Diện tích trồng cây ăn quả tại Đắk Lắk đang gia tăng mạnh mẽ.
Những năm gần đây diện tích trồng cây ăn quả ở Đắk Lắk tăng nhanh, với 20.500 ha vào cuối 2018, gấp hơn 2,3 lần so với năm 2014.
Ngày 19/9, Cục bảo vệ thực vật – Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk tổ chức hội nghị “Định hướng về sản xuất nông nghiệp gắn với thị trường tiêu thụ một số nông sản, sản phẩm quả tươi của tỉnh Đắk Lắk”.
Hội nghị cho biết, những năm gần đây diện tích trồng cây ăn quả ở Đắk Lắk đã tăng nhanh, với 20.500 ha vào cuối 2018, gấp hơn 2,3 lần so với năm 2014. Cùng với tăng diện tích, năng suất, chất lượng, sản lượng trái cây cũng ngày một được nâng cao.
Cây sầu riêng là loại cây phát triển khá tốt tại Đắk Lắk.
Tuy nhiên, Đắk Lắk hiện có rất ít nhà máy chế biến và bảo quản nông sản, đặc biệt là đối với rau, củ, trái cây và các nông sản chủ lực; chưa có sự liên kết giữa sản xuất với chế biến và thị trường.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung phân tích cả những lợi thế và thách thức trong phát triển cây ăn trái hiện nay. Ông Đặng Quang Đức, Phó giám đốc hợp tác xã Thành Công, huyện Ea Kar cho rằng, vấn đề đầu tiên mà nông dân và cơ quan quản lý nông nghiệp tỉnh cần tập trung giải quyết là xác định các vùng canh tác phù hợp với từng loại sản phẩm.
“Chúng tôi mong muốn ngành nông nghiệp sẽ định hướng cho bà con nông dân sản xuất những cây, con gì mang lại giá trị kinh tế cao. Đồng thời tạo vùng nguyên liệu an toàn, cách ly được thuốc bảo vệ thực vật để tăng thu nhập cho bà con và đảm bảo an toàn cho chính người sản xuất” – ông Đức bày tỏ.
Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, để nâng cao hiệu quả và tính bền vững của cây ăn trái, bên cạnh việc xây dựng các vùng trồng phù hợp, tỉnh đang khuyến khích liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và người sản xuất, nhằm có nguồn trái cây chất lượng, minh bạch về nguồn gốc, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu qua đường chính ngạch.
Theo ông Dương: “Có hợp tác xã thì doanh nghiệp mới vào, vì họ không thể đi đến từng hộ nhỏ lẻ. Nhưng với việc có hợp tác xã, có vùng rồi thì họ sẵn sàng đầu tư qua hợp tác xã. Gần đây, chúng tôi cũng đã mạnh dạn kiến nghị tỉnh ủy ban hành nghị quyết về phát triển kinh tế hợp tác và hợp tác xã nông nghiệp. Tôi cho rằng đây là một nghị quyết quan trọng và nếu tổ chức tốt, chúng ta sẽ thành công.”