C Mau tăng cường phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông sản đặc trưng.

Cà Mau được thiên nhiên ưu đãi nhiều sản vật. Những đặc sản rất phổ biến của Cà Mau có thể kể đến: Cua Năm Căn; Tôm khô Rạch Gốc; Mật ong U Minh hạ; Cá khô bổi U Minh; Mắm lóc Thới Bình; Cá khô khoai Cái Đôi Vàm; Bồn bồn Cái Nước; Cá chình và cá Bống tượng Tân Thành. Đây là lợi thế để Cà Mau thu hút khách du lịch cũng như xuất khẩu, mang lại nguồn thu cho ngân sách địa phương và nâng cao đời sống người dân.

Cà Mau có rất nhiều sản phẩm đặc sản, đặc thù gắn liền với địa danh, làng nghề. Các sản phẩm này đều mang tính đặc thù của từng địa phương, làng nghề và có nhiều tiềm năng trở thành sản phẩm có thế mạnh của tỉnh Cà Mau. Huyện Trần Văn Thời có các sản phẩm: Khô bổi, Chuối khô, Chuối sấy, tôm sấy, Chuối Xiêm…; huyện Năm Căn với các sản phẩm: Cua biển, Bánh phồng tôm, Tôm khô, cá khô…; huyện Cái Nước với các sản phẩm: Dưa Bồn Bồn Cái Nước, Nước mắm Mạch Long…; huyện Phú Tân với các sản phẩm: Khô cá khoai, Chả cá phi…; huyện U Minh với sản phẩm Mật ong rừng U Minh – Rượu trái giác… Đây là lợi thế để Cà Mau thu hút khách du lịch cũng như xuất khẩu, mang lại nguồn thu cho ngân sách địa phương và nâng cao đời sống người dân.

Thời gian qua, công tác xây dựng, đăng ký bảo hộ và phát triển sản phẩm đặc sản của địa phương luôn được các cấp, các ngành của tỉnh Cà Mau quan tâm đúng mức và đạt được nhiều kết quả khả quan. Tỉnh đã khuyến khích, hỗ trợ người dân xây dựng và đăng ký nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm. Tính đến hết năm 2018, tỉnh Cà Mau có 13 sản phẩm được chứng nhận nhãn hiệu tập thể; trong đó, các sản phẩm nổi tiếng phải kể đến: Cua Năm Căn; Tôm khô Rạch Gốc; Mật ong U Minh hạ; Cá khô bổi U Minh; Mắm lóc Thới Bình; Cá khô khoai Cái Đôi Vàm; Bồn bồn Cái Nước; Cá chình và cá Bống tượng Tân Thành. Thời gian tới, Cà Mau tiếp tục đề xuất Cục Sở hữu trí tuệ xem xét chứng nhận nhãn hiệu tập thể đối với một số sản phẩm đặc trưng của tỉnh như: Cá bớp Hòn Chuối, cá thòi lòi Mũi Cà Mau, mực Sông Đốc; đồng thời xây dựng chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm tôm sú và cua biển của Cà Mau.

Việc xây dựng và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho một số sản phẩm đặc sản, đặc thù của địa phương bước đầu mang lại kết quả tích cực như: Hạn chế những rủi ro về biến động giá, mở rộng thị trường tiêu thụ, từng bước xây dựng thương hiệu hàng hóa cho nông sản, góp phần tăng hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người dân, tác động để cơ cấu lại kinh tế – xã hội nông thôn tại nơi sản xuất. Ngoài ra, việc xây dựng thương hiệu không những giữ vững thương hiệu cho đặc sản Cà Mau mà còn tránh tình trạng gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng gây ảnh hưởng đến uy tín đặc sản Cà Mau. Đây là bước đi rất quan trọng để giữ gìn và phát huy, nâng cao giá trị của từng sản phẩm mang nhãn hiệu thời hội nhập.

Một số sản phẩm đặc trưng của Cà Mau

Cua Năm Căn

C Mau tăng cường phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông sản đặc trưng.

Huyện Năm Căn là vùng ven biển, có hệ sinh thái đa dạng nên đất và nước màu mỡ. Bên cạnh đó, môi trường khí hậu ổn định nên tạo được lượng thức ăn tự nhiên dồi dào cho con cua phát triển nhanh, thịt cua ngon hơn những vùng khác. Chính vì chất lượng thịt hảo hạng nên trên thị trường, cua Năm Căn thường có giá cao hơn cua các vùng khác. Cua Năm Căn không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong nước mà đã xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Thương hiệu cua Năm Căn Cà Mau là một trong những mặt hàng tươi sống được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu đầu tiên của Cà Mau vào năm 2015.

Để bảo vệ nhãn hiệu cua Năm Căn – Cà Mau, UBND huyện Năm Căn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu rộng rãi hình ảnh cua Cà Mau đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh; đồng thời, tăng cường các giải pháp bảo vệ nhãn hiệu tập thể bằng cách vận động người nuôi, các cơ sở thu mua thủy sản trên địa bàn cam kết thực hiện đăng ký sử dụng và bảo vệ thương hiệu cua Năm Căn – Cà Mau. Theo đó, trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ, sản phẩm cua Năm Căn – Cà Mau được dán nhãn mác, tem, dây chống hàng giả để người tiêu dùng dễ nhận biết, phân biệt cua Năm Căn với các loại cua nơi khác.

Đồng thời, ngay sau khi nhãn hiệu tập thể được chứng nhận, HTX Cua biển Năm Căn được thành lập với 18 xã viên. Đây đều là những người có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề nuôi cũng như kinh doanh mặt hàng cua. Chính quyền thị trấn Năm Căn đã đồng hành với HTX trong quá trình hình thành, hoạt động và phát triển với mục tiêu phát huy tối đa giá trị của nhãn hiệu, bảo vệ lợi ích người nuôi, doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Năm Căn, tính đến đầu năm 2019, toàn huyện có 6 cơ sở thu mua thủy sản đăng ký sử dụng nhãn hiệu cua Năm Căn – Cà Mau, bình quân hàng tháng các cơ sở này thu mua gần 20 tấn cua. Trong đó, HTX G.V.H.B Cua Biển Năm Căn – Cà Mau, với sản lượng 100 tấn/năm, mùa vụ quanh năm; Công ty TNHH MTV Tiến Lĩnh, với sản lượng 100 tấn/năm, mùa vụ quanh năm. Sau khi dán nhãn mác, tem chống giả, cua được đóng thùng vận chuyển đi tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, hoặc xuất khẩu sang Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Đài Loan.

Với sự chung tay vào cuộc tích cực của ngành chức năng và người nông dân, từ quy trình sản xuất cua thương phẩm đạt năng suất, chất lượng đến việc quản lý, sử dụng và khai thác có hiệu quả Nhãn hiệu tập thể Cua Năm Căn – Cà Mau, hiện tại sản phẩm này ngày càng có uy tín hơn trên thị trường trong nước và có thể vươn tầm xa ở một số nước trên thế giới. Vị thế con cua sẽ cùng với con tôm, sớm trở lại thời hoàng kim và trở thành ngành hàng kinh tế chủ lực của huyện Năm Căn.

Bồn bồn Cái Nước

Bồn bồn được xem là loại rau sạch, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Với đặc tính dễ trồng, có giá trị kinh tế cao, cây bồn bồn đã được người dân trồng rất nhiều nơi trên địa bàn các huyện U Minh, Trần Văn Thời tỉnh Cà Mau… Tuy nhiên, bồn bồn được trồng nhiều nhất hiện nay là ở Tân Hưng Đông, Cái Nước. Cây bồn bồn có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như: làm dưa, gỏi, nhúng lẩu, nhân bánh xèo… Những ai từng có dịp thưởng thức qua các món ăn đều thích thú và bị hấp dẫn bởi hương vị mộc mạc, dân dã đồng quê này.

Sau nhiều nỗ lực, diện tích trồng bồn bồn ở Cà Mau tính đến đầu năm 2019 đã phát triển lên hơn 100 ha. Trong đó, Cái Nước là huyện có diện tích trồng cây bồn bồn lớn nhất ở Cà Mau, với khoảng 90 ha, quy mô hơn 155 hộ dân tham gia, năng suất khoảng 3 tấn/ha/năm. Năm 2016, nhãn hiệu bồn bồn Cái Nước được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể. Kể từ khi được công nhận nhãn hiệu tập thể, sản lượng bồn bồn tiêu thụ tăng lên rõ rệt, giá trị hàng hóa nâng cao. Những năm gần đây, việc trồng bồn bồn đem lại thu nhập khá cho người dân, với khoảng 100–120 triệu đồng/ha/năm.

Huyện Cái Nước đang xây dựng dự án nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả cây bồn bồn với diện tích 100ha. Ngoài thu nhập từ cây bồn bồn, người dân còn có thêm nguồn thu từ việc thả nuôi tôm càng xanh hay cá đồng kết hợp trên cùng diện tích đất.

Theo Sở Công Thương Cà Mau, HTX bồn bồn Đông Hưng là một trong những HTX hoạt động hiệu quả, mang lại thu nhập cao cho các thành viên, đây cũng là cơ sở được sử dụng nhãn hiệu tập thể Bồn Bồn Cái Nước, với sản lượng là 18 tấn/năm, mùa vụ quanh năm (trừ tháng 2 – 3 Âm lịch). Sản phẩm của HTX được sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và được sử dụng nhãn hiệu tập thể.

Xã Tân Hưng Đông là địa phương có diện tích trồng bồn bồn lớn nhất của huyện Cái Nước có trên 50 ha trồng bồn bồn, tiêu thụ rất ổn định. Bồn bồn tươi có giá dao động từ 30.000 – 35.000 đ/kg. Bồn bồn dưa ở mức 45.000 – 50.000 đ/kg. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ việc trồng bồn bồn, người dân ở ấp Đông Hưng, xã Tân Hưng Đông đã tận dụng đất ở vuông tôm để trồng bồn bồn. Mô hình này đã mang lại hiệu quả tích cực. Một mặt, vừa tăng thu nhập ổn định, vừa tạo bóng mát và thức ăn cho tôm nuôi. Nhiều hộ có đất rộng từ 2 – 3 ha xen canh bồn bồn, cho thu nhập từ 70 – 120 triệu đồng/năm (chưa tính lợi ích từ tôm nuôi). Những hộ có đất ít hơn, cũng có thu nhập khoảng 30 triệu đồng/năm từ xen canh bồn bồn.

Cá khô khoai Cái Đôi Vàm

Cà Mau có nhiều nơi làm khô cá khoai nhưng nổi tiếng nhất là làng khô cá khoai Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân. Nghề này ở đây đã có từ lâu đời, cá khoai được chế biến ra nhiều món ngon, nhưng phơi khô được nhiều người ưa chuộng, nhất là trong dịp Tết. Hầu hết những sản phẩm khô ở thị trấn Cái Đôi Vàm đều được làm thủ công và phơi trực tiếp dưới ánh nắng. Ngoài ra, để giữ uy tín trên thị trường, các hộ tại đây luôn chú ý đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong các công đoạn, từ việc chế biến đến phơi khô, nhằm cung cấp cho thị trường những mặt hàng khô chất lượng với giá cả phải chăng, vì vậy luôn được khách hàng đánh giá cao và chọn làm quà biếu Tết cho người thân, bạn bè.

Toàn thị trấn Cái Đôi Vàm có hơn 100 doanh nghiệp và hộ dân sản xuất, kinh doanh sản phẩm cá khô. Tập trung làm khô nhiều nhất là ở khóm 3, 4 và 6. Trong đó, cơ sở sản xuất Vựa khô Năm Sữa, với sản lượng 100 tấn/năm mùa vụ quanh năm; sản phẩm của cơ sở được sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và công nhận nhãn hiệu tập thể khô cá khoai Cái Đôi Vàm. Những mặt hàng đặc trưng của Cái Đôi Vàm là khô cá nước mặn như: cá đù, khô tôm tích, cá mai… trong đó nổi bật nhất là khô cá khoai.

Cá khô khoai Cái Đôi Vàm được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận bảo hộ sản phẩm tập thể vào tháng 4/2017. Đây là điều kiện để người dân liên kết sản xuất, nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, đảm bảo giá cả và cạnh tranh trên thị trường, đồng thời hướng tới sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Nhóm sản phẩm được bảo hộ là cá khoai tươi, cá khoai khô và các sản phẩm chế biến từ cá khoai. Cá khô khoai đã trở thành thương hiệu của làng nghề Cái Đôi Vàm, nổi tiếng gần xa từ nhiều năm nay. Nếu có dịp thưởng thức món ẩm thực khô khoai nướng than thơm lừng, vừa có vị ngọt của thịt cá nguyên chất, vị đắng nhẹ hòa quyện vị chua, mặn, ngọt của nước mắm me…, người thưởng thức sẽ ấn tượng và nhớ đến đặc sản từ miền biển Cái Đôi Vàm.

© Tuyên bố bản quyền