Bắc Giang chú trọng xây dựng các sản phẩm chủ lực và đặc sản địa phương.

Phát triển nông sản chủ lực là một yêu cầu cấp thiết nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của nông sản, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế vượt trội của từng địa phương. Theo xu hướng đó, Bắc Giang đang nỗ lực xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản phong phú và đặc trưng của địa phương để những đặc sản này không chỉ đứng vững tại thị trường trong nước mà còn tiến tới xuất khẩu.

Giới thiệu một số sản phẩm đặc sản, đặc trưng tỉnh Bắc Giang.

Bắc Giang được đánh giá là địa phương có nhiều nông sản đặc trưng và có hơn 40 sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được cấp bảo hộ sở hữu trí tuệ, trong đó một số sản phẩm nổi bật như: Vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế, nấm sạch Lạng Giang, mỳ chũ Lục Ngạn, na dai Lục Nam, nhãn lồng Đan Hội, dứa Bảo Sơn (Lục Nam), rau cần Hoàng Lương, nếp cái hoa vàng Thái Sơn, gà giống (Hiệp Hòa), chè Xuân Lương (Yên Thế), chanh đào Tân Thanh (Lạng Giang), lạc, gạo thơm (Yên Dũng), bánh đa Kế (TP Bắc Giang)… và một số sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, làng nghề như: Rượu làng Vân, mây tre đan Tăng Tiến (Việt Yên)… Những sản phẩm này đem lại hiệu quả kinh tế to lớn đối với sự phát triển kinh tế, xã hội địa phương cũng như nâng cao đời sống của người dân; vải thiều Lục Ngạn, mỳ Kế, mỳ Chũ không những tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu sang Mỹ, Trung Quốc, Pháp, một số nước ASEAN.

Vải thiều Lục Ngạn.

Lục Ngạn là một huyện thuộc tỉnh Bắc Giang nổi tiếng cả nước với đặc sản vải thiều. Vải thiều Lục Ngạn khi chín có màu đỏ tươi, hạt nhỏ, cùi dày, ngọt sắc, có hương vị đặc trưng và giàu chất dinh dưỡng. Quả vải Lục Ngạn không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới như: Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ, Australia. Năm 2005, vải thiều Lục Ngạn được Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể.

Vải thiều là cây xóa đói giảm nghèo, mang lại nguồn thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cho người dân huyện Lục Ngạn, nơi có diện tích và sản lượng vải thiều lớn nhất cả nước. Trở thành vùng sản xuất hàng hóa lớn, huyện Lục Ngạn đã quan tâm đến xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản xuất vải thiều đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu. Việc xây dựng thương hiệu vải thiều Lục Ngạn còn có ý nghĩa rất lớn nhằm tạo vị thế cho quả vải, đồng thời tăng lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy phát triển loại cây có giá trị, tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Huyện Lục Ngạn đang có 11.000 ha vải thiều sản xuất theo quy trình VietGap; 100 ha diện tích sản xuất chuẩn GlobalGap, duy trì 217 ha được Bộ Nông Nghiệp Mỹ cấp 18 mã số xuất khẩu và được Trung Quốc cấp 36 mã số đối với toàn bộ vùng trồng vải thiều Lục Ngạn.

Bánh Đa Kế.

Bánh đa kế là một nghề truyền thống của làng Kế, ngôi làng cổ thuộc xã Dĩnh Kế, thành phố Bắc Giang. Bánh đa của làng Kế làm ra có hương vị đặc trưng, là một sản phẩm truyền thống chứa đựng sự công phu, khéo léo và tinh tế của người dân. Công đoạn tráng bánh cũng cầu kỳ, bánh được tráng 2 lần, lần đầu khi bánh chín rồi nhưng còn ướt, vẫn để bánh trên mặt miếng vải rồi lại tiếp tục đổ thêm một lượt bột lên trên đợi đến khi chín mới đưa ra. Bánh được tráng hai lần sẽ bảo đảm độ dày dặn. Khi phơi bánh se mặt và vẫn còn dẻo, phải kịp thời gỡ bánh cho khỏi dính vào phên tránh bị vỡ rồi mới lật bánh sang mặt bên kia và phơi tiếp cho đến khô. Bánh sau khi phơi khô được xếp vào túi ni lông buộc chặt, bảo quản rất cẩn thận. Năm 2011, sản phẩm bánh đa Kế được Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể.

Để làng nghề bánh đa Kế được bảo tồn và phát triển, nghề truyền thống cần phải gắn liền với hiệu quả kinh tế. Việc mở rộng thị trường là điều thiết yếu đối với sản phẩm làng nghề. Muốn mở rộng thị trường khâu quảng bá, tiếp thị là cánh cửa mở ra đến với thị trường rộng lớn hơn. Hình thức của sản phẩm sẽ được khách hàng quan tâm, chú ý đến đầu tiên trong các khâu tiếp thị, vì thế cần phải đổi mới các khâu đóng gói bao bì để mang đi xa và bảo quản được lâu hơn, hình thức đóng gói đẹp mắt hấp dẫn, kích cỡ truyền thống cần phải thay đổi để phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng.

Rau cần Hoàng Lương.

Bắc Giang chú trọng xây dựng các sản phẩm chủ lực và đặc sản địa phương.

Thương hiệu rau cần Hoàng Lương hiện đã được khẳng định về chất lượng và được người tiêu dùng ưa chuộng, không chỉ có mặt trong các chợ, siêu thị ở nhiều tỉnh, thành phố lớn trong cả nước, rau cần Hoàng Lương đã được xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc. Đây là cơ sở quan trọng, góp phần khẳng định thương hiệu rau cần Hoàng Lương trên thị trường, đồng thời khuyến khích người dân mở rộng và nâng cao năng suất.

Tháng 1/2014, rau cần Hoàng Lương đã được Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể.

Thời gian tới, để thương hiệu rau cần Hoàng Lương vươn xa hơn nữa, địa phương cần đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng diện tích sản xuất theo quy trình VietGAP để rau cần Hoàng Lương thực sự là cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương.

© Tuyên bố bản quyền