Bắc Kạn nỗ lực xây dựng thương hiệu nông sản chất lượng cao.
Tỉnh Bắc Kạn luôn ưu tiên kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp, phát triển sản xuất theo hướng tập trung, hình thành vùng sản xuất hàng hóa. Cùng với đó, tỉnh đã tăng cường công tác xúc tiến thương mại nhằm quảng bá sản phẩm và tìm kiếm thị trường tiêu thụ.
Những sản phẩm đặc sản, đặc trưng như quýt Bắc Kạn, gạo bao thai Chợ Đồn, hồng không hạt và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được dấu ấn riêng, khai thác từ lợi thế về vùng nguyên liệu, đặc trưng riêng của vùng miền và tạo việc làm cho lao động địa phương.
Giới thiệu một số sản phẩm đặc sản, đặc trưng tỉnh Bắc Kạn
Quýt Bắc Kạn
Sau 5 năm được cấp Chứng nhận chỉ dẫn địa lý, sản phẩm quýt Bắc Kạn ngày càng được thị trường ưa chuộng, trở thành sản phẩm hàng hóa nông sản đặc trưng giúp người dân làm giàu.
Quýt Bắc Kạn được phân biệt với các giống quýt khác nhờ các đặc thù về cảm quan cũng như chất lượng quả. Quả quýt của Bắc Kạn có hình dáng tròn dẹt, đường kính 7 – 9 cm, cao 4 – 5cm, vỏ nhẵn, khi chín có màu vàng tươi, dễ bóc tách, múi to đều mọng nước, tép quả màu vàng rơm, không nát, có vị chua dịu, không the đắng, mùi thơm đặc trưng. Thành phần gồm lượng đường chiếm 9%, nước chiếm 73%, còn lại là axít, vitamin C. Mùa quýt Bắc Kạn bắt đầu từ tháng 9 âm lịch, kéo dài tới Tết Nguyên đán. Mặc dù, giống quýt Bắc Kạn đã từng được đem trồng thử ở nhiều nơi, nhưng không đâu có chất lượng bằng trồng ở Bắc Kạn.
Với những đặc điểm nổi trội, Cục sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý Bắc Kạn cho sản phẩm Quýt Bắc Kạn năm 2012. Sản phẩm quả quýt tươi được trồng và thu hái trong vùng bản đồ Chỉ dẫn địa lý mà tỉnh Bắc Kạn đã đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ gồm 12 xã: Quang Thuận, Dương Phong, Đôn Phong (huyện Bạch Thông); Rã Bản, Đông Viên, Phương Viên (huyện Chợ Đồn); Thượng Giáo, Địa Linh, Chu Hương, Mỹ Phương, Cao Trĩ, Yến Dương (huyện Ba Bể).
Từ khi được cấp chỉ dẫn địa lý, sản phẩm quýt Bắc Kạn đã khẳng định chỗ đứng trên thị trường, từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ ra các tỉnh, thành phố. Đến vụ thu hoạch quýt, trên các trục đường từ xã Quang Thuận, Dương Phong (Bạch Thông) đến các xã Đông Viên, Phương Viên (Chợ Đồn), các tiểu thương tấp nập tới thu mua mang đi tiêu thụ tại các tỉnh như Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội và Lạng Sơn.
Để bảo tồn và phát triển thương hiệu quýt, những năm qua, Bắc Kạn đã quan tâm hỗ trợ giống, vật tư, kỹ thuật và chỉ đạo các địa phương chuyển mở rộng diện tích canh tác theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung. Trong đó, các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh đã triển khai Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao công nghệ nhân giống cây ăn quả có múi đặc sản sạch bệnh tại Bắc Kạn”; Dự án “Nghiên cứu thành phần diễn biến sâu bệnh hại và thiên địch, xây dựng mô hình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây cam quýt tại huyện Bạch Thông, Bắc Kạn”.
Hiện nay, vùng trồng cam quýt của Bắc Kạn đã được quy hoạch với diện tích khoảng 2.400 ha, năng suất trung bình 83,6 tạ/ha, sản lượng 10.880 tấn, thu nhập bình quân hàng năm đạt 85 triệu đồng/ha. Trong đó riêng huyện Bạch Thông chiếm tới 50% diện tích trồng cam, quýt của cả tỉnh.
Theo quy hoạch, trong thời gian tiếp theo, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục duy trì và phát triển ổn định diện tích quýt hiện có, trong đó tập trung đầu tư thâm canh, tăng năng suất diện tích 1.500 ha tại các huyện Bạch Thông, Chợ Đồn, Ba Bể. Đồng thời phát triển vùng trồng quýt theo hướng đầu tư quy trình công nghệ chăm sóc, cải tạo thay thế dần những vườn cây ăn quả đã già cỗi, năng suất thấp, nhiễm sâu bệnh bằng các giống tốt, sạch sâu bệnh; phát triển theo hướng đầu tư quy trình công nghệ chăm sóc, cải tạo cam, quýt theo tiêu chuẩn VietGap; đẩy mạnh chế biến, bảo quản, giảm tổn thất sau thu hoạch bằng các hoạt động hỗ trợ công nghệ và thiết bị chế biến bảo quản cho nông dân; tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ hình thành các tổ chức sản xuất, kinh doanh như hợp tác xã, tổ hợp tác, hỗ trợ thông tin, dự báo thị trường, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Gạo bao thai Chợ Đồn
Chợ Đồn là huyện vùng núi nằm ở phía tây của tỉnh Bắc Kạn có điều kiện đất đai, khí hậu phù hợp với cây lúa Bao Thai. Diện tích sản xuất lúa Bao Thai toàn huyện trên 1.500 ha, năng suất khoảng 4 – 4,5 tấn/ha, sản lượng ước đạt 8.000 tấn, thu nhập từ gạo Bao Thai khoảng 120 tỷ đồng/năm, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Gạo Bao Thai Chợ Đồn có hương vị đặc trưng riêng như cơm ngậy, vị đậm. Hạt gạo có màu trắng đục, amylose dưới 20%; tỷ lệ tấm khoảng 0,8%; vật chất khô 85,99%; tinh bột 89,32%; protein 8,33%; lipit 0,87%.
“Gạo Bao Thai Chợ Đồn” đã được Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học và công nghệ cấp Giấy chứng nhận bảo hộ Nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm. Nhãn hiệu tập thể do Hội nông dân huyện Chợ Đồn là chủ sở hữu; toàn huyện có 238 hộ sản xuất tại thị trấn Bằng Lũng và các xã Phương Viên, Ngọc Phái, Quảng Bạch, Đồng Lạc, Đông Viên, Rã Bản, Yên Nhuận và Bình Trung được phép sử dụng nhãn hiệu tập thể. Đây là cơ sở quan trọng, góp phần khẳng định thương hiệu gạo Bao Thai Chợ Đồn trên thị trường tiêu thụ, đồng thời khuyến khích người dân mở rộng và nâng cao năng suất, chất lượng gieo trồng giống lúa Bao Thai.
Cùng với công tác xúc tiến thương mại, những năm qua, UBND tỉnh Bắc Kạn luôn quan tâm hỗ trợ duy trì và phát triển các sản phẩm được bảo hộ, chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện thông qua các dự án, mô hình hỗ trợ nông dân sản xuất, xúc tiến thương mại, giới thiệu nông sản, xây dựng quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể, hỗ trợ in tem nhãn, bao bì sản phẩm. Các hoạt động quảng bá đã góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm gạo, miến dong, cam quýt, hồng không hạt của tỉnh, thúc đẩy sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân. Quan trọng hơn, việc được cấp văn bằng bảo hộ chính là cơ sở để địa phương thực hiện vùng quy hoạch và xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao năng suất, góp phần ổn định nền kinh tế địa phương.
Theo định hướng của tỉnh, phấn đấu tập trung phát triển một số loại cây trồng có thế mạnh, bao gồm: 1.000 ha lúa có chất lượng, giá trị kinh tế cao; đầu tư thâm canh tăng năng suất 1.500 ha cây dong riềng, phát triển diện tích trồng cam, quýt lên 3.500 ha; diện tích trồng hồng không hạt đạt 1.000 ha. Trong đó, một số loại cây ăn quả như hồng không hạt, cam, quýt, mơ sẽ áp dụng sản xuất theo hướng VietGAP để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Cùng với đó, tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, từng bước xây dựng thương hiệu và quản lý chất lượng sản phẩm nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản hàng hóa địa phương.
Hồng không hạt
Hồng không hạt từ lâu đã là loại trái cây đặc sản của đồng bào miền núi Bắc Kạn với vị giòn, thơm ngon. Những năm gần đây, hồng không hạt đã không chỉ còn là món quà dịp Tết Trung thu mà đã trở thành loại cây trồng thế mạnh, giúp thúc đẩy kinh tế cho người Bắc Kạn.
Vùng hồ Ba Bể là nơi xuất xứ của cây hồng không hạt. Cũng chính vì vậy, huyện Ba Bể và một số xã ven hồ trở thành vùng trọng điểm trồng hồng không hạt tại tỉnh Bắc Kạn.
Sản phẩm hồng không hạt Bắc Kạn đã được cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý năm 2010. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Kạn là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý “Bắc Kạn” cho sản phẩm hồng không hạt. Năm 2014, hồng không hạt Bắc Kạn và quýt Bắc Kạn đạt danh hiệu “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam” do Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức. Năm 2013, sản phẩm này cũng lọt vào Top 100 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng.
Những đặc điểm về độ ẩm không khí cao, biên độ nhiệt ngày – đêm và giữa các mùa trong năm chênh lệch lớn cùng nền đất feralit ở Bắc Kạn rất phù hợp để cây hồng phát triển tươi tốt và hình thành chất lượng của quả. Cùng với kỹ thuật chọn giống, chăm sóc được người dân địa phương tích lũy, truyền lại theo thời gian, kỹ năng ngâm hồng là yếu tố quan trọng đem đến chất lượng của quả hồng không hạt Bắc Kạn.
Cây hồng không hạt gắn với vùng đất Bắc Kạn đã có lịch sử phát triển trên 100 năm. Hồng không hạt Bắc Kạn là loại cây bản địa, mang nguồn gen quý hiếm, sinh trưởng và phát triển ở vùng đất và khí hậu đặc thù, kinh nghiệm ngâm hồng của đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương đã tạo ra giá trị riêng biệt. Vào mùa thu, đặc biệt vào ngày Tết trung thu truyền thống, quả hồng không hạt Bắc Kạn thường được dùng làm quà biếu cho bạn bè và người thân, được bày trên mâm ngũ quả trong mỗi gia đình người Việt. Nét văn hóa đặc thù này đã làm cho giá trị và danh tiếng của hồng được lưu truyền qua hàng trăm năm cho đến ngày nay.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn cũng đang tham mưu UBND tỉnh trình HĐND đưa ra cơ chế chính sách mới hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, trong đó có định hướng phát triển cây hồng. Trong đó có hỗ trợ cơ sở hạ tầng các vùng, điểm có hợp tác xã hoặc nơi trồng cây ăn quả để tạo thuận tiện cho việc mở rộng diện tích, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả.
Bắc Kạn hiện có hơn 500 ha hồng không hạt, trong đó huyện Chợ Đồn và Ba Bể là hai địa phương trồng nhiều nhất với gần 400 ha. Hồng không hạt đang là cây trồng chủ lực, mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ gia đình.