Cây xim măng – giải pháp trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Hậu Giang
Mãng cầu xiêm được trồng nhiều ở các tỉnh Miền Tây trong đó có Hậu Giang. Mãng cầu xiêm cho trái cây quanh năm nhưng mùa chính vụ là từ tháng 7 đến tháng 10 hằng năm. Trái trung bình nặng từ 1-3 kg mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người dân vùng nhiễm phèn và xâm nhập mặn. Từ cây trồng ít được người dân quan tâm, chỉ trong thời gian ngắn, mãng cầu xiêm đã và đang trở thành thế mạnh của xã Hiệp Lợi, thị xã Ngã Bảy, Hậu Giang chỉ đứng sau cây cam sành.
Việt Nam là mảnh đất ươm mầm của rất nhiều loại quả ngon, sạch và giàu dinh dưỡng. Trong số ấy, mãng cầu xiêm xuất khẩu đã phần nào gây dựng được uy tín trên thị trường quốc tế, được đa số người tiêu dùng ưa chuộng.
Mãng cầu là loại quả lành tính, tốt cho sức khỏe. Thịt trắng, dầy, vị chua chua ngọt ngọt, thơm ngon. Đây là loại quả xuất khẩu chủ lực của Việt Nam hiện nay.
Xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, trái mãng cầu đã nhanh chóng chinh phục được thị hiếu của người tiêu dùng. Loại quả này ngon, vị chua ngon dễ chịu, cực dễ ăn. Từ mãng cầu, người ta có thể chế biến ra vô vàn đồ ăn, thức uống ngon miệng: mãng cầu dầm, mãng cầu xay sinh tố, mứt, kem. Đặc biệt cách làm sinh tố mãng cầu xiêm, mứt, rất đơn giản, ai cũng có thể tự làm tại nhà. Mãng cầu xiêm ăn nhiều cũng không gây nóng trong. Do đó đây là loại quả được ưa chuộng nhất trong mùa hè.
Ngoài giá trị giải khát, mãng cầu xiêm còn có giá trị điều trị bệnh cao. Do có hàm lượng vitamin C và chất chống oxy hóa cực cao nên mãng cầu giúp tăng sức đề kháng của cơ thể, tiêu diệt vi khuẩn có hại, giảm nguy cơ nhiễm trùng.
Người già, trẻ nhỏ muốn có xương và răng chắc khỏe hơn thì nên sử dụng mãng cầu vì loại quả này có hàm lượng cao phốt pho và canxi. Ngoài ra, mãng cầu còn nổi tiếng là loại quả có khả năng phục hồi sức khỏe tốt nhờ chứa nhiều hoạt chất carbohydrate, fructose. Với bệnh nhân bị bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, lượng chất xơ dồi dào trong mãng cầu chính là liều thuốc vàng về mặt sức khỏe.
Điều khiến trái mãng cầu xiêm xuất khẩu được ưa chuộng hơn cả chính là khả năng hỗ trợ điều trị bệnh ung thư. Theo chuyên gia đến từ Hàn Quốc, tác dụng mà trái mãng cầu mang lại cao gấp 1.000 lần phương pháp hóa trị thông thường. Mặt khác, nó cũng không gây bất kì tác dụng phụ nào. So với các biện pháp điều trị khác, việc dùng trái cây rất an toàn cho sức khỏe.
Tuy nhiên, đó mới là những nghiên cứu, đánh giá từ chuyên gia nước ngoài. Tại Việt Nam, đa phần người tiêu dùng chưa nhận thức được hết vai trò, tác dụng của trái mãng cầu. Vì vậy trong khi mãng cầu xiêm được thì trường quốc tế đón nhận thì tại thị trường nội địa, giá trái cây lên xuống thất thường.
Hiện nay toàn tỉnh Hậu Giang có khoảng 630,96 ha trồng mãng cầu xiêm, nhiều nhất lần lượt là huyện Phụng Hiệp 280 ha, huyện Châu Thành 110 ha, thị xã Ngã Bảy 102 ha, huyện Long Mỹ 80 ha. Diện tích trồng đang có xu hướng mở rộng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Với giá thương phẩm hiện nay rất hấp dẫn người dân về hiệu quả kinh tế, bên cạnh đó trái mãng cầu xiêm còn có nhiều công dụng khác như làm mứt, làm rượu.
Mãng cầu xiêm cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Hậu Giang.
Những mảnh vườn hay thửa ruộng canh tác kém hiệu quả đang được người dân địa phương mạnh dạn lên liếp trồng mãng cầu xiêm. Một phần là do thị trường tiêu thụ loại trái cây này tương đối lớn, giá ổn định, lợi nhuận kinh tế cao. Vào thời điểm hút hàng, mãng cầu xiêm có giá lên đến 30.000 đồng/kg, thấp nhất cũng dao động ở mức 15.000-16.000 đồng/kg. Đặc biệt, thương lái đến tận vườn đặt hàng khi trái còn nhỏ khiến nhiều nông dân phấn khởi hơn. Theo ước tính của nhà vườn, 1ha mãng cầu xiêm xử lý cho trái nghịch vụ có thể thu lợi nhuận gấp đôi so với mùa thuận, bỏ xa nhiều loại cây trồng khác.
Ngoài mang lại hiệu quả kinh tế cao, mãng cầu xiêm còn được đánh giá là loại cây trồng có lợi thế thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu. Mặt khác, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mãng cầu xiêm cũng tương đối đơn giản. Theo kinh nghiệm của nhiều hộ dân địa phương, trồng mãng cầu xiêm không phải mất tiền mua cây giống, chỉ cần chọn trái to ở những cây mẹ phát triển tốt là có thể lấy hạt ươm tạo ra cây giống. Mãng cầu trồng bằng hạt cho trái tròn, mẫu mã đẹp, người tiêu dùng chuộng hơn so với mãng cầu ghép từ cây bình bát.
Đáng chú ý, đối với cây giống ghép gốc bình bát thì thích hợp ở những vùng đất trũng nhiễm phèn nặng, nhưng hạn chế của loại cây này là cho trái ít trong mùa nắng. Còn cây mãng cầu trồng bằng hạt có sức chống chịu tốt hơn và cho trái gần như quanh năm, việc xử lý cho trái cũng dễ dàng hơn, tỷ lệ trái tròn đều, mang vị ngọt thanh. Năng suất trái đạt tương đương nhau, nhưng chất lượng trái của cây trồng bằng hạt luôn đạt cao, vì thế giá bán cũng cao hơn mãng cầu ghép từ 2 nghìn đến 3 nghìn đồng/kg.
Có thể nói, hiện nay, cây mãng cầu xiêm không những góp phần cải thiện đời sống kinh tế của người dân địa phương, mà còn mở ra thêm sự lựa chọn để chuyển đổi cho những diện tích vườn tạp, cây trồng kém hiệu quả ở những vùng trũng, nhiễm phèn, mặn của Hậu Giang nói riêng và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Nhờ thấy được hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng cây mãng cầu xiêm, đầu năm 2017 bà con xã Hòa Mỹ đã thành lập Hợp tác xã Mãng cầu xiêm với sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương và ngành khuyến nông. HTX lúc mới thành lập có 66 xã viên, nay tăng lên 91 với diện tích trồng là 78 ha, trong đó có 41ha đang thu hoạch.
Nhận thấy hiệu quả của mãng cầu xiêm khá lớn nên tỉnh đã đầu tư, hỗ trợ cho nông sản phát triển. Tiếp theo sau khi đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu “Mãng cầu Hậu Giang”, UBND tỉnh còn có Quyết định về việc ban hành Chương trình “Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2017-2020”. Trong đó, có cho thực hiện dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Mãng cầu Hậu Giang” dùng chung cho sản phẩm mãng cầu của tỉnh Hậu Giang”. Mục tiêu của dự án là hướng đến giúp cho việc quản lý và sử dụng nhãn hiệu mãng cầu Hậu Giang có hiệu quả. Song song với kiểm soát chặt chẽ chất lượng, nguồn gốc trái, dự án còn giúp nâng cao giá trị kinh tế và quảng bá sản phẩm mãng cầu ra thị trường.
Sau một năm HTX mãng cầu xiêm Hòa Mỹ đi vào hoạt động, các hộ viên nơi đây đã cho thấy một kết quả tích cực trong việc trồng mãng cầu xiêm, trong đó, tổng doanh thu của HTX đạt 9 tỷ đồng, trong đó, sản xuất trái mãng cầu xiêm đạt 750 tấn, giá bán trung bình đạt trên 12.000 đồng/kg, thu về lợi nhuận 6,3 tỷ đồng. Ngoài ra, HTX còn kinh doanh cây giống với sản lượng 50.000 cây, thu lợi nhuận 150 triệu đồng.
Năm 2018, HTX dự kiến doanh thu sẽ tăng gấp hai, vì số diện tích mãng cầu còn lại bắt đầu cho thu hoạch, với sản lượng ước tính 1.200 – 1.300 tấn, nâng tổng sản lượng mãng cầu xiêm của HTX lên hơn 2.500 tấn.
Để đáp ứng nhu cầu sản xuất lớn, HTX đang xúc tiến các hoạt động liên kết với doanh nghiệp, tổ chức cung ứng giống, phân bón cho thành viên để giảm thiểu chi phí đầu tư, tăng doanh thu cho HTX từ nhiều loại hình dịch vụ, tổ chức bao tiêu sản phẩm cho thành viên. Nhờ đó, giá bán mãng cầu xiêm của thành viên luôn ổn định ở mức 15.000 đồng/kg (loại 1), 9.000 – 10.000 đồng/kg (loại 2). Thành viên của HTX có nguồn lãi khá nhiều và không lo ngại rơi vào tình trạng trúng mùa, rớt giá. Đặc biệt, 100% thành viên HTX áp dụng mô hình bao trái mãng cầu xiêm để có được sản phẩm sạch, an toàn làm tăng thêm độ tin cậy của thương hiệu mãng cầu xiêm Hòa Mỹ. Nhờ chất lượng cao, sản phẩm của HTX đang có thị trường ổn định tại nhiều tỉnh, thành phố lớn.
Nhờ được bảo đảm về thị trường tiêu thụ, doanh thu và lợi nhuận cao, thành viên HTX trút bỏ gánh nặng về kinh tế để tập trung sản xuất đúng phương pháp, sản xuất an toàn, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, sức cạnh tranh mạnh.
Để trái mãng cầu xiêm cũng như sản phẩm từ trái mãng cầu xiêm được tiêu thụ rộng rãi tại thị trường trong nước cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu, các thành viên trong HTX đang ngày càng có ý thức trong việc thay đổi phương thức sản xuất. Từ sản xuất nhỏ lẻ, lạc hậu, quá trình cơ giới hóa được đẩy mạnh, máy móc được áp dụng để giảm công lao động, tăng hiệu quả sản xuất. Các phương thức sản xuất an toàn được áp dụng, nâng cao ATLĐ cho thành viên và người lao động trong quá trình canh tác. Đơn cử, các công đoạn chăm sóc như bón phân, phun thuốc BVTV, sử dụng nông cụ, thu hoạch… được HTX đưa ra quy tắc rõ ràng, bảo đảm các quy định về ATLĐ, giảm thiểu rủi ro, tai nạn cho người sản xuất.
Như vậy, sự toàn diện về hiệu quả và phương thức sản xuất, bảo đảm lợi nhuận và sức khỏe của thành viên, giúp hoạt động của HTX ngày càng phát triển, đóng góp tích cực vào quá trình thay đổi cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.