Bà Rịa – Vũng Tàu phát triển đa dạng các đặc sản địa phương phong phú.
Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có nhiều làng nghề truyền thống cùng nhiều loại nông sản độc đáo được tỉnh ưu tiên xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu trong giai đoạn 2014 – 2020 nhằm nâng cao nhận thức cho các cá nhân, tổ chức về sở hữu trí tuệ và phát triển thương hiệu nông sản đặc sản của địa phương.
Các sản phẩm, hàng hóa đặc sản của tỉnh bao gồm 12 sản phẩm nhãn hiệu tập thể: Thanh long Bông Trang, bưởi da xanh Sông Xoài, quýt đường Xuyên Mộc, chả cá Phước Hải, bánh hỏi An Nhứt, mắm ruốc BR-VT, bánh canh Long Hương, bánh tét bắp Đất Đỏ, mắm bằm Hòa Long, rượu Hòa Long, cá chỉ vàng Vũng Tàu, sò ốc mỹ nghệ Vũng Tàu. Hai sản phẩm đang xây dựng nhãn hiệu chứng nhận là: Cá thu một nắng Côn Đảo, mực một nắng Côn Đảo. Bốn sản phẩm đang xây dựng chỉ dẫn địa lý gồm có: Muối Bà Rịa, hồ tiêu, mãng cầu ta và nhãn xuồng cơm vàng.
Bà Rịa – Vũng Tàu là tỉnh ven biển thuộc vùng Đông Nam Bộ Việt Nam. Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bà Rịa – Vũng Tàu kết nối thuận lợi với TP. Hồ Chí Minh và các địa phương khác bằng đường bộ, đường không, đường thủy và đường sắt.
Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có 7 đơn vị hành chính trên đất liền và một đơn vị hành chính hải đảo là huyện Côn Đảo. Địa hình tỉnh chia thành 4 vùng: bán đảo hải đảo, vùng đồi núi bán trung du và vùng thung lũng đồng bằng ven biển. Bán đảo Vũng Tàu dài và hẹp với diện tích 82,86 km², độ cao trung bình 3-4m so với mặt biển. Hải đảo bao gồm quần đảo Côn Lôn và đảo Long Sơn. Vùng đồi núi bán trung du nằm ở phía Bắc và Đông Bắc tỉnh với chủ yếu ở thị xã Phú Mỹ và các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc. Khu vực này có những đồng lúa nước, xen lẫn những vạt đôi thấp và rừng thưa với những bãi cát ven biển. Thềm lục địa rộng hơn 100.000 km².
Bà Rịa – Vũng Tàu, với diện tích hơn 8.600 ha trồng cây ăn trái, có nhiều loại nông sản nổi tiếng như nhãn xuồng cơm vàng, mãng cầu ta, bưởi da xanh Sông Xoài… Trong giai đoạn 2014-2017, bưởi da xanh Sông Xoài là một trong những đặc sản được chọn để xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu. Bưởi da xanh Sông Xoài được thị trường ưa chuộng vì mùi vị thơm ngon và hình thức bắt mắt. Gần đây, diện tích trồng bưởi da xanh đang ngày càng tăng.
Bà Rịa – Vũng Tàu nổi tiếng với các đặc sản đa dạng và phong phú.
Nhãn xuồng cơm vàng Bà Rịa – Vũng Tàu.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có 700 ha nhãn xuồng cơm vàng, trồng tập trung tại TP. Vũng Tàu và các huyện Tân Thành, Xuyên Mộc, Đất Đỏ. Sở Nông nghiệp và PTNT đang lập đề án quy hoạch 2.000 ha đất cát ven biển tại TP. Vũng Tàu, huyện Tân Thành và Xuyên Mộc để trồng nhãn xuồng cơm vàng vì đây là loại trái cây dễ trồng, phù hợp với thổ nhưỡng của Bà Rịa – Vũng Tàu và có giá trị kinh tế cao.
Nhãn xuồng cơm vàng Bà Rịa – Vũng Tàu có chất lượng tốt hơn các nơi khác nhờ vào kinh nghiệm chăm sóc của người trồng nhãn. Vùng đất cát này giàu kali và các nguyên tố vi lượng khác, tạo điều kiện để nhãn xuồng cơm vàng Bà Rịa – Vũng Tàu ngon, ngọt, có màu vàng đặc trưng, độ brix thịt trái (20,1-22,2%), tỉ lệ thịt trái (61,1-62,4%) cao hơn so với nhãn xuồng cơm vàng ở các vùng đất khác.
Những năm gần đây, Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam bộ đã phối hợp với Sở thực hiện đề tài “Xây dựng quy trình sản xuất nhãn xuồng cơm vàng theo tiêu chuẩn GAP”. Hiện đã có 6 ha nhãn xuồng cơm vàng của HTX Nông nghiệp Dịch vụ Nhân Tâm (huyện Xuyên Mộc) được chứng nhận VietGAP.
Mãng cầu ta.
Mãng cầu ta được xem là cây ăn trái đặc sản chủ lực của tỉnh với diện tích trồng khoảng 1.700 ha, sản lượng hàng năm đạt gần 10.000 tấn. Ngành nông nghiệp đang vận động bà con nông dân sản xuất mãng cầu theo hướng VietGAP để nâng cao giá trị trên thị trường.
Theo ủy ban nhân dân xã Láng Dài (huyện Đất Đỏ), năm 2014, xã đã xây dựng “Dự án trồng mãng cầu chuyên canh tại khu vực Bàu Tứ, xã Láng Dài” với diện tích khoảng 60 ha, trong đó năm 2014 triển khai 35 ha, năm 2015 triển khai 25 ha.
Hội Nông dân xã cũng đã triển khai dự án “Trồng mãng cầu ta theo hướng VietGAP”. 14 hộ tham gia đã thiết kế vườn thông thoáng, sử dụng phân hữu cơ và chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật, tăng chất lượng sản phẩm và nâng cao giá trị trái mãng cầu.
Từ thành công mô hình VietGAP, từ năm 2011 đến nay, một số địa phương như xã Tóc Tiên (huyện Tân Thành), hợp tác xã Nông nghiệp Nhân Tâm (huyện Xuyên Mộc), xã Phước Long Thọ (huyện Đất Đỏ) đã được Trung tâm tỉnh hỗ trợ kỹ thuật, vốn để triển khai các mô hình trồng mãng cầu theo hướng VietGAP. Người dân cho biết trái mãng cầu trồng theo hướng VietGAP có chất lượng tốt hơn, trái ngọt, cơm trắng, dày, năng suất đạt khoảng 7-8 tấn/ha, tăng 20% so với mãng cầu trồng theo cách truyền thống.
Mãng cầu ta Bà Rịa – Vũng Tàu đã được nhiều người biết đến sau khi đoạt giải nhất trong Hội thi Trái ngon, giống tốt miền Đông Nam Bộ năm 2008. Với vị ngọt thanh, mùi thơm đặc trưng, cơm dày và dai, loại trái cây này nhanh chóng chiếm ưu thế trên thị trường trái cây trong nước. Sau khi triển khai mô hình VietGAP, năng suất và chất lượng của mãng cầu ta từng bước được nâng cao và bắt đầu được tiêu thụ tại các siêu thị trong tỉnh, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương.
Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với Công ty sở hữu trí tuệ Invenco xây dựng thương hiệu nhãn hiệu tập thể cho mãng cầu Bà Rịa – Vũng Tàu nhằm kiểm soát chất lượng và nâng cao thương hiệu. Cuối năm 2012, nhãn hiệu mãng cầu của Bà Rịa – Vũng Tàu đã được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Việc xây dựng thành công thương hiệu sẽ giúp nhân dân trong vùng tập trung mở rộng diện tích, từng bước hình thành vùng chuyên canh. Mục tiêu đến năm 2020 toàn tỉnh có 50% diện tích trồng mãng cầu ta sẽ lấy chứng chỉ VietGAP và đến năm 2030 là 100% diện tích.
Muối Bà Rịa.
Tháng 7 năm 2013, “Muối Bà Rịa” được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Điểm đặc trưng làm nên thương hiệu nổi tiếng của hạt muối Bà Rịa – Vũng Tàu là được sử dụng để chế biến các thương hiệu nước mắm nổi tiếng ở huyện đảo Phú Quốc. Hiện nay, nước mắm Phú Quốc đã có mặt tại nhiều quốc gia. Sở Nông nghiệp và PTNT đã cấp quyền sử dụng nhãn hiệu “Muối Bà Rịa” cho 2 đơn vị: cơ sở sản xuất muối Nguyễn Văn Phúc và Doanh nghiệp Lê Bên. Từ khi có nhãn hiệu, diêm dân đã mở rộng diện tích và đầu tư sản xuất muối sạch theo tiêu chuẩn để cung cấp sản phẩm chất lượng cao cho thị trường.
Bưởi da xanh Sông Xoài.
Với diện tích hơn 8.600 ha trồng cây ăn trái, Bà Rịa – Vũng Tàu có nhiều loại nông sản nổi tiếng như nhãn xuồng cơm vàng, mãng cầu ta, bưởi da xanh Sông Xoài. Trong giai đoạn 2014 – 2017, bưởi da xanh Sông Xoài là đặc sản được chọn để xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu. Bưởi da xanh Sông Xoài được thị trường ưa chuộng vì mùi vị thơm ngon và hình thức bắt mắt.
Diện tích trồng bưởi da xanh ngày càng tăng. Tính đến nay, toàn hợp tác xã có 120 ha trồng bưởi da xanh của 90 hộ. Sản lượng thu hoạch bình quân đạt 20 tấn/ha/vụ. Đăng ký nhãn hiệu “Bưởi da xanh Sông Xoài” sẽ góp phần củng cố chất lượng và giá trị hàng hóa cho sản phẩm nông sản.
Dự kiến đến năm 2020, toàn huyện Tân Thành sẽ trồng mới và thâm canh 400 ha bưởi theo quy trình VietGAP để từng bước đưa bưởi da xanh ra thị trường nước ngoài.
Rượu Hòa Long.
Nghề nấu rượu tại xã Hòa Thành có từ lâu, vào những năm 60 của thế kỷ 20 đã tạo được tiếng vang trong tỉnh. Để duy trì và phát triển làng nghề truyền thống, ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã triển khai dự án “Xây dựng, phát triển và quảng bá nhãn hiệu tập thể Rượu Hòa Long” nhằm giúp đỡ và tôn vinh giá trị các đặc sản địa phương, giúp hợp tác xã Hòa Thành duy trì và phát triển thương hiệu Rượu Hòa Long.
Sau 3 năm thực hiện, tính đến tháng 2 năm 2018, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể Rượu Hòa Long cho HTX Hòa Thành với thời gian bảo hộ 10 năm.
Hợp tác xã Hòa Thành đã nâng cao giá trị sản phẩm của mình. Bên cạnh việc duy trì các sản phẩm rượu truyền thống, hợp tác xã còn phát triển thêm sản phẩm Rượu Hòa Long ngâm Đông trùng Hạ thảo, đã được các hệ thống siêu thị đặt hàng.
Hợp tác xã còn liên kết với các công ty du lịch tạo các tour du lịch văn hóa, đưa du khách tham quan, trải nghiệm làng nghề nấu rượu truyền thống và các nghề truyền thống khác như làm bánh tráng, mắm bằm, bún nóng kết hợp với di tích lịch sử địa đạo Long Phước.
Định hướng phát triển đặc sản, xây dựng và giữ vững thương hiệu.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ, nhằm xây dựng thương hiệu nông sản trên địa bàn tỉnh, thời gian qua Sở đã triển khai 5 đề án xin cấp văn bằng, nhãn hiệu tập thể cho một số loại đặc sản. Thời gian gần đây, bánh khọt Vũng Tàu và rượu Hòa Long đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng chứng nhận. Hiện có 9 loại nông sản đã được cấp văn bằng chứng nhận, bảo hộ nhãn hiệu, bao gồm: Hồ tiêu Bà Rịa – Vũng Tàu, nhãn xuồng cơm vàng, muối Bà Rịa, mãng cầu ta Bà Rịa – Vũng Tàu, bún Long Kiên, bánh tráng An Ngãi, hàu Long Sơn, rượu Hòa Long và bánh khọt Vũng Tàu. Hiện nay, Chi cục Phát triển nông thôn và Sở Khoa học và Công nghệ đang tiến hành xin cấp bảo hộ nhãn hiệu cho một số loại nông sản như: Bưởi da xanh Sông Xoài, cá và mực một nắng Côn Đảo, thanh long Xuyên Mộc, chả cá Phước Hải… Việc được bảo hộ nhãn hiệu đã giúp nâng cao giá trị và quảng bá các loại nông sản tới thị trường trong nước và quốc tế.
Theo Chi cục Phát triển nông thôn, xây dựng được thương hiệu nông sản đã khó, giữ vững còn khó hơn. Do đó, khi đã có thương hiệu trên thị trường, bà con nông dân cần duy trì quy trình sản xuất, bảo đảm chất lượng nông sản. Cần có các chính sách hỗ trợ nông dân trong liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã; hỗ trợ sản xuất theo chuỗi, từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, hạn chế sản xuất tự phát, quy mô nhỏ.
Hội đồng Nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế hộ trong nông nghiệp và thủy sản tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn 2018 – 2020.
Các nội dung hỗ trợ được phân thành 04 nhóm, gồm: Tổ chức lớp đào tạo, tập huấn nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; Hỗ trợ đầu vào cho sản xuất của nông hộ; Hỗ trợ xúc tiến thương mại, thông tin thị trường; Hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất hiệu quả và tiên tiến.
Trong đó, hỗ trợ 50% chi phí mua cây giống, con giống; thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, chi phí vận chuyển. Tổng kinh phí hỗ trợ cho giống và vật tư chính không quá 60 triệu đồng/01 dự án; hỗ trợ tối đa 50% chi phí mua máy móc, thiết bị, công cụ phục vụ sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản nông sản trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, sản xuất muối và ngành nghề nông thôn, nhưng tối đa không quá 100 triệu đồng/01 dự án; không quá 200 triệu đồng đối với mô hình khai thác, bảo quản sản phẩm trên biển hoặc mô hình ứng dụng công nghệ cao.
Ngoài ra, hỗ trợ 100% chi phí thuê và trang trí gian hàng; 100% chi phí đi lại, vận chuyển sản phẩm hàng hóa và ăn ở trong thời gian tham gia hội chợ, triển lãm. Tổng kinh phí hỗ trợ tối đa không quá 10 triệu đồng/01 hộ/01 lần tham gia; hỗ trợ tối đa 20 triệu đồng/nhãn hiệu khi nông hộ xây dựng và đăng ký chất lượng, nhãn hiệu hàng hóa; hỗ trợ 50% tổng kinh phí xây dựng website, nhưng tối đa không quá 20 triệu đồng/website.