Bài 2. Nông dân Hải Ba: Nhờ sức người, đá sỏi cũng biến thành cơm

Bài 2. Nông dân Hải Ba: Nhờ sức người, đá sỏi cũng biến thành cơm

Mùa nào thức nấy, các loại cây trồng phủ xanh những đụn cát trắng mang theo những niềm hi vọng. Cuộc sống người nông dân Hải Ba đang thay đổi cả chất và lượng.

Liên kết để nuôi ‘tôm sạch’ trên cát theo hướng bền vững

Vựa rau nức tiếng ở nơi chỉ có nắng, gió và cát

Ươm mầm xanh giữa vùng cát trắng

Vụ đông trên vùng đất cát pha ven biển Diễn Châu

Mô hình trồng ném đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân Hải Ba. Ảnh: Võ Dũng.

Từ trước đến nay, ông Nguyễn Đức Hùng tại làng Ba Du, thôn Thống Nhất, xã Hải Ba, huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị) vẫn chỉ có 5 sào đất màu gần như cát trắng. Chưa mưa nước đã ngập, nắng bỏng rát cả chân người.

Nhưng nguồn thu từ 5 sào đất màu này nay đã lớn hơn nhiều so với trước.

“Trước tôi trồng rau lang, sắn, ngô… nhưng những thứ ấy chỉ phục vụ chăn nuôi vài ba con lợn con bò. Còn bây giờ, chuyển sang trồng ném và Kiệu, dễ bán, tiền tươi thóc thật, mỗi năm tôi cũng có lãi ròng trên 50 triệu đồng” – ông Hùng chia sẻ.

Theo ông Hùng, ném là cây gia vị phát triển tốt trên vùng đất cát bạc màu, đầu ra rộng, thời kỳ đầu có thể tỉa để bán cả củ lẫn thân. Đến lúc già thì thu hoạch củ. Vì vậy, vùng đất này, cây ném như là cây trồng cứu cánh cho nông dân.

Hay như câu chuyện làm giàu của gia đình chị Mai Thị Tày ở đội 6, thôn Phương Hải. Gần 30 năm nay, đời sống và nguồn thu nhập chính của gia đình chị chủ yếu dựa vào 1 ha ruộng và 0,5 ha màu, nuôi bình quân khoảng từ 6 – 8 con bò để tận dụng nguồn phân chuồng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trước đây, do điều kiện hạ tầng chưa phát triển, việc trồng trọt, chăn nuôi của gia đình chị bộn bề khó khăn.

Nay thì đường giao thông ra các cánh đồng hoặc được bê tông hóa hoặc cứng hóa; điện lưới được đầu tư xây dựng nên việc sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ thuận lợi hơn nhiều. 10 sào đất canh tác ở vùng cát của vợ chồng chị Tày hầu như không được nghỉ. Hết vụ mướp đắng hai vợ chồng chị lại chuyển sang ngô, lạc, dưa hấu, cà, bầu bí, dưa leo và xen canh thêm ném kiệu, ớt, rau màu… So với làm ruộng, trồng mướp đắng và các loại cây hoa màu ở vùng cát cho thu nhập gấp hơn 10 lần. Nhờ vậy gia đình chị Tày cũng như hàng chục hộ gia đình ở thôn Phương Hải có thu nhập khá ổn định, cuộc sống ấm no hơn. Nhờ đầu ra nông sản khá tốt, vì vậy thu nhập của nông dân Hải Ba được nâng lên nhiều lần. Theo tính toán của chị Tày, bình quân giá trị thu nhập của gia đình chị đạt 20 triệu đồng/sào hoa màu/năm.

Ông Lê Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Hải Ba cho biết, địa phương này phấn đấu đạt nông thôn mới nâng cao trước năm 2030. Thời gian qua xã Hải Ba đã chú trọng triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển một số mô hình cây trồng, vật nuôi có tiềm năng để tạo sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh.

Đây cũng là động lực giúp nông dân Hải Ba phát triển nền sản xuất nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững; sản xuất hàng hóa, phát huy tiềm năng, lợi thế kinh tế vùng cát trên địa bàn để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao gắn với liên kết và tiêu thụ sản phẩm.

Để đạt được mục tiêu trở thành xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2030, nhiều nguồn lực đã được tập trung đầu tư để nông dân Hải Ba nâng cao thu nhập. Ảnh: Võ Dũng.

Theo ông Trường, địa phương đang tập trung đầu tư xây dựng tương đối hoàn thiện các tuyến đường giao thông, điện lưới ra vùng cát; đẩy mạnh thâm canh, xen canh, nhân rộng các mô hình cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế cao như ném kiệu (32 ha), mướp đắng (18,5 ha), dưa, cà các loại (60 ha)… Những mô hình này cho năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với trồng lúa và các loại hoa mùa truyền thống.

Nông dân Hải Ba đang đứng trước nhiều cơ hội

UBND xã Hải Ba đã quy hoạch vùng trồng rau tại vùng cát thôn Phương Hải với diện tích 35 ha; vùng chuyên canh trồng ngô 14 ha tại khu vực Đa Nghi, thuộc thôn Thống Nhất… Xã Hải Ba còn triển khai nhiều chính sách hỗ trợ chăn nuôi như xây dựng các mô hình trồng cỏ nuôi bò nhốt, chăn nuôi lợn tập trung theo quy hoạch xa khu dân cư; hỗ trợ xây dựng hầm khí biogas bằng composite nhằm tạo việc làm cho người dân và giảm ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.

© Tuyên bố bản quyền