Bình Thuận: Đa dạng hóa sản phẩm từ trái thanh long, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Năm 2022, xuất khẩu thanh long vẫn bị ảnh hưởng bởi Covid. Do đó, để xuất khẩu thanh long ổn định và bền vững, cần đẩy mạnh sản xuất hữu cơ và đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ thanh long. Bên cạnh việc duy trì xuất khẩu ổn định sang các thị trường truyền thống, cần mở rộng thị trường xuất khẩu.
Hiện diện tích thanh long ở tỉnh Bình Thuận là 33.750 ha, sản lượng đạt 700.000 tấn/năm, trong đó có 12.397 ha được cấp Giấy chứng nhận VietGAP và 560 ha được cấp Giấy chứng nhận GlobalGAP.
Tỉnh Bình Thuận đẩy mạnh sản xuất thanh long theo hướng hữu cơ
Với hơn 200 trang trại trồng thanh long, quy mô từ hàng chục ha đến hàng trăm ha/trang trại, Bình Thuận được coi là địa phương đi đầu cả nước trong sản xuất thanh long hữu cơ. Nhiều trang trại đã áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, như ứng dụng công nghệ thông minh trong tưới tiết kiệm nước, kết hợp tưới phân và thuốc bảo vệ thực vật trên cây thanh long.
Nhờ vậy, trên địa bàn tỉnh có 109 tổ hợp tác được cấp Giấy chứng nhận sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP với 2.281 hộ; 59 hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ thanh long, trong đó có 22 hợp tác xã và 448 hộ sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP.
Để xuất khẩu thanh long sang các thị trường có giá trị gia tăng cao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận sẽ tiếp tục phối hợp với các Sở, ngành và địa phương để tổ chức lại sản xuất, hình thành vùng chuyên canh thanh long quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước. Đồng thời, liên kết thông tin giữa các địa phương và vùng trồng về tình hình sản xuất, mùa vụ, sản lượng và thu hoạch để hợp tác xác định thị trường tiêu thụ. Cần phát huy vai trò của các hợp tác xã trong điều hành sản xuất, kinh doanh và tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, dần hình thành chuỗi giá trị hàng hóa bền vững từ đầu vào đến đầu ra. Cần phát triển hệ thống kho trữ và bảo quản thanh long tươi.
Đa dạng hóa sản phẩm từ trái thanh long
Về hình thức tiêu thụ, khoảng 15% sản lượng trái thanh long tươi của tỉnh Bình Thuận được tiêu thụ tại thị trường nội địa; khoảng 85% dành cho xuất khẩu. Trong bối cảnh xuất khẩu thanh long tươi gặp khó khăn, doanh nghiệp đã đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ trái thanh long như thanh long sấy, nước ép, rượu vang, kẹo, siro,… Phần lớn được tiêu thụ nội địa với năng lực chế biến khoảng 182.000 tấn/năm, chiếm khoảng 26% tổng sản lượng.
Việc tạo ra dòng sản phẩm chế biến ngay từ vùng nguyên liệu thanh long dồi dào là một hướng đi đúng khi tiêu thụ trái thanh long tươi còn nhiều hạn chế như thời gian bảo quản và giá trị gia tăng không cao. Điều này giúp giải quyết vấn đề tiêu thụ trái trong những lúc dư thừa, góp phần đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao giá trị gia tăng cho thanh long Bình Thuận.
Nỗ lực khai thác thị trường xuất khẩu truyền thống và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu
Thị trường xuất khẩu trái thanh long của tỉnh Bình Thuận khá đa dạng, nhưng giá trị xuất khẩu vẫn chủ yếu tập trung vào thị trường Trung Quốc. Tỉnh Bình Thuận cũng đã khai thác các thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ và châu Âu nhưng giá trị đạt được còn thấp.
Gần đây, các hợp tác xã sản xuất tiêu thụ thanh long tại tỉnh Bình Thuận đã từng bước tìm kiếm được thị trường, giải quyết được một phần đầu ra cho sản phẩm. Hợp tác xã thanh long Thuận Tiến liên kết với các doanh nghiệp trong nước tiêu thụ 100 tấn thanh long xuất khẩu sang Châu Âu mỗi năm, với giá bình quân ổn định 26.000 đồng/kg; Hợp tác xã Thanh long sạch Hòa Lệ liên kết với Công ty TNHH Màu xanh Vĩnh Cửu xuất khẩu sang Mỹ với sản lượng 120 tấn/tháng, và liên kết với Công ty TNHH Giasaka Nhật Bản xuất khẩu sang Nhật Bản với sản lượng khoảng 30 tấn/tháng.
Về dài hạn, để xuất khẩu thanh long của tỉnh Bình Thuận ổn định, cần tiếp tục khai thác tốt thị trường truyền thống Trung Quốc, đồng thời gia tăng giá trị xuất khẩu sang các thị trường EU, Nhật Bản và Hàn Quốc. Các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu thanh long sang các thị trường này.
Sở Công thương Bình Thuận đã tập trung triển khai thực hiện kế hoạch phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm thanh long trong và ngoài nước giai đoạn 2021 – 2025. Bình Thuận sẽ đẩy mạnh xuất khẩu thanh long vào các thị trường quốc tế, chú trọng củng cố thị trường xuất khẩu truyền thống hiện có, đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập và mở rộng các thị trường tiềm năng để tiêu thụ sản phẩm. Phấn đấu đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu thanh long chính ngạch đạt 50 – 60 triệu USD/năm và nâng dần tỷ lệ tiêu thụ nội địa lên mức 22 – 25%.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tỉnh Bình Thuận tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại tại nước ngoài nhằm phát triển và mở rộng thị trường xuất khẩu thanh long. Cụ thể, tỉnh sẽ tổ chức các đoàn khảo sát và giao thương để mở thêm các thị trường mới tiềm năng cho xuất khẩu thanh long, hạn chế rủi ro và giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Tỉnh cũng chú trọng thị trường Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, các quốc gia Trung Đông và các nước đã ký hiệp định thương mại tự do với Việt Nam.
Đồng thời, tỉnh cũng hỗ trợ Hiệp hội Thanh long và các doanh nghiệp xuất khẩu tham gia các hội nghị, hội thảo và hội chợ triển lãm chuyên ngành về trái cây và rau quả có uy tín tổ chức hàng năm trong khu vực và trên thế giới để quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác bán hàng và mở rộng thị trường xuất khẩu. Cụ thể, tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long tham gia trực tiếp vào các mạng phân phối quốc tế đã có mặt tại Việt Nam như Lotte (Hàn Quốc), Aeon (Nhật Bản), Big C (Thái Lan) để tiêu thụ sản phẩm và mở rộng thị trường.
Để xuất khẩu thanh long ổn định và bền vững, tỉnh Bình Thuận sẽ thực hiện các giải pháp đồng bộ sau:
Trước tiên, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất thanh long theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao theo các tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP để đảm bảo chất lượng hàng hóa cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng nội địa và phục vụ xuất khẩu.
Thứ hai, xây dựng chuỗi liên kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ thanh long để phát triển bền vững. Khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư công nghệ và thiết bị để chế biến các sản phẩm có chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường và giảm áp lực trong việc tiêu thụ trái tươi.
Thứ ba, đa dạng hóa sản phẩm, tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, các mặt hàng xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh và có khả năng thâm nhập vào chuỗi giá trị trong nước và khu vực, tạo thị phần ổn định trên thị trường.
Thứ tư, tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình mua sắm trực tuyến và gian hàng Việt trực tuyến quốc gia, từ đó tập trung cho hình thức tiêu thụ và chào bán nông sản trên các sàn thương mại điện tử và nền tảng online.
Thứ năm, tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư công nghệ và thiết bị để chế biến các sản phẩm có chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường và giảm áp lực trong việc tiêu thụ trái tươi.
Thứ sáu, tăng cường thông tin sát với thị trường, chú trọng công tác khuyến nông trong tổ chức đào tạo xây dựng thương hiệu và nhãn hiệu cho sản phẩm. Theo dõi và cung cấp thông tin tình hình xuất khẩu thanh long cho doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ sở sản xuất, kinh doanh để có phương án sản xuất thời vụ hợp lý, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, tránh tình trạng thừa cục bộ.
Thứ bảy, tích cực triển khai các giải pháp trong hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối và tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu thanh long, đa dạng hóa thị trường dựa trên lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do.