Cy qut mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân huyện Trà Lĩnh, Cao Bằng.
Huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng là vùng đất có nhiều đồi núi, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp với việc trồng các loại cây ăn quả. Phát huy tiềm năng, lợi thế này, những năm gần đây, huyện tập trung chỉ đạo và hỗ trợ nông dân mở rộng diện tích trồng, từng bước hình thành các vùng cây ăn quả tập trung có giá trị kinh tế cao. Hiện nay, huyện Trà Lĩnh có gần 145ha trồng quýt, tập trung thành vùng ở các xã: Quang Hán, Cao Chương và thị trấn Hùng Quốc. Cùng với cây quýt, các loại cây ăn quả khác đang phát triển mạnh, như: cam, chanh leo, lê, mận…
Cây quýt được trồng ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Quýt ở Trà Lĩnh nổi tiếng bởi vị ngọt thanh, mùi thơm đặc trưng. Quả quýt căng mọng, vàng ươm. Khi bóc vỏ có mùi thơm dịu nhẹ đặc trưng, múi quýt có vị ngọt đậm.
Quýt Trà Lĩnh được cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể.
Từ lâu, Quýt Trà Lĩnh đã được nhiều người dân trên địa bàn biết đến bởi vị ngọt thanh và mùi thơm rất riêng biệt. Mặc dù diện tích và sản lượng quýt trên toàn huyện chưa nhiều, nhưng có thể khẳng định điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của vùng đất này rất phù hợp để cây quýt sinh trưởng và phát triển.
Cây quýt được nhân dân ở một số xã trên địa bàn huyện Trà Lĩnh trồng tự phát từ rất lâu nay và đã mang lại nguồn thu đáng kể cho các nông hộ. Cũng từ tiềm năng giá trị kinh tế mà cây trồng này mang lại, từ năm 2005 trở lại đây, phần lớn các hộ nông dân ở thị trấn Hùng Quốc và các xã Quang Hán, Cao Chương, Lưu Ngọc đã chuyển đổi diện tích đất vườn, ruộng cạn từ trồng ngô, khoai lang, sắn kém hiệu quả sang trồng quýt. Với sự đầu tư, hỗ trợ từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học và công nghệ, một số nông hộ trên địa bàn huyện đã thâm canh, chăm sóc cây quýt theo quy trình khoa học kỹ thuật, do đó vườn quýt đã phát huy giá trị, mang lại thu nhập cao. Có thể nói, nhờ có cây quýt, nhiều hộ nông dân ở huyện Trà Lĩnh đã thoát nghèo và từng bước vươn lên làm giàu.
Ngày 19/4/2016, Cục Sở hữu trí tuệ đã ra Quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể cho Hội Quýt Trà Lĩnh, xã Quang Hán, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng với 87 thành viên.
Các thành viên thuộc Hội Quýt Trà Lĩnh được sử dụng nhãn hiệu tập thể Quýt Trà Lĩnh cho sản phẩm quả quýt tươi, cây giống quýt; dịch vụ mua bán quả quýt, đại lý xuất nhập khẩu quýt, mua bán giống cây quýt trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ từ quýt.
Việc Quýt Trà Lĩnh được cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể là sự khẳng định về mặt pháp lý, thương hiệu của sản phẩm. Qua đó, giúp người dân và chính quyền địa phương quảng bá sản phẩm quýt, bảo vệ quyền lợi của người sản xuất và người tiêu dùng, nâng cao giá trị kinh tế, thị phần trên thị trường trong và ngoài tỉnh, đưa cây quýt trở thành cây trồng chủ lực đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân trên địa bàn huyện nâng cao thu nhập và vươn lên làm giàu.
Nhãn hiệu tập thể Quýt Trà Lĩnh đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Làm giàu từ cây quýt.
Hiện nay, huyện Trà Lĩnh có gần 145ha trồng quýt, tập trung thành vùng ở các xã: Quang Hán, Cao Chương và thị trấn Hùng Quốc. Trung bình 1 ha có thể đạt 12 -16 tấn quýt. Thời điểm chính vụ, với giá bán ra thị trường từ 20.000- 40.000 đồng/kg, mỗi ha quýt đem lại lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng một vụ. Mức thu phổ biến của các hộ trồng quýt vào khoảng 200 – 300 triệu đồng/năm. Bởi thế nên số hộ trồng quýt ngày càng tăng, cùng với đó, mỗi năm diện tích trồng lại tăng lên do được trồng mới, thay thế những diện tích cây già cỗi.
Năm 2018, huyện Trà Lĩnh đã quy hoạch vùng sản xuất quýt Trà Lĩnh theo hướng hình thành vùng sản xuất chuyên canh, tập trung; nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật từ khâu phục tráng giống đến thu hoạch, bảo quản sản phẩm theo hướng sản xuất sạch, sản xuất hữu cơ, đáp ứng nhu cầu phát triển sản phẩm bền vững. Dự kiến năm 2019 diện tích trồng cam, quýt của huyện Trà Lĩnh sẽ mở rộng trồng mới thêm 20 ha.
Quang Hán là một trong những xã có diện tích trồng quýt nhiều nhất ở huyện Trà Lĩnh. Để có được vùng cây ăn quả như hiện nay là nhờ vào sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, sự tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng của nông dân. Từ những diện tích nhỏ lẻ ban đầu, đến nay cả xã Quang Hán có hơn 100 hộ trồng quýt với trên diện tích 70 ha, tăng hơn 10 ha so với năm 2017. Cùng với việc mở rộng diện tích đất trồng, cây quýt đã đem đến cho người dân xã Quang Hán nguồn thu nhập đáng kể và đặc biệt là khai thác tốt những diện tích đất trống, đất bỏ hoang.
Nhìn chung, cây quýt là loại cây trồng có giá trị kinh tế và đầu ra tương đối ổn định. Mức thu phổ biến của các hộ trồng quýt ở đây vào khoảng 200-300 triệu đồng/năm. Giá trị kinh tế cao của cây quýt đã tạo động lực để UBND xã Quang Hán chỉ đạo, vận động nhân dân mạnh dạn chuyển diện tích rẫy, đồi có giá trị thấp sang trồng cây ăn quả, chủ yếu là quýt. Nhờ vậy, giá trị sản xuất nông nghiệp của Quang Hán đã tăng lên theo từng năm. Lãnh đạo xã Quang Hán mong muốn người dân, doanh nghiệp, Nhà nước cần đảm bảo thương hiệu, chất lượng sản phẩm, ổn định đầu ra thị trường để nhân dân yên tâm sản xuất.
Việc mở rộng diện tích trồng cây quýt đặc sản này đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, góp phần giúp người dân xã Quang Hán có thêm điều kiện phát triển kinh tế gia đình, góp phần nâng cao tiêu chí thu nhập, giảm nghèo, từng bước hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Đến cuối tháng 1/2019, người dân Trà Lĩnh đã gần như thu hoạch hoàn toàn diện tích quýt tại vườn và mang ra chợ tiêu thụ. Tuy mấy ngày trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, thời tiết có mưa nhiều nhưng vẫn không làm ảnh hưởng đến chất lượng của trái quýt. Quýt vẫn cứng, tươi và đều quả. Vị thơm và ngọt cùng hình thức đẹp mắt chính là điều làm nên thương hiệu của quýt tại nơi đây. Tùy kích cỡ, quýt được chia làm nhiều loại. Quýt loại 1 quả to đẹp giá khoảng 50.000 – 60.000 đồng/kg; giá cam loại 1 quả to từ 70.000 – 90.000 đồng/kg. Như vậy, giá cam, quýt Trà Lĩnh vẫn ở mức cao hơn các địa phương khác. Người trồng quýt Trà Lĩnh phấn khởi khi được mùa, được giá. Khác với mọi năm, ngay từ đầu mùa thu hoạch 2018, bà con đã mang quýt ra chợ bán dần, giá rẻ hơn từ 20.000 – 30.000 đồng/kg. Càng gần Tết Nguyên đán, do nhu cầu của thị trường, giá quýt cũng cao hơn.
Thời gian qua, các hộ dân tại địa phương đã đẩy mạnh thâm canh, chăm sóc cây quýt theo quy trình kỹ thuật. Nhờ đó, các vườn quýt đã phát huy giá trị, mang lại thu nhập cho mỗi hộ từ 200 – 300 triệu đồng/vụ, nhiều hộ đã thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu.