Tiềm năng sản xuất và cung ứng các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Đắk Nông
Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo là chương trình đặc thù, hết sức cần thiết nhằm xây dựng và phát triển hệ thống phân phối sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, thu hẹp khoảng cách về phát triển thương mại của khu vực này với các vùng miền khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao thu nhập của người dân, đảm bảo an ninh quốc phòng tại khu vực này. Những năm qua, Đắk Nông ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện các loại hình thương mại gắn liền với quy mô, trình độ phát triển sản xuất, kinh doanh. Những hoạt động này đã góp phần nâng cao thu nhập người dân, phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Hình ảnh vườn hồ tiêu
Nằm ở khu vực cửa ngõ phía Tây Nam của vùng Tây Nguyên, với lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng, tỉnh Đắk Nông rất thuận lợi để trở thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, ứng dụng khoa học – công nghệ chất lượng cao, bền vững. Cùng với chiến lược phát triển phù hợp, hoạt động sản xuất nông nghiệp của địa phương đã và đang có những đóng góp đáng kể vào thành tựu phát triển kinh tế – xã hội chung của địa phương. Hiện nay, sản xuất nông nghiệp chiếm khoảng 40% tỷ trọng trong nền kinh tế của tỉnh. Sản phẩm nông nghiệp ngày càng đa dạng, phong phú, sản lượng hàng hóa xuất khẩu ngày càng tăng. Các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Đắk Nông hiện nay như cà phê, cao su, hồ tiêu, điều, lúa, ngô, xoài, bơ, sầu riêng,… từng bước khẳng định thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường trong nước và quốc tế.
Tỉnh Đắk Nông tập trung xây dựng mô hình phát triển các mặt hàng tiềm năng lợi thế. Các cơ quan, ban ngành chủ động hướng dẫn, tạo điều kiện hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thiết lập, xây dựng mô hình thí điểm mua bán hàng hóa phục vụ sản xuất và tiêu dùng tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức sản xuất, kinh doanh xây dựng điểm bán các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực, tiềm năng, lợi thế, đặc trưng, đặc sản của địa phương nhằm giới thiệu, quảng bá kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, đặc sản vùng miền trên địa bàn tỉnh và của các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Theo số liệu thống kê của UBND tỉnh Đắk Nông, tăng trưởng khu vực nông nghiệp tỉnh Đắk Nông những năm qua luôn ở mức khá, bình quân đạt 4,6%/năm, chiếm tỷ trọng 37% cơ cấu nền kinh tế. Địa phương đã định hình, phát triển được 23 sản phẩm chủ lực; công nhận 52 sản phẩm OCOP, 4 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích khoảng 2.400 ha; có trên 26 nghìn ha cây trồng các loại được tổ chức sản xuất có chứng nhận.
Để đạt được mục tiêu đưa Đắk Nông trở thành tỉnh trung bình khá vào năm 2025 và tỉnh phát triển khá vào năm 2030 của vùng Tây Nguyên, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023. Tỉnh quyết tâm thực hiện có hiệu quả các tiểu dự án thành phần về giảm nghèo.
Thông tin chi tiết xem file đính kèm.