Bưởi Phúc Trạch đã trở thành cây trồng chủ lực của huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.

Phúc Trạch là tên của một xã thuộc huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Hương Khê là một huyện miền núi nằm ở phía tây nam tỉnh Hà Tĩnh, phía Tây giáp Lào, phía Nam giáp tỉnh Quảng Bình, phía Đông giáp huyện Cẩm Xuyên và Thạch Hà, phía Bắc giáp huyện Vũ Quang và Can Lộc. Bưởi Phúc Trạch là sản phẩm truyền thống của người dân Hương Khê, quả bưởi có vị ngọt thanh xen lẫn chua nhẹ, thích hợp với khẩu vị của nhiều người tiêu dùng. Đặc biệt bưởi Phúc Trạch không đắng, he rất nhẹ; Vị he nhẹ là yếu tố quan trọng trong hương vị của bưởi Phúc Trạch, đủ để làm tăng thêm độ đậm đà và lưu giữ vị ngọt lâu hơn sau khi ăn.

Bưởi Phúc Trạch

Trong những năm gần đây, bưởi Phúc Trạch ngày càng trở thành cây trồng chủ lực của tỉnh, giúp người dân xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu. Với điều kiện về đất đai, khí hậu thuận lợi để phát triển cây ăn quả có múi, tiêu biểu là bưởi Phúc Trạch, cam Chanh, cam Bù và có lực lượng lao động dồi dào, có tập quán canh tác cây ăn quả lâu đời nên đã có kỹ năng, kinh nghiệm trong thâm canh, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm, hiện nay tỉnh Hà Tĩnh đang tập trung kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư sản xuất cam, bưởi theo hướng hàng hóa, liên kết tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị, thu nhập cho người dân.

Năm 2004, bưởi Phúc Trạch đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ) cấp giấy chứng nhận hàng hóa. Ngày 9/11/2010, Cục sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Phúc Trạch” cho sản phẩm “Quả bưởi” cho huyện Hương Khê tại Quyết định số 2180/QĐ-SHTT.

Theo đó, khu vực địa lý thuộc 20 xã: Hương Trạch, Phúc Trạch, Hương Đô, Lộc Yên, Gia Phố, Hương Giang, Hương Thủy, Phú Phong, Hương Xuân, Phú Gia, Hương Bình, Hương Long, Phúc Đồng, Hà Linh, Hương Vĩnh, Hòa Hải, Hương Trà, Phương Mỹ, Phương Điền, Hương Liên thuộc huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Đây là những khu vực có sự tương đồng về hình thái, chất lượng đặc thù của sản phẩm cũng như tính chất đặc thù điều kiện địa lý. Đây là tài sản quốc gia được nhà nước bảo hộ vô thời hạn trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam, là cơ hội để sản phẩm Bưởi Phúc Trạch vươn xa trên thị trường trong và ngoài nước.

Để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế và nhằm phát triển cây ăn quả có múi, UBND tỉnh đã xác định bưởi Phúc Trạch, cam Hà Tĩnh là một trong 6 sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực; đồng thời ban hành đồng bộ các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển nên diện tích, năng suất, sản lượng tăng nhanh. Cùng với việc hỗ trợ, đầu tư mở rộng diện tích để nâng cao năng suất, chất lượng cây cam, bưởi, UBND tỉnh còn khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư, liên kết sản xuất.

Bưởi Phúc Trạch dự kiến được mùa vụ 2018.

Tính đến cuối tháng 8/2018, mặc dù mới vào đầu vụ thu hoạch cây đặc sản này nhưng nhiều gia đình tại xã Hương Trạch, huyện Hương Khê đã bán được trên 200 triệu đồng. Một số vườn đã được thương lái trả tiền trước, chờ chính vụ mới thu hoạch, chuyển bán ra thị trường ngoài tỉnh.

Nhiều chủ vườn ở đây cho biết, mặc dù cơn bão số 10 năm 2017 đã khiến nhiều cây bưởi bật gốc và bị chết, một số được khôi phục nhưng năng suất quả giảm sút. Rất may là những cây bưởi còn lại vẫn sinh trưởng tốt, tỷ lệ đậu quả cao. Bưởi Phúc Trạch năm nay quả đẹp, đều và được giá nên 1 ha bưởi vào tuổi thu hoạch có thể cho lãi ròng tới 800 triệu đồng, thậm chí có vườn nếu được chăm sóc tốt sẽ cho lợi nhuận 1 tỷ đồng/ha.

Theo UBND xã Hương Trạch, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), nhờ tỷ lệ ra hoa, đậu quả đạt cao nên năm nay, giá trị kinh tế từ cây bưởi Phúc Trạch trên địa bàn xã ước đạt 22 tỷ đồng. Với tiềm năng và lợi thế của địa phương, hiện kinh tế vườn, kinh tế trang trại trên địa bàn xã Hương Trạch đang phát triển mạnh cả về số lượng và quy mô sản xuất, mang lại thu nhập khá cho người dân; chất lượng quả được nâng lên… Riêng 8 tháng đầu năm 2018, toàn xã trồng mới 25 ha bưởi Phúc Trạch, nâng diện tích cây ăn quả của xã lên 388,4 ha.

Hiện nay, toàn xã Hương Trạch có 415 ha bưởi đã cho thu hoạch. Ngoại trừ một số vườn bưởi đã bắt đầu chín và một số gia đình đã thu hái xuất ra thị trường thì hầu hết các chủ vườn đều đang chờ thời điểm bưởi chín đúng vị mới cắt bán. Tuy nhiên, từ lượng bưởi đã bán, phần đông khách hàng đều đánh giá bưởi năm nay mọng nước và ngọt.

Là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của địa phương, từ đầu năm tới nay, xã Hương Trạch đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện cùng các tổ chức khác, tổ chức 6 lớp tập huấn sản xuất cây trồng, vật nuôi, 4 cuộc hội thảo về sử dụng phân bón, kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và áp dụng khoa học công nghệ mới trong sản xuất bưởi. Qua đó, nâng cao kỹ thuật trồng trọt cho bà con, nhân rộng những tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Các hộ sản xuất liên kết với doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh tiêu thụ bưởi Phúc Trạch.

Bưởi Phúc Trạch đã trở thành cây trồng chủ lực của huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.

Năm 2017, doanh nghiệp đã liên kết vùng trồng cam, bưởi tại 3 huyện Hương Khê, Vũ Quang, Can Lộc với hơn 600 ha liên kết theo chuỗi giá trị, trong đó hơn 450 liên kết theo sản phẩm cam, 150 liên kết sản phẩm bưởi đã giúp tiêu thụ hàng trăm tấn cam, bưởi cho các hộ dân. Diện tích liên kết này sẽ còn tiếp tục mở rộng trong những năm tới.

Tính đến năm 2017, tổng diện tích cam, bưởi đạt 8.579 ha trong đó bưởi Phúc Trạch là 2.419 ha, cam Chanh là 5.092 ha và cam Bà là 1.068 ha, năng suất bình quân 9,5 – 10,5 tấn/ha; sản lượng 64.655 tấn; doanh thu bình quân đạt từ 350 – 500 triệu đồng/ha. Hiện có khoảng 500 hộ liên kết trồng cam, bưởi với doanh nghiệp theo hình thức khép kín, bà con được doanh nghiệp cung ứng giống đảm bảo chất lượng, hướng dẫn canh tác theo các quy trình kỹ thuật để sản lượng trái cao, chất lượng đồng đều và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Trong năm 2018, mặc dù được mùa nhưng nhờ mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm, bưởi Phúc Trạch không bị ép giá vì các hộ trồng bưởi đã có sự liên kết với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường.

Với mục tiêu chất lượng được đặt lên hàng đầu, niềm tin của người tiêu dùng là cơ sở để doanh nghiệp phát triển, những năm gần đây, Tân Thanh Phong đã thành công trong việc cung ứng sản phẩm bưởi Phúc Trạch, cam Hà Tĩnh ra hệ thống chuỗi siêu thị Vinmart. Cùng với các chương trình marketing quy mô, bưởi Phúc Trạch, cam đã được người tiêu dùng và chuỗi siêu thị đánh giá cao nên tháng 8/2016, doanh nghiệp tư nhân Tân Thanh Phong đã được Tập đoàn Vingroup bắt tay làm đối tác lâu dài, ký kết hợp đồng thành công với hệ thống siêu thị Vinmart để đưa sản phẩm Bưởi Phúc Trạch và Cam Hà Tĩnh tiêu thụ trong hệ thống, tạo thành chuỗi liên kết tiêu thụ bền vững. Ngoài ra, với 16 đại lý cấp I của Tân Thanh Phong tại nhiều tỉnh, thành phố lớn trong cả nước đang đưa các sản phẩm cây ăn quả có múi của Hà Tĩnh đi khắp các vùng miền.

Quy mô ngày càng mở rộng nên gần đây doanh nghiệp Tân Thanh Phong không chỉ thành công trong việc đưa sản phẩm bưởi Phúc Trạch, cam Hà Tĩnh vào siêu thị, đến nhiều tỉnh, thành trong cả nước mà còn tham gia bảo tồn, phát triển các giống cây đặc sản này. Việc phát triển thị trường cho sản phẩm đặc sản địa phương, ngoài việc tác động tích cực tới các hộ dân sản xuất tăng thêm đáng kể thu nhập, còn giúp thương hiệu của sản phẩm được nâng đúng tầm và góp phần thanh lọc các sản phẩm trôi nổi kém chất lượng, góp sức đưa các đặc sản nổi tiếng này đến nhanh hơn, nhiều hơn với mọi người. Đó cũng là cách giúp những người làm ra “đặc sản” quê hương thay đổi thói quen, có tư duy sản xuất mới theo hướng tập trung hàng hóa để có cuộc sống đủ đầy hơn.

Mặc dù vậy, chất lượng quả cam, bưởi nhìn chung vẫn chưa đồng đều, năng suất không ổn định, diện tích trồng cam, bưởi theo hướng VietGAP còn ít; sự liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa người dân và doanh nghiệp chỉ mới chiếm diện tích nhỏ trong tổng diện tích cam, bưởi toàn tỉnh. Vì vậy, thời gian tới, cần quản lý chặt chẽ việc trồng, chăm sóc cam, bưởi theo đúng quy trình kỹ thuật, tiếp tục nhân rộng mô hình sản xuất theo VietGAP. Chú trọng cải thiện giống cam có chất lượng tốt, phù hợp điều kiện đất đai và khí hậu của từng địa phương, lựa chọn một số giống cam mới thu hoạch rải vụ có năng suất, chất lượng cao nhằm giảm áp lực mùa vụ.

© Tuyên bố bản quyền