Bình Dương: Thị xã Tân Uyên tích cực phát triển và xây dựng thương hiệu bưởi Bạch Đằng.

Cù lao Bạch Đằng có diện tích hơn 1.000 ha và trên 6.000 dân sinh sống. Xã Bạch Đằng mang đến cho Bình Dương một thương hiệu độc đáo, rất riêng, đó là bưởi. Bưởi Bạch Đằng từ trước tới nay nổi tiếng ngon, trong đó giống bưởi đường lá cam là phổ biến nhất, hầu như nhà nào ở Bạch Đằng cũng trồng.

Để nâng cao xây dựng và phát triển thương hiệu bưởi Bạch Đằng, thời gian qua, người dân thị xã Tân Uyên cùng với Hội Nông dân đã tích cực ứng dụng công nghệ trong sản xuất, nâng cao chất lượng trái bưởi. Bên cạnh đó, thị xã Tân Uyên cũng đã đẩy mạnh quảng bá trái bưởi Bạch Đằng thông qua các cuộc xúc tiến thương mại, phát triển du lịch sinh thái, đặc biệt, thông qua việc tổ chức các Lễ hội “Hương bưởi Bạch Đằng”, trái bưởi của vùng đất nơi đây sẽ ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến.

Bưởi Bạch Đằng – giống bưởi đặc sản của Cù lao Bạch Đằng, TX. Tân Uyên

Bưởi Bạch Đằng từ trước tới nay nổi tiếng ngon, trong đó giống bưởi đường lá cam là phổ biến nhất, hầu như nhà nào ở Bạch Đằng cũng trồng. Giống bưởi này ở Bạch Đằng có trái nhỏ, chừng 1 – 1,3kg, vỏ bóng, màu xanh và có độ mỏng, khi ăn có vị ngọt thanh. Ngoài ra, người dân trong xã còn trồng bưởi hồng, bưởi đường da láng, bưởi ổi…, trong đó đặc biệt nhất là giống bưởi ổi. Không giống như những giống bưởi khác, bưởi ổi chừng 3 năm mới cho ra trái một lần. Giống bưởi ổi đang được bà con nơi đây trồng trở lại như để khẳng định vị thế riêng của thương hiệu bưởi Bạch Đằng với bưởi Tân Triều của Đồng Nai, bưởi da xanh của Bến Tre, bưởi năm roi của Vĩnh Long.

Điều kiện tự nhiên thuận lợi sẵn có, cùng những kiến thức, kinh nghiệm có được của nông dân Bạch Đằng về nghề trồng bưởi từ nhiều đời, cộng với việc áp dụng khoa học, công nghệ hiện đại vào sản xuất, tất cả đã hội tụ thành những vườn bưởi mướt xanh, sai trĩu quả.

Với mong muốn bảo tồn và phát triển danh tiếng cho cây bưởi Bạch Đằng, đồng thời tìm chỗ đứng lâu dài trên thị trường, năm 2010, Hội Nông dân xã Bạch Đằng đã nộp đơn đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Một năm sau đó, ngày 23/6/2011, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể Bưởi Bạch Đằng chính thức có hiệu lực, nông dân Bạch Đằng như được tiếp thêm động lực trong sản xuất và bảo tồn nghề truyền thống.

Đến nay, toàn xã có 25 hộ trồng bưởi được sử dụng tem mang nhãn hiệu tập thể “Bưởi Bạch Đằng”, tổng diện tích trồng bưởi là 15,53ha, sản xuất theo hướng VietGAP. Hàng năm, Hội Nông dân xã thường xuyên phối hợp với các ngành, đoàn thể tuyên truyền, cung cấp thông tin cần thiết có liên quan đến nhãn hiệu tập thể cho các thành viên; phối hợp Ban quản lý và Ban kiểm soát nhãn hiệu tổ chức kiểm tra định kỳ và đột xuất về việc sử dụng nhãn hiệu tập thể của Tổ hợp tác Bưởi và các hộ nông dân trồng bưởi được cấp tem, đảm bảo tem nhãn được sử dụng đúng quy định. Từ năm 2011 đến nay, đã có hơn 50.000 tem nhãn hiệu Bưởi Bạch Đằng được cấp phát cho các hộ dân, số lượng tăng dần qua từng năm. Năm đầu tiên, chỉ có 2.000 tem được cấp, đến năm 2017 số lượng tem đã lên đến 11.000. Hiện nay, bưởi Bạch Đằng đã được cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh như Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh, đồng thời, được bày bán tại 2 Siêu thị CoopMart Bình Dương.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân xã Bạch Đằng đã phối hợp và trực tiếp hướng dẫn cho các hộ trồng bưởi những kiến thức khoa học kỹ thuật về cây bưởi như kỹ thuật bón phân, tỉa cành tạo tán, phục hồi cây bưởi sau thu hoạch, kỹ thuật bón phân và xử lý cho cây bưởi ra hoa đồng loạt, phòng trừ sâu bệnh trên cây bưởi, kỹ thuật trồng mới với 1.620 lượt người tham dự. Đồng thời, Hội đã tích cực, chú trọng quảng bá, phát triển và nâng cao uy tín của nhãn hiệu tập thể Bưởi Bạch Đằng, thông qua nhiều sự kiện khắp đất nước như: các hội chợ xúc tiến thương mại du lịch tại Hà Nội, Đăk Nông, TP. Hồ Chí Minh, Lễ hội Mùa trái chín ở Lái Thiêu, thị xã Thuận An, Phiên chợ Nông sản an toàn tỉnh Bình Dương.

Ngoài ra, những năm qua, vườn bưởi Bạch Đằng còn tiếp đón nhiều đoàn nông dân trong và ngoài tỉnh, đoàn công tác từ Hàn Quốc, đồng thời liên kết với Công ty du lịch Mắt Xanh đón 850 lượt khách tham quan mô hình sản xuất bưởi và thưởng thức những quả bưởi thơm ngon, để lại những ấn tượng tốt đẹp về thương hiệu bưởi Bạch Đằng, về đất và người cù lao.

Hợp tác xã Bưởi Bạch Đằng – Đi đầu trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu đặc sản bưởi Bạch Đằng

Năm 2012, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, UBND xã Bạch Đằng đã thành lập Tổ hợp tác bưởi Bạch Đằng, với sự tham gia của 12 thành viên, mở ra thêm nhiều điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng thương hiệu. Từ khi thành lập đến nay, Tổ hợp tác Bưởi Bạch Đằng đã từng bước hoạt động hiệu quả. Tham gia tổ hợp tác, các thành viên luôn ý thức học hỏi, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Các thành viên còn được tiếp cận nguồn vốn của Quỹ hỗ trợ nông dân, tạo điều kiện đầu tư máy móc, thiết bị cơ giới hoá, phân bón, áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng uy tín cho nhãn hiệu. Ngoài sản phẩm trái bưởi, các thành viên còn sáng tạo, nghiên cứu phát triển theo chuỗi giá trị với các sản phẩm tinh dầu bưởi, rượu bưởi, chè bưởi được người tiêu dùng ưa chuộng. Tổng doanh thu của Tổ hợp tác trên đạt trên 2 tỷ đồng/năm.

Qua 6 năm thành lập, Tổ hợp tác bưởi Bạch Đằng nay đã phát triển thành Hợp tác xã Bưởi Bạch Đằng, tổng diện tích 9,3ha với giống bưởi đường lá cam và bưởi da xanh làm chủ lực. Hợp tác xã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngày 15/10/2018, vốn điều lệ 145 triệu đồng, gồm 11 thành viên, khẳng định sự đoàn kết, gắn bó, tâm huyết giữa những người trồng bưởi và nỗ lực, quyết tâm của Đảng uỷ, UBND xã Bạch Đằng về phát triển nghề trồng bưởi đặc sản, phát triển thương hiệu Bưởi Bạch Đằng.

Đến thời điểm này, các thành viên Hợp tác xã đã thu hoạch bưởi trên diện tích 5,3ha, doanh thu đạt 550 triệu đồng/ha, còn lại 4ha bưởi Tết chưa thu hoạch.

Theo Giám đốc Hợp tác xã Bưởi Bạch Đằng, thời gian tới, Hợp tác xã sẽ phấn đấu thực hiện trồng bưởi đạt chuẩn VietGAP, nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm và xúc tiến ký kết hợp đồng với các nhà phân phối, tiêu thụ, mở rộng thị trường, phát triển thương hiệu. Đặc biệt, trong Lễ hội Hương bưởi Bạch Đằng lần II, Hợp tác xã Bưởi Bạch Đằng tham gia 2 gian hàng: một gian hàng trưng bày sản phẩm bưởi và cây giống và một gian hàng trưng bày các sản phẩm chế biến từ bưởi như: rượu bưởi, tinh dầu bưởi, bên cạnh đó, sẽ có nhiều món ăn ngon như chè bưởi, gỏi bưởi, bò nướng lá bưởi phục vụ du khách.

TX. Tân Uyên đẩy mạnh quảng bá đặc sản bưởi Bạch Đằng thông qua du lịch sinh thái

Bình Dương: Thị xã Tân Uyên tích cực phát triển và xây dựng thương hiệu bưởi Bạch Đằng.

Theo Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Đề án Phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù Bình Dương đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, TX.Tân Uyên nằm trong vùng không gian quy hoạch du lịch phía Đông bao gồm khu vực dọc theo sông Đồng Nai. Sản phẩm du lịch trên địa bàn gồm du lịch sinh thái và các loại hình du lịch sinh thái sông nước, du lịch xanh tại Cù lao Bạch Đằng.

Trong thời gian qua, TX.Tân Uyên đã triển khai các nội dung phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn, trong đó tập trung phát triển du lịch sinh thái ven sông Đồng Nai, đồng thời giữ và phát triển vườn bưởi đặc sản xã Bạch Đằng. Hiện UBND thị xã đang triển khai Dự án bình tuyển, công nhận cây đầu dòng bưởi đường da láng, bưởi ổi và xây dựng vườn ươm cây đầu dòng bưởi đường da láng và bưởi ổi, bưởi đường lá cam ở xã Bạch Đằng. Thị xã cũng phối hợp Sở Khoa học – Công nghệ thực hiện dự án nghiên cứu xây dựng bản đồ chất lượng đất xã Bạch Đằng, xã Thạnh Hội và dự án nghiên cứu, tuyển chọn cây đầu dòng bưởi đường lá cam tại xã Bạch Đằng.

Kế hoạch phát triển du lịch TX.Tân Uyên giai đoạn 2018 – 2020 xác định rõ mục tiêu phát triển du lịch thị xã trên cơ sở khai thác tiềm năng lợi thế về du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, hệ thống các di tích lịch sử – văn hóa và những sản phẩm du lịch sẵn có trên địa bàn thị xã, trong đó đặc biệt chú trọng đến những lợi thế tiềm năng về vị trí địa lý đường ven sông. Theo đó, UBND thị xã tập trung thực hiện nội dung về kết nối trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp tại các điểm dừng chân, khu du lịch nghỉ dưỡng; kết nối tuyến du lịch ven sông Đồng Nai, các điểm tham quan trên địa bàn như vườn bưởi, các điểm di tích. Bên cạnh đó, thị xã hỗ trợ UBND xã Bạch Đằng khai thác tiềm năng sẵn có để phát triển du lịch xanh, du lịch hộ gia đình; hỗ trợ các hộ nông dân quảng bá, giới thiệu nông sản trưng bày, tiếp cận thị trường phát triển du lịch. Cùng với đó, thị xã cũng hỗ trợ mời gọi xã hội hóa đầu tư các dịch vụ du lịch, phát triển các câu lạc bộ đờn ca tài tử – cải lương gắn với các tour du lịch, giao lưu phục vụ du khách tại các khu, điểm tham quan.

Năm 2017, TX.Tân Uyên đã tổ chức thành công Lễ hội “Hương bưởi Bạch Đằng” lần I. Lễ hội đã thu hút hơn 5.000 lượt khách tham dự. Đây là hoạt động khởi đầu cho sự phát triển du lịch của TX.Tân Uyên. Lễ hội “Hương bưởi Bạch Đằng” lần II năm 2019 sắp diễn ra hứa hẹn sẽ tạo được không gian lễ hội với nhiều hoạt động đặc sắc, qua đó góp phần quảng bá thương hiệu Bưởi Tân Uyên, nhất là bưởi đặc sản Bạch Đằng. Lễ hội sẽ được tổ chức 2 năm 1 lần, trong đó tập trung giới thiệu, quảng bá thương hiệu bưởi Bạch Đằng, các loại bưởi trên địa bàn. Đây cũng là một hoạt động quan trọng để đưa hương bưởi TX.Tân Uyên bay xa, góp phần phát triển du lịch gắn với những ưu thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên của thị xã.

© Tuyên bố bản quyền