Định hướng phát triển bền vững cho thương hiệu nơm Lục Nam

Cây na được người dân huyện Lục Nam đưa vào trồng từ lâu, hiện cây na được coi là cây trồng chủ lực, với diện tích trồng khoảng 1.730 ha, tập trung tại các xã Huyền Sơn, Đông Phú, Vô Tranh, Nghĩa Phương.

Theo người dân huyện Lục Nam, trồng na không mất nhiều công chăm sóc, đầu tư chi phí không lớn, ít sâu bệnh, lại ít bị mất mùa, giá cả khá ổn định. Trồng na mang lại nguồn thu gấp mấy chục lần trồng lúa và ngang bằng với những loại cây ăn quả khác. Nhờ có giống na ngon, có kỹ thuật chăm sóc tốt, na Lục Nam đã trở thành cây trồng mũi nhọn của huyện Lục Nam.

Na dai- cây trồng mũi nhọn của người dân huyện Lục Nam

Định hướng phát triển bền vững cho thương hiệu nơm Lục Nam

Hợp tác xã sản xuất na dai Lục Nam được thành lập năm 2014, tham gia vào HTX, người trồng na được giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, từng bước xây dựng thương hiệu na dai Lục Nam. Ngoài ra, huyện đã có nhiều giải pháp hỗ trợ cho người dân như hỗ trợ kinh phí làm bao bì, nhãn mác, gắn tem truy xuất nguồn gốc; tiến hành xây dựng chỉ dẫn địa. Sản phẩm “na dai Lục Nam” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể và giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý.

Việc thương hiệu na dai của huyện Lục Nam được cấp chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý sẽ là động lực để người dân Lục Nam tiếp tục phát triển thương hiệu, từng bước xây dựng những vùng trồng na chất lượng, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Định hướng phát triển bền vững cho sản phẩm na dai Lục Nam

Nhờ trồng na cho thu nhập cao, ổn định, người dân Lục Nam đã chủ động trong việc nâng cao năng suất, chất lượng cho sản phẩm na. Dưới sự hướng dẫn, chỉ đạo của huyện Lục Nam, thay vì mở rộng ồ ạt diện tích trồng na, người dân Lục Nam đã biết cải tạo phương thức trồng; trồng rải vụ, trồng theo hướng VietGAP, nâng cao giá trị na trên một đơn vị canh tác. Diện tích trồng na trên địa bàn huyện Lục Nam khoảng 1.730 ha; trong đó 850 ha sản xuất theo hướng VietGAP và đã có 65 ha được cấp chứng nhận VietGAP. Sản lượng na trung bình hàng năm của huyện đạt khoảng 14.000 tấn.

Vụ na năm 2020, do thời tiết bất lợi nên sản lượng na chính vụ của Lục Nam năm nay giảm hơn năm ngoái. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Lục Nam, sản lượng na chính vụ năm nay ước chỉ đạt khoảng 3 tạ/sào, giảm hơn 20% so với năm trước. Giá bán na chỉ đạt khoảng 30.000-35.000 đồng/kg, giảm 5.000-10.000 đồng/kg so với năm 2019.

Từ thực tế sản xuất, tiêu thụ vụ na năm 2020 cho thấy, na được trồng theo phương thức truyền thống cho sản phẩm hình thức, mẫu mã, chất lượng không đồng đều, giá bán thấp, còn đối với những diện tích trồng na theo tiêu chuẩn VietGAP, sử dụng phân bón hữu cơ nên quả to và đều, vị ngọt đậm nên được người tiêu dùng ưa thích. Giá bán na trồng theo hướng VietGAP thường cao hơn 5.000-10.000 đồng/kg so với na thông thường.

Do đó, để sản phẩm na dai Lục Nam phát triển bền vững, tạo thu nhập cao cho người trồng na, huyện Lục Nam cần tiếp tục định hướng cho người dân trồng na theo các tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, mở rộng vùng trồng na theo chuẩn VietGAP.

Để đẩy mạnh tiêu thụ na cho người dân, huyện Lục Nam đã tăng cường quảng bá na Lục Nam bằng nhiều hình thức như: Thiết kế tem, nhãn (truy xuất nguồn gốc), thùng đựng na bắt mắt và tuyên truyền trên trang thông tin điện tử của huyện để thu hút người tiêu dùng. Đồng thời, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động liên kết sản xuất, tiêu thụ, chế biến, tổ chức quảng bá sản phẩm như mở Hội nghị, Hội thảo và Hội chợ na.

Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục củng cố và kiện toàn Hợp tác xã na dai hiện có và phát triển thêm một số hợp tác xã na dai khác trên địa bàn; tiếp tục duy trì và mở rộng diện tích sản xuất na theo tiêu chuẩn VietGAP; đẩy nhanh việc hoàn thiện xây dựng chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm na dai Lục Nam; xây dựng cơ chế hỗ trợ kinh phí để phát triển thương hiệu, xúc tiến thương mại cho quả na; đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm na dai Lục Nam.

© Tuyên bố bản quyền