tiết xem file đính kèm.

© Tuyên bố bản quyền