Cần tập trung xây dựng nền tảng cho ngành công nghiệp công nghệ cao.
Trong những năm gần đây, nông sản là mặt hàng chiến lược, đóng góp rất lớn cho sự phát triển của nền kinh tế. Quy mô xuất khẩu nông sản Việt Nam ngày càng được mở rộng với nhiều thị trường yêu cầu chất lượng cao như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU. Để nông sản Việt tiếp tục chiếm lĩnh thị trường, gia tăng giá trị xuất khẩu thì việc kiểm soát, nâng cao chất lượng sản phẩm là giải pháp cần thiết, lâu dài, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã và đang tham gia một số Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới.
Chất lượng nông sản đang là rào cản của các sản phẩm nông sản đặc trưng của Việt Nam.
Trong các FTA thế hệ mới, những quy định như: Quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn; yêu cầu về an toàn, chất lượng; yêu cầu về ghi nhãn, thông tin tiêu dùng; các thủ tục đăng ký nhập khẩu; các thủ tục kiểm tra, chứng nhận phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn ngày càng chặt chẽ hơn. Điều đáng lưu ý là các nước có xu hướng tìm cách sử dụng triệt để các rào cản kỹ thuật như một biện pháp nhằm bảo vệ sản xuất trong nước sau khi hàng rào thuế quan gần như được hoàn toàn xóa bỏ. Trong khi ở nước ta, các tiêu chuẩn về chất lượng nông sản vẫn chưa được “phủ sóng” đến toàn bộ người sản xuất và doanh nghiệp, khiến hầu hết sản phẩm không có thông số chất lượng. Điều này đang tạo nên không ít rào cản cho người nông dân Việt Nam trong quá trình hội nhập.
Chất lượng sản phẩm đang là rào cản trong việc ổn định và mở rộng thị trường xuất khẩu của nông sản Việt Nam. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nói chung và các sản phẩm nông nghiệp nói riêng của Việt Nam vào thị trường Liên minh châu Âu (EU) liên tục gia tăng, nhưng số lần cảnh báo về vấn đề an toàn thực phẩm từ phía nhà nhập khẩu EU đối với doanh nghiệp Việt Nam cũng ở mức cao. Theo số liệu của Eurocham, trong năm 2017, EU có 77 cảnh báo đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có 23 lô bị từ chối. Trong những tháng đầu năm 2018, EU tiếp tục từ chối 11 lô hàng trong tổng số 33 lô hàng bị cảnh báo. Thực tế, Việt Nam đã bị cấm nhập khẩu một số mặt hàng vào thị trường EU vì sản phẩm tồn dư chất kháng sinh, kim loại nặng. Hiện EU đã sử dụng biện pháp phi thuế quan nhiều nhất, áp dụng trên 94% trên tổng trị giá sản phẩm vào EU. Rau quả Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU đang bị rà soát, điều chỉnh chặt chẽ quy định về an toàn thực phẩm và gia tăng tần suất kiểm tra. Đáng chú ý, EU đang dự thảo các quy định mới chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn chất lượng đối với một số sản phẩm trồng trọt như: Hồ tiêu, gia vị.
Ngoài EU, một số thị trường như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia đã có những cảnh báo về chất lượng các lô hàng thủy sản của Việt Nam. Trong năm 2018, riêng thủy sản, có khoảng 80 lô hàng bị các nước cảnh báo về chất lượng. Trước đó, nhiều mặt hàng trái cây, rau, hồ tiêu cũng nhận cảnh báo từ một số nước.
Không chỉ khó khăn về thị trường, xuất thô hoặc chất lượng nông sản không cao đồng nghĩa với giá trị gia tăng thấp như đối với mặt hàng hồ tiêu, hạt điều.
Trong quá trình hội nhập, nông nghiệp Việt Nam đã, đang và sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức không nhỏ, đặc biệt là quy mô sản xuất nhỏ lẻ, tổ chức sản xuất, liên kết chuỗi giá trị còn yếu, chất lượng nông sản chưa đồng đều, sản phẩm không có thương hiệu, mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế, chủ yếu là công đoạn sản xuất, giá trị gia tăng thấp. Thực tế đó cũng chỉ ra rằng, chúng ta đang phải tổ chức sản xuất, thương mại theo tiêu chuẩn quốc tế, cạnh tranh theo luật chơi của quá trình hội nhập, cần sự thay đổi và thích ứng mạnh mẽ để đứng vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Điểm yếu của các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia xuất khẩu nông sản, thực phẩm chính là ở chỗ chưa thực hành nhiều về tiêu chuẩn chất lượng, chưa biết cách nâng cao giá trị của thương hiệu và giá trị gia tăng từ nguyên liệu là tài nguyên trong nước, chưa có sự hỗ trợ của khoa học công nghệ. Trong khi đó, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa xuất nhập khẩu luôn được các thị trường thế giới quy định, coi đó chính là “luật chơi” phổ quát với những quy định chung. Tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm xuất khẩu có hàm lượng giá trị gia tăng của mỗi sản phẩm chính là những yếu tố căn bản cho quá trình thúc đẩy nông sản, thực phẩm an toàn của Việt Nam đến với thị trường thế giới, nhất là trong bối cảnh muốn xuất khẩu sang các thị trường khó tính yêu cầu sản phẩm đạt chuẩn chất lượng của khu vực và thế giới như: ISO, GlobalGAP, HACCP. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm thường chỉ xuất nguyên liệu thô hay làm gia công là chính nên không bị “xét giấy” thông hành, căn cước, nên người nông dân và doanh nghiệp cũng chưa hiểu hết về yêu cầu tiêu chuẩn hàng hóa.
Cần tập trung xây dựng nông nghiệp công nghệ cao.
Khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, nông sản Việt Nam sẽ phải chịu sự cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu và ngay cả trên sân nhà. Các hàng rào kỹ thuật và biện pháp kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng như các quy định khác về bảo vệ bản quyền (giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón) sẽ trở thành rào cản đòi hỏi người dân, doanh nghiệp cần một sự chủ động và ổn định về thị trường thông qua việc phát triển sản phẩm có thương hiệu, nguồn gốc rõ ràng, đồng nghĩa với việc phải tạo ra sản phẩm có chất lượng đáp ứng các tiêu chuẩn, nhu cầu, thị hiếu của thị trường. Sự đa dạng về điều kiện sản xuất, văn hóa vùng, miền giúp Việt Nam có rất nhiều điều kiện, tiềm năng để phát triển sản xuất nông nghiệp, hình thành các nhóm sản phẩm khác nhau gắn với từng điều kiện cụ thể như sau:
– Nhóm nông sản chủ lực quốc gia: Việt Nam đã xây dựng và hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung, chuyên canh quy mô lớn gắn với điều kiện của các vùng miền, vùng sản xuất chuyên canh lớn như: lúa gạo, thủy sản, trái cây, cà phê, hồ tiêu. Từ lợi thế này, Việt Nam đã trở thành nước đứng thứ 2 Đông Nam Á và đứng thứ 13 thế giới về xuất khẩu nông sản. Trong cơ cấu các ngành hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu, đã hình thành 10 sản phẩm xuất khẩu chính với kim ngạch trên 1 tỷ USD, điển hình như: rau quả, cao su, gạo, hạt điều, tôm, gỗ và các sản phẩm gỗ.
– Nhóm sản phẩm đặc sản gắn với lợi thế vùng/miền, địa phương: sự đa dạng về điều kiện tự nhiên, văn hóa và dân tộc đã tạo cho Việt Nam rất nhiều sản phẩm đặc sản, mang đậm nét văn hóa của các dân tộc, địa phương, làm nên nét riêng biệt và độc đáo. Việt Nam hiện có gần 1.000 sản phẩm đặc sản, bao gồm các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản và lâm nghiệp của các địa phương, nhiều sản phẩm có phạm vi nhỏ trong khu vực một huyện, xã, thôn. Cùng với đó, khu vực nông thôn đang có hơn 5.397 làng nghề và làng có nghề sản xuất ra các loại sản phẩm khác nhau, hầu hết làng nghề có quy mô nhỏ và vừa. Với tiềm năng đó, việc phát triển bền vững các sản phẩm đặc sản, làng nghề có lợi thế không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn mang ý nghĩa xã hội sâu sắc trên quan điểm ổn định xã hội nông thôn, xóa đói, giảm nghèo và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.
Kinh nghiệm của các nước trên thế giới đã chỉ rõ vai trò và giá trị của thương hiệu trong phát triển thị trường nông sản, định hướng phát triển thương hiệu nông sản có thể tập trung vào ba hướng tiếp cận chính:
– Xây dựng thương hiệu quốc gia: Trên thế giới, nhiều quốc gia lựa chọn việc xây dựng thương hiệu quốc gia là chương trình hạt nhân, tiên phong trong chiến lược dài hạn nhằm xây dựng và định hướng bản sắc quốc gia trong nhận thức của cộng đồng toàn cầu theo hướng tích cực và có lợi. Tùy theo điều kiện đặc thù, mỗi quốc gia đều ý thức định vị thương hiệu quốc gia từ chính bản sắc, lợi thế của sản phẩm.
– Thương hiệu vùng miền, địa phương: Thương hiệu vùng, địa phương thường gắn liền với các dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc địa lý như tên địa danh, thường được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ dưới các hình thức như: chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể hay nhãn hiệu chứng nhận.
– Xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp: Thương hiệu của doanh nghiệp là thương hiệu dùng chung cho tất cả các hàng hóa dịch vụ của một doanh nghiệp. Mọi hàng hóa thuộc các chủng loại khác nhau của doanh nghiệp đều mang thương hiệu như nhau. Tuy nhiên, thương hiệu doanh nghiệp là tài sản của doanh nghiệp, do doanh nghiệp xây dựng và phát triển, có thể dựa trên nền tảng của thương hiệu quốc gia hoặc thương hiệu vùng, địa phương.
Như vậy, xây dựng và phát triển thương hiệu là hướng đi phù hợp với tiềm năng về sản phẩm, kinh nghiệm và thực tiễn của các nước để nông sản của Việt Nam nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh và vị trí trên thị trường thế giới trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, nâng cao tiêu chuẩn chất lượng cộng với giá trị gia tăng từ ứng dụng công nghệ là các yếu tố căn cơ để thúc đẩy nông sản, thực phẩm của Việt Nam ra thị trường thế giới. Để nâng cao năng lực xuất khẩu, người sản xuất, chế biến nông sản Việt Nam cần chú trọng nâng cao chất lượng. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực của các bên liên quan: Nông dân, doanh nghiệp, nhà khoa học và cơ quan quản lý nhà nước.
Ngoài ra, đẩy mạnh liên kết sản xuất là giải pháp không thể thiếu. Bởi muốn có một khối lượng nông sản lớn, chất lượng đồng đều, giao hàng đúng lúc, đạt tiêu chuẩn thì việc phát triển các chuỗi liên kết là xu hướng tất yếu. Chỉ bằng cách hình thành các chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ, bài toán về sản phẩm xuất khẩu, kiểm soát an toàn thực phẩm và ứng dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp mới có thể giải quyết triệt để. Với xu thế chung của thế giới, Việt Nam cần nhanh chóng hình thành và phát triển nền nông nghiệp hữu cơ. Đồng thời, cần giải quyết các vấn đề lớn của nền nông nghiệp như: Có quỹ đất đủ lớn, liền vùng, liền mảnh để triển khai sản xuất, sử dụng thiết bị cơ giới hiện đại; ổn định đầu ra sản phẩm không chỉ trong nước mà quan trọng hơn là xuất khẩu khối lượng lớn; có cơ chế chính sách ưu đãi đối với những tổ chức, cá nhân tham gia chuỗi liên kết để bảo đảm họ có thể theo đuổi lâu dài và bền vững.