Bảo vệ đường biên, cột mốc – niềm tự hào của người dân biên giới.

Đến nay, toàn bộ hệ thống đường biên, mốc quốc giới ở Cao Bằng được 5.658 hộ dân ký cam kết tự quản. Điều ý nghĩa nhất là người dân biên giới Cao Bằng coi bảo vệ đường biên, cột mốc không chỉ là trách nhiệm, mà còn là niềm tự hào của họ.

Bảo vệ đường biên, cột mốc là niềm tự hào của người dân biên giới (Ảnh: internet)

Tự hào đứng trước cột mốc

Anh Hoàng Văn Thờ, dân tộc Nùng, thôn Nặm Rằng, xã Kéo Yên, huyện Hà Quảng, Cao Bằng gây cho chúng tôi ấn tượng mạnh mẽ bởi ý thức trách nhiệm với sự nghiệp giữ gìn, bảo vệ đường biên, mốc giới cũng như tấm lòng trân quý mà anh dành cho Biên phòng. Vốn là quân nhân xuất ngũ, anh có sự đồng cảm đặc biệt với những người lính Đồn Biên phòng Lũng Nặm. Mỗi khi Đồn Biên phòng Lũng Nặm có việc cần, anh rất nhiệt tình giúp đỡ. Ngôi nhà của anh cũng là địa điểm Đồn Biên phòng Lũng Nặm mượn để đón tiếp lực lượng chức năng phía bạn trong mỗi phiên tuần tra song phương. Anh Thờ chia sẻ: “Cái tâm tôi lúc nào cũng hướng về Biên phòng. Được anh em tin tưởng là tôi cảm thấy hạnh phúc”.

Trên địa bàn thôn Nặm Rằng có 3 cột mốc, anh Thờ biết rõ cả 3. Anh thường vận động bà con trong thôn cùng giữ gìn bảo vệ đường biên, cột mốc. Anh cũng trực tiếp đi tuần tra đường biên, cột mốc cùng những người lính Biên phòng ở đây. Những năm trước, phát hiện người dân bên kia biên giới chôn cất người chết sang phần đất nước ta, anh Thờ trực tiếp gặp, vận động họ di chuyển hài cốt về phía đất của họ. Thấy anh nói phải, họ đồng ý. “Biên giới đất nước của ta, ta phải có trách nhiệm giữ gìn. Với tôi, tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc không chỉ là trách nhiệm, mà còn là niềm tự hào, hạnh phúc” – Anh Thờ tâm sự.

Dẫn chúng tôi ra thăm cột mốc 890, ông Thẩm Đức Tài, xóm Kỵ Rót, xã Quang Long giới thiệu: “Xóm Kỵ Rót được giao tự quản 3 mốc chính và một mốc phụ. Bà con trong xóm đều có ý thức rất tốt trong giữ gìn đường biên, cột mốc. Mỗi lần đi phát quang đường biên, cột mốc, bà con có mặt đông đủ từ rất sớm”. Thấy cây cỏ mọc rậm, ông Tài dùng dao phát quang.

Đưa tay áo lau mồ hôi trên mặt, ông bảo: “Tôi cũng như những người dân khác trong thôn đều tự nguyện trông coi, giữ gìn cột mốc. Bất cứ người dân nào trong thôn khi phát hiện đường biên, cột mốc có dấu hiệu gì bất thường đều báo cáo ngay cho các anh Biên phòng kịp thời xử lý. Năm 2015, chúng tôi tổ chức kết nghĩa với xóm Kỵ Sộc (Trung Quốc) nằm đối diện bên đường biên, bà con hai xóm càng ý thức hơn trong việc giữ gìn đường biên giới hòa bình, hữu nghị. Ban Mặt trận của hai xóm thường xuyên gặp gỡ, trao đổi thông tin cho nhau kịp thời về các vấn đề an ninh trật tự, phòng chống tội phạm ma túy. Nhờ đó các vụ việc xảy ra trên biên giới đều được giải quyết rất kịp thời, thấu đáo”.

Phong trào của toàn dân

Tâm sự của anh Thờ và anh Tài như trên là những minh chứng thực tế cho thấy ý thức bảo vệ đường biên, mốc giới đã thấm sâu vào trái tim của người dân ở biên giới Cao Bằng. Đây cũng là thành công nổi bật nhất của Biên phòng Cao Bằng, địa phương có đường biên giới dài 333,125km, với 634 mốc quốc giới (469 mốc chính và 165 mốc phụ).

Phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, mốc quốc giới và an ninh trật tự xóm, bản khu vực biên giới được Biên phòng Cao Bằng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thực hiện từ năm 1995. Ban đầu thực hiện thí điểm tại địa bàn Đồn Biên phòng Tà Lùng, sau đó được nhân rộng ra toàn tỉnh Cao Bằng. Căn cứ đặc điểm tình hình cụ thể, các đơn vị Biên phòng Cao Bằng phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng và ký quy chế phối hợp về tổ chức phong trào. Để việc tham gia phong trào trở thành hoạt động tự giác của mỗi gia đình, mỗi người dân, cấp ủy, chính quyền các xã và các đồn Biên phòng phối hợp hướng dẫn các xóm, bản xây dựng hương ước tự quản của từng xóm, bản. Đến nay, 100% các xóm, bản đã xây dựng được hương ước, quy ước tự quản.

Việc tự quản đường biên, cột mốc được tiến hành ngay trên thực địa với từng xóm, bản sự có mặt của đại diện đồn Biên phòng, Đảng ủy, chính quyền xã, cấp ủy chi bộ xóm, trưởng xóm và đông đảo nhân dân trong xóm. Tại đây, một lần nữa lịch sử, thực trạng hệ thống đường biên, cột mốc, các dấu hiệu biên giới được cán bộ, chiến sĩ các đồn Biên phòng, các già làng, trưởng bản, những người am hiểu tuyên truyền giới thiệu cho nhân dân trong xóm để mọi người tham gia tự quản. Đối với những gia đình cư trú hoặc có đất canh tác sát đường biên giới, ngoài trách nhiệm tham gia tự quản theo xóm, bản, họ còn tự giác, tự quản trên chính các khu vực đất đai thuộc gia đình mình. Những nơi không có dân cư sinh sống, sản xuất sẽ do các xóm, bản liền kề tham gia tự quản.

Từ khi có Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ, phong trào quần chúng tự quản đường biên, cột mốc được nâng lên một tầm cao mới. “Việc triển khai Chỉ thị 01 đã tạo bước chuyển biến mới trong cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân địa phương. Tham gia tự quản đường biên, mốc quốc giới đã thực sự trở thành nhu cầu, là niềm tự hào của mỗi người dân biên giới. Nhiều vụ việc xảy ra trên biên giới như: Xâm hại cột mốc, xâm canh, làm đường vi phạm đường thông tầm nhìn biên giới, vượt biên trái phép khai thác lâm thổ sản, chăn thả trâu bò… đều được nhân dân khu vực biên giới kịp thời phát hiện thông báo và phối hợp cùng các đồn Biên phòng đấu tranh có hiệu quả” – Đại tá Nguyễn Anh Tuấn, Chính ủy Biên phòng Cao Bằng cho biết.

Trong năm 2016, nhân dân khu vực biên giới đã phát hiện, cung cấp cho Biên phòng và Ban chỉ đạo phong trào 663 nguồn tin có giá trị phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ biên giới. Gần 4.000 lượt quần chúng đã tham gia tuần tra, phát quang đường biên. Bên cạnh đó, phong trào quần chúng bảo vệ an ninh trật tự ở các xóm bản khu vực biên giới, đấu tranh tố giác các loại tội phạm ở địa bàn biên phòng cũng được đẩy mạnh.

Bảo vệ đường biên, cột mốc - niềm tự hào của người dân biên giới.

Năm 2016, Ban tự quản các xóm đã tổ chức 687 buổi với trên 2.000 lượt quần chúng tham gia tuần tra, canh gác, bảo vệ ngày kỷ niệm, lễ hội cổ truyền tại địa phương; tổ chức hòa giải thành công 375 vụ việc mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư. Thông qua các nguồn tin quần chúng cung cấp, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý, giải quyết 280 vụ với 392 đối tượng phạm tội mua bán ma túy, buôn lậu, xuất nhập cảnh trái phép, vi phạm quy chế quản lý biên giới, buôn bán người.

Có thể nói, kết quả thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” đã nâng cao được tính chủ động trong công tác phòng ngừa, phát hiện và giải quyết được kịp thời hơn đối với các vụ việc xảy ra trên biên giới Cao Bằng. Qua đó, góp phần giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh trật tự, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế – xã hội, cải thiện cuộc sống cho nhân dân các dân tộc khu vực biên giới.