Thúc đẩy xuất khẩu gạo trong dịp cuối năm 2016
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có ý kiến chỉ đạo giao Bộ Công Thương khẩn trương xây dựng chiến lược xuất khẩu gạo của Việt Nam và đánh giá việc thực hiện Nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo.
Tính đến hết tháng 8, ngoại trừ Indonesia, các thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đều sụt giảm về nhu cầu. Cụ thể, thị trường Trung Quốc giảm 21,6%, Philippines giảm 66,4%, Malaysia giảm 54,8%, Singapore giảm 36,3% và Hoa Kỳ giảm 37,6%.
Theo các chuyên gia, xuất khẩu gạo của Việt Nam 9 tháng qua ước đạt 3,76 triệu tấn, với giá trị 1,69 tỉ USD. Nếu không có đột phá về thị trường, dự tính xuất khẩu gạo của Việt Nam trong cả năm 2016 chỉ đạt khoảng 5,7 triệu tấn theo đường chính ngạch. Đây cũng là lần đầu tiên trong 8 năm qua kể từ năm 2009, xuất khẩu gạo của Việt Nam xuống dưới mức 6 triệu tấn.
Trước thực trạng nhiều loại nông sản sụt giảm về khối lượng và giá trị, và lần đầu tiên ngành nông nghiệp tăng trưởng âm trong 6 tháng đầu năm, Bộ NN&PTNT thay vì giữ mục tiêu xuất khẩu 6,5 triệu tấn gạo trong năm 2016 đã hạ mục tiêu trong cả năm nay xuống còn 5,7 triệu tấn. Đây là mức thấp nhất trong vòng 8 năm qua và thực tế đang diễn ra cho thấy, ngay cả khi đã hạ mục tiêu thì việc hoàn thành xuất khẩu 5,7 triệu tấn gạo trong năm nay cũng không dễ hoàn thành.
Ngoài những bất lợi của biến đổi khí hậu như hiện tượng Elnino kéo dài nhất trong lịch sử, mưa lũ những tháng đầu năm, ngành lúa gạo còn phải cạnh tranh gay gắt về thị trường xuất khẩu từ việc xả gạo tồn kho của Thái Lan, cùng với nhu cầu nhập khẩu gạo giảm mạnh từ những thị trường tập trung như Philippines, Malaysia.
Một chuyên gia cho rằng, phải cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, không nên để một mặt hàng quan trọng như gạo liên quan đến hàng chục triệu người sản xuất mà lại phụ thuộc vào một hoặc một vài thị trường nào đó.