Cánh cửa lớn để xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường Trung Quốc.
Để mở đường xuất nông sản Việt sang Trung Quốc theo chính ngạch, ngày 12/5/2017 Tập đoàn Lộc Trời đã ký thỏa thuận với công ty TNHH Phát triển Khoa học Viên Thị Hồ Nam về việc hợp tác thành lập hai công ty liên doanh là công ty Liên doanh Giống (vốn điều lệ 3 triệu USD) và công ty Liên doanh Thương mại Nông sản (vốn điều lệ 7 triệu USD).
Xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu (Ảnh: minh họa)
Theo kỳ vọng, việc thỏa thuận hợp tác này sẽ mở cánh cửa lớn để xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam tại thị trường Trung Quốc, nhất là công ty liên doanh trong lĩnh vực thương mại nông sản sẽ được thành lập tại Trung Quốc. Mục tiêu cụ thể của liên doanh là nhằm cung cấp gạo và các nông sản (cà phê, tiêu…) chất lượng, an toàn, giá hợp lý cho người tiêu dùng Trung Quốc.
Đây cũng là cơ hội để gia tăng sự thuận lợi trong việc thương mại lúa gạo Việt Nam sang Trung Quốc, một phương pháp tối ưu nhằm xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam tại Trung Quốc, cũng như góp phần hạn chế sự thao túng trong mua bán lúa gạo qua con đường không chính thức sang Trung Quốc.
Có thể thấy động thái hợp tác này là tín hiệu tích cực và cần thiết để thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc theo chính ngạch trong bối cảnh nhiều mặt hàng nông sản Việt gặp nhiều rủi ro do xuất tiểu ngạch vào thị trường này.
Thực tế cho thấy Việt Nam đang là nước dẫn đầu về mức tăng trưởng xuất khẩu nông sản của khối ASEAN vào thị trường Trung Quốc. Đơn cử như mặt hàng cá tra, Trung Quốc hiện đã vượt qua Mỹ, trở thành nhà nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam trong quý I năm 2017 với kim ngạch đạt 69,7 triệu USD, tăng 56,8% so với cùng kỳ, chiếm 19% tỷ trọng xuất khẩu của toàn ngành.
Trong 10 năm trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu nông – lâm – thủy sản Việt sang Trung Quốc đã tăng liên tục và phụ thuộc tương đối lớn vào thị trường này. Tuy nhiên, do đa phần xuất khẩu tiểu ngạch, không có thương hiệu nên giá nông sản Việt khi đưa vào thị trường Trung Quốc còn thấp so với nhiều nước trong khu vực. Chưa kể những rủi ro từ việc xuất khẩu tiểu ngạch khó tránh khỏi như việc ùn ứ hàng hóa (lợn, dưa hấu, chuối…).
Theo ước tính, xuất khẩu nông – lâm – thủy sản sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng khoảng 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước. Tuy nhiên, do đối mặt nhiều thủ thuật từ phía thị trường Trung Quốc về giá cả và thương mại, xuất khẩu nông sản Việt đang phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc, gây khó khăn cho người nông dân cũng như doanh nghiệp khi các thương nhân Trung Quốc đột ngột dừng mua hoặc ép giá.
Vì vậy, giới chuyên gia khuyến nghị, tất cả hoạt động giao thương, buôn bán với Trung Quốc nên đi theo chính ngạch với mọi thứ phải rõ ràng, có hợp đồng để giảm thiểu rủi ro cho nông dân và doanh nghiệp. Đồng thời, cần hạn chế việc kinh doanh chênh lệch giá xuất không chính thức theo tiểu ngạch từ những thương lái Trung Quốc.
Để hạn chế việc hàng nông sản Việt Nam chỉ bán qua biên mậu, tiểu ngạch với giá thấp, cũng cần có nghiên cứu nhu cầu thị trường đô thị. Từ đó, Việt Nam có thể bán được nông sản với giá cao hơn. Đặc biệt, cần chú trọng đến việc liên kết tham gia vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu vốn đang rất cấp thiết.
Phát triển thương mại nông sản Việt Nam – Trung Quốc phải dựa trên những cam kết chung về thương mại hai nước, đảm bảo tính hài hòa, minh bạch trong việc giao thương phù hợp với pháp luật hai nước, tận dụng tối đa ưu đãi theo WTO và Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN – Trung Quốc để xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc.
Vấn đề cần thiết hiện nay là việc xuất khẩu hàng hóa cần minh bạch thông tin về nhu cầu thị trường, giá cả sản phẩm liên tục theo giờ vào vụ cao điểm và hằng ngày vào lúc bình thường để các doanh nghiệp và người sản xuất, chế biến có thông tin tham khảo chính thức.