Đầu tư vào chế biến sâu: Giải pháp quan trọng để tạo ra giá trị gia tăng cho các sản phẩm Việt Nam.
Theo thống kê, đến nay diện tích trồng cà phê của Việt Nam vào khoảng 650.000 ha. Mặc dù diện tích trồng cà phê của Việt Nam tăng nhanh trong những năm gần đây, dẫn đến sản lượng cà phê tăng, nhưng năng suất, chất lượng cà phê Việt Nam vẫn chỉ ở mức thấp so với thế giới, do vậy giá trị gia tăng đem lại của cà phê Việt Nam chưa cao.
Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, định hướng phát triển thời kỳ mới của ngành cà phê Việt Nam là giữ vững vị trí xuất khẩu cà phê nhân thứ 2 thế giới và nâng cao giá trị gia tăng của ngành lên gấp đôi, đạt 6 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu trên, việc đầu tư vào rang xay, hòa tan và các sản phẩm chế biến khác là hết sức quan trọng.
Tình hình sản xuất và tiêu thụ cà phê trên cả nước thời gian qua.
Về sản xuất.
Theo thống kê, đến nay diện tích trồng cà phê của Việt Nam vào khoảng 650.000 ha, được trồng ở 105 huyện của 22 tỉnh, thành phố, bao gồm 5 vùng sản xuất chính là Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Bắc Trung Bộ và Trung du miền núi phía Bắc. Trong đó, chiếm đến gần 90% diện tích cà phê của cả nước được trồng tại các tỉnh Tây Nguyên với 597.363 ha cà phê, sản lượng mỗi niên vụ đạt từ 1,4 triệu tấn cà phê nhân trở lên.
Theo quy hoạch, diện tích cà phê của các tỉnh Tây Nguyên đến năm 2020 là 447.000 ha, trong đó, Đắk Lắk có 170.000 ha, Lâm Đồng 135.000 ha, Gia Lai 73.000 ha, Đắk Nông 69.000 ha. Tuy nhiên, hiện các tỉnh trong vùng đều có tổng diện tích cà phê vượt xa so với quy hoạch.
Tại Đắk Lắk, theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Đắk Lắk, trong niên vụ 2017 – 2018, diện tích cà phê toàn tỉnh là 204.808 ha, tăng 1.071 ha so với niên vụ trước. Trong đó, diện tích cho sản phẩm 187.279 ha, năng suất bình quân đạt 24,55 tạ/ha. Tổng sản lượng ước đạt 459.785 tấn, tăng 11.975 tấn so với niên vụ 2016 – 2017.
Tại Gia Lai, với diện tích hiện có khoảng 94.000 ha cà phê, Gia Lai là một trong những địa phương có diện tích cà phê lớn của cả nước. Tuy nhiên, rất nhiều diện tích đã già cỗi, quá chu kỳ khai thác cần được cải tạo. Niên vụ năm 2017-2018, đa số diện tích trong 81.000 ha cà phê giai đoạn kinh doanh của Gia Lai đều giảm năng suất. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai, năng suất cà phê toàn tỉnh vụ này chỉ còn 11,5 tấn quả tươi/ha, giảm gần 1/3 so với vụ năm ngoái.
Tại Đắc Nông, là tỉnh có diện tích cà phê đứng thứ 3 cả nước, với diện tích cà phê là 127.452 ha, chiếm trên 60% tổng diện tích cây công nghiệp, sản lượng thu hoạch đạt 267.499 tấn, năng suất trung bình năm 2017 là 2,376 tấn/ha; diện tích cà phê được chứng nhận theo tiêu chuẩn 4C và UTZ trên địa bàn tỉnh Đắc Nông là 5.475 ha, với sản lượng 19.836 tấn.
Tại Lâm Đồng, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, tổng diện tích canh tác cà phê toàn tỉnh Lâm Đồng hiện đạt gần 174.000 ha, tăng 14.300 ha so với năm 2013, thời điểm bắt đầu thực hiện tái cơ cấu nền nông nghiệp Lâm Đồng. Diện tích cà phê tăng phần lớn là do chuyển đổi các cây trồng kém hiệu quả hơn như chè, điều, vườn tạp. Song song với đó, các mô hình canh tác cà phê theo hướng bền vững cũng tiếp tục được phát triển.
Theo Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam (VICOFA), vụ mùa 2018/2019 là vụ có nhiều yếu tố khách quan và chủ quan tác động đến sản lượng cà phê của Việt Nam. Trong đó có ba yếu tố chính là:
Thứ nhất, vụ 2017/2018 là vụ có sản lượng cao hơn vụ trước. Theo quy luật tự nhiên của cây cà phê thì năm ngoái được mùa năm nay sẽ mất mùa.
Hai là, giảm diện tích do giá cà phê thấp, lợi nhuận từ các cây trồng khác như bơ, sầu riêng cao gấp 3-4 lần nên người nông dân đã chuyển sang các cây trồng khác và xen canh trong vườn cà phê. Theo thống kê của Cục Trồng trọt, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích này đã lên 102.000 ha. Như vậy diện tích cà phê và số lượng cây trong các vườn cà phê đã giảm đáng kể dẫn đến giảm sản lượng trong vụ tới.
Thứ ba, năm nay mưa nhiều và mưa lớn kéo dài, nước đọng, nhiều vườn cà phê quả non rụng quá mức bình thường. Có những vùng ở Gia Lai theo các chuyên gia nông nghiệp cho biết mức rụng quả lên đến 20%, các vùng khác trên 10%.
Với ba yếu tố trên, dự báo sản lượng cà phê vụ 2018/2019 sẽ thấp hơn vụ 2017/2018, có thể chỉ đạt 25,5 triệu bao.
Về tiêu thụ.
Theo số liệu thống kê, có đến 90% cà phê xuất khẩu của Việt Nam ở dạng thô, còn lại là tiêu thụ trong nước ở dạng chế biến và hòa tan.
Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam cho biết, lượng tiêu thụ cà phê của Việt Nam vào cuối năm 2017 đã đạt mức 1,38 kg/người/năm. Đây là mức tiêu thụ cao nhất trong số các quốc gia xuất khẩu cà phê trên thế giới, nhưng chưa dừng lại, dự báo mức tiêu thụ sẽ còn tăng lên 2,6 kg/người/năm từ 2018 – 2021. Trong đó, sản lượng tiêu thụ cà phê rang xay trong nước niên vụ 2017 – 2018 ước lên đến 2,55 triệu bao, do sự phát triển bùng nổ của các quán cà phê từ hạng sang đến cà phê vỉa hè.
Riêng thị trường cà phê hòa tan được dự báo từ năm 2018 trở đi sẽ đạt đến 7.000 tỷ đồng/năm, với mức tăng trưởng từ 8% – 10%/năm trong tổng cầu của thị trường cà phê Việt Nam vào khoảng 20 nghìn tỷ đồng. Điều này được chứng minh bằng sự xuất hiện ngày càng nhiều thương hiệu cà phê trong và ngoài nước ở nhóm cà phê hòa tan.
Đối với cà phê xuất khẩu, dự kiến năm 2018, Việt Nam xuất khẩu được 1,7 triệu tấn cà phê, kim ngạch khoảng 3,5 tỷ USD. Tính riêng trong 10 tháng năm 2018, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,585 triệu tấn, trị giá 3,0 tỷ USD, tăng 22,2% về lượng và tăng 1,8% về trị giá so với 10 tháng năm 2017. Giá xuất khẩu bình quân mặt hàng cà phê 10 tháng năm 2018 đạt 1.893,6 USD/tấn, giảm 16,7% so với cùng kỳ năm 2017.
Robusta là chủng loại xuất khẩu lớn nhất trong 10 tháng năm 2018, chiếm tới 92,8% tổng lượng cà phê xuất khẩu, đạt 1,35 triệu tấn, trị giá 2,34 tỷ USD, tăng 30,6% về lượng và 6,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.
Cà phê hòa tan là chủng loại xuất khẩu đứng vị trí thứ 2, đạt 31,6 nghìn tấn, trị giá 162,8 triệu USD, tăng 13,6% về lượng và 19,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.
Chủng loại cà phê xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 10 và 10 tháng năm 2018.
Chủng loại |
10 tháng 2018 |
So với 10 tháng 2017 (%) |
Tháng 10/2018 |
So với tháng 9/2018 (%) |
So với tháng 10/2017 (%) |
|||||
Lượng (tấn) |
Trị giá (nghìn USD) |
Lượng |
Trị giá |
Lượng (tấn) |
Trị giá (nghìn USD) |
Lượng |
Trị giá |
Lượng |
Trị giá |
|
Robusta |
1.351.526 |
2.338.849 |
30,6 |
6,8 |
120.760 |
196.649 |
14,3 |
18,9 |
84,5 |
43,6 |
Cà phê hòa tan |
31.598 |
162.755 |
13,6 |
19,8 |
3.945 |
16.194 |
36,0 |
16,1 |
89,4 |
40,4 |
Arabica |
67.752 |
152.400 |
38,0 |
11,1 |
1.936 |
3.605 |
-26,5 |
-28,7 |
-47,7 |
-59,7 |
Cà phê Excelsa |
6.020 |
11.030 |
178,3 |
123,4 |
1.026 |
1.657 |
145,0 |
145,0 |
1235,9 |
907,6 |
Hiện nay Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê nhân lớn thứ 2 thế giới, sau Braxin, nếu tính riêng xuất khẩu cà phê Robusta thì lớn nhất thế giới. Đây cũng là một trong những ngành hàng mang lại giá trị cao nhất cho nông sản với kim ngạch xuất khẩu chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.
Năm nay, giá cà phê thế giới đang xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua, gây ảnh hưởng lớn đến kim ngạch xuất khẩu cà phê nước ta.
Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu cà phê Việt Nam không giảm là nhờ xuất khẩu cà phê chế biến đã tăng trưởng rất nhanh, với 2 nhóm sản phẩm chính là cà phê rang xay và cà phê hòa tan.
Với nhóm sản phẩm cà phê hòa tan, tăng trưởng về lượng xuất khẩu trong niên vụ 2016/2017 tăng gấp 3 lần so với niên vụ 2015/2016, với 1,97 triệu bao. Xuất khẩu cà phê hòa tan của Việt Nam trong niên vụ 2017/2018 tăng thêm 100.000 bao so với niên vụ trước, đạt 2,1 triệu bao, tương đương với 120 nghìn tấn.
Nhu cầu cà phê hòa tan tăng trưởng mạnh thời gian tới.
Đầu tư chế biến sâu đang là giải pháp quan trọng để tạo ra giá trị gia tăng cho cà phê Việt Nam.
Có thể thấy, mặc dù diện tích trồng cà phê của Việt Nam tăng nhanh trong những năm gần đây, dẫn đến sản lượng cà phê tăng, nhưng năng suất, chất lượng cà phê Việt Nam vẫn chỉ ở mức thấp so với thế giới, do vậy giá trị gia tăng của cà phê Việt Nam chưa cao. Nguyên nhân là do cà phê già cỗi chiếm tỷ trọng lớn, tỷ trọng cà phê xanh khi thu hoạch vẫn cao khiến chất lượng cà phê giảm.
Đặc biệt, ngành cà phê Việt Nam đang đứng trước những thách thức của biến đổi khí hậu. Ngoài 120.000 ha cà phê già năng suất thấp đã có chương trình tái canh và đã ngừng, nay lại có thêm 100.000 ha đến thời kỳ tái canh. Bên cạnh đó, là quy mô sản xuất nhiều hộ nhỏ lẻ; nguồn vốn vay có lãi suất cao; cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài gay gắt.
Việt Nam là quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới, với lượng cà phê xuất khẩu dao động từ 1,3 -1,8 triệu tấn/năm, tuy vậy, trị giá đem lại hàng năm chỉ khoảng 3 tỷ USD. Đặc biệt, do giá cà phê toàn cầu đang có xu hướng giảm ngày càng khiến ngành cà phê Việt Nam tăng trưởng không tương xứng với tiềm năng khi lượng xuất khẩu tăng trưởng ở mức hai con số trong khi đó kim ngạch chỉ tăng nhẹ, thậm chí giảm. Nguyên nhân của tình trạng trên là do hiện nay, 90% cà phê Việt Nam xuất khẩu dưới dạng thô, chất lượng thấp.
Theo các báo cáo cho thấy, dư địa cho ngành sản xuất và chế biến cà phê của Việt Nam còn khá lớn. Nhu cầu tiêu thụ cà phê của thế giới liên tục tăng trong 6 năm qua với tốc độ tăng trưởng 2,54%/năm. Với tốc độ tăng trưởng này, nhu cầu tiêu thụ cà phê của thế giới vào năm 2020 sẽ là 10,5 triệu tấn. Dự kiến nhu cầu tiêu thụ đến năm 2030 tiếp tục tăng trưởng khoảng 2-2,5% và có thể lên tới 13 triệu tấn/năm. Trong khi đó sản lượng trung bình của thế giới chỉ tăng từ 2-2,3% và dự kiến đến năm 2020 chỉ đạt 10,2 triệu tấn. Như vậy, nguồn cung thiếu hụt so với nhu cầu khoảng 300.000-500.000 tấn.
Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, định hướng phát triển thời kỳ mới của ngành cà phê Việt Nam là giữ vững vị trí xuất khẩu cà phê nhân thứ 2 thế giới và nâng cao giá trị gia tăng của ngành lên gấp đôi, đạt 6 tỷ USD.
Để đạt được mục tiêu trên, việc đầu tư vào rang xay, hòa tan và các sản phẩm chế biến khác là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, vấn đề là cần nguồn vốn lớn. Muốn đầu tư nhà máy cà phê hòa tan công suất 3.000 tấn cần nguồn vốn 25-30 triệu USD. Do vậy, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, trong đó các ngân hàng xem xét bố trí nguồn vốn tín dụng trung và dài hạn với lãi suất hợp lý để doanh nghiệp có thể đầu tư vào chế biến cà phê rang xay và hòa tan. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng cần sớm ban hành quy chuẩn cà phê rang xay.
Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, hiện nay cả nước có 97 nhà máy chế biến cà phê nhân với công suất thiết kế đạt 1,5 triệu tấn/năm đáp ứng đủ nhu cầu; 7 nhà máy chế biến cà phê hòa tan nguyên chất với tổng công suất 55.000 tấn/năm của các công ty như Nestle, Cà phê Ngon, Olam, Tín Nghĩa, Vinacafe Biên Hòa, Trung Nguyên, An Thái.
Cuối năm 2018, tập đoàn Tata sẽ khánh thành một nhà máy công suất 5.000 tấn/năm. Công ty Tín Nghĩa và Maseco khánh thành nhà máy cà phê hòa tan công suất 5.000 tấn/năm. Hiện công suất các nhà máy sản xuất cà phê phối trộn 3 trong 1, 2 trong 1 đạt trên 180.000 tấn/năm. Công suất chế biến cà phê rang xay cũng đạt khoảng 75.000 tấn/năm.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần tích cực hơn nữa trong các hoạt động xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường cho cà phê rang xay và chế biến, hỗ trợ xây dựng thương hiệu quốc gia cho ngành cà phê. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sớm ban hành sản phẩm quốc gia cà phê chất lượng cao, hỗ trợ đăng ký chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột, cà phê Cầu Đất, cà phê Sơn La.
Ngoài ra, khâu sản xuất là yếu tố rất quan trọng. Do đó, việc tái canh cà phê cần phải thực hiện một cách thường xuyên. Các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền và hướng dẫn người dân áp dụng VietGap, 4C và các tiêu chuẩn khác.
Đối với từng địa phương, cần tích cực hơn nữa trong việc quảng bá, giới thiệu đặc sản cà phê của địa phương. Điển hình tại thủ phủ cà phê Buôn Ma Thuột, gần đây, địa phương này đã thực hiện nhiều dự án nhằm đưa sản phẩm cà phê Buôn Ma Thuột đến gần hơn với người tiêu dùng, trong đó nổi bật là đề án xây dựng đường sách cà phê Buôn Ma Thuột; Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7; Khánh thành Bảo tàng thế giới cà phê trong khuôn viên Dự án thành phố cà phê rộng hơn 45ha tại đường Nguyễn Đình Chiểu, phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột. Như vậy, với những dự án phát triển, quảng bá sản phẩm cà phê Đắk Lắk đã và sắp đưa vào hoạt động sẽ góp phần đưa sản phẩm cà phê Đắk Lắk nói riêng và cà phê Việt Nam nói chung đến gần hơn với người tiêu dùng. Đây cũng là một trong những giải pháp tích cực để ngành cà phê Việt Nam tăng trưởng bền vững thời gian tới.