Định hướng phát triển bền vững sản phẩm hồng váng của huyện Văn Làng trong thời gian tới.

Trong những năm gần đây, cây hồng vành khuyên đã trở thành cây trồng xóa đói giảm nghèo cho bà con dân tộc huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn. Để cây trồng này tiếp tục phát huy hiệu quả và phát triển bền vững, một số định hướng đưa ra là cần phải cải tạo, ươm giống hồng vành khuyên chất lượng cao; phát triển trồng hồng vành khuyên theo chuỗi giá trị; phát triển nhãn hiệu tập thể cho quả hồng vành khuyên Văn Lãng.

Định hướng phát triển bền vững sản phẩm hồng váng của huyện Văn Làng trong thời gian tới.

Văn Lãng là một huyện miền núi của tỉnh Lạng Sơn, nơi đây chủ yếu là người dân tộc Nùng và Tày sinh sống. Ngoài nghề trồng lúa, hoa màu, hồng vành khuyên là cây trồng mang lại thu nhập chính cho người dân trong những năm gần đây. Tại đây, hồng được trồng chủ yếu tại các xã Tân Mỹ, Hoàng Việt, Hoàng Văn Thụ, Hồng Thái.

Hồng vành khuyên – cây trồng xóa đói, giảm nghèo huyện Văn Lãng.

Nhờ đem lại hiệu quả kinh tế cao, diện tích cây trồng hồng tăng liên tục trong những năm gần đây. Diện tích hồng của huyện Văng Lãng chỉ đạt 650 ha năm 2015, năm 2019 tăng lên hơn 850 ha, và đến năm 2020 tăng lên 892,5 ha, trong đó hồng vành khuyên được trồng nhiều nhất tại các xã: Tân Mỹ 356 ha; Hoàng Việt 132 ha; Hoàng Văn Thụ 66,7 ha.

Năm nay, năng suất hồng ước đạt 3,3 tấn/ha (tăng khoảng 1,5 tấn/ha so với vụ hồng năm 2019), với sản lượng ước đạt gần 4.000 tấn. Hồng vành khuyên được các thương lái đến tận vườn để thu mua, sau đó phân phối tại các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Bắc Giang, Quảng Ninh. Giá bán hồng dao động từ 14.000 đến 18.000 đồng/kg, thấp hơn 8.000 đến 10.000 đồng/kg so với năm 2019, tuy nhiên, nhờ năng suất tăng cao, người trồng hồng vẫn có thu nhập cao hơn năm trước.

Có được kết quả trên là do việc sản xuất hồng vành khuyên ổn định, đạt năng suất, sản lượng cao, các cơ quan chuyên môn của huyện Văn Lãng đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc. Ngoài ra, huyện cũng tích cực quảng bá sản phẩm hồng, đẩy mạnh tiêu thụ thông qua các phương tiện truyền thông, các Hội chợ, các kênh bán lẻ.

Định hướng phát triển bền vững sản phẩm hồng vành khuyên của huyện Văn Lãng thời gian tới.

Trong thời gian tới, để cây hồng vành khuyên tiếp tục phát huy hiệu quả và phát triển bền vững, một số định hướng đưa ra là cần phải cải tạo, ươm giống hồng vành khuyên chất lượng cao; phát triển trồng hồng vành khuyên theo chuỗi giá trị; phát triển nhãn hiệu tập thể cho quả hồng vành khuyên Văn Lãng.

Đối với việc cải tạo, ươm giống hồng chất lượng cao, huyện Văn Lãng đã tổ chức nghiên cứu, bình tuyển những cây đạt chuẩn các yếu tố về sinh trưởng, năng suất, sản lượng cũng như chỉ tiêu về lý, hóa học đối với cây làm nguồn nguyên liệu để nhân giống. Hàng năm, các cơ quan chuyên môn huyện tổ chức 2 – 3 lớp tập huấn về kỹ thuật ươm cây giống. Hiện nay, hệ thống sản xuất cây giống đáp ứng tiêu chuẩn về quản lý giống theo chuỗi.

Đối với việc phát triển trồng hồng theo chuỗi giá trị, Văn Lãng tiếp tục phối hợp với UBND các xã, thị trấn mở rộng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP. Đẩy mạnh phòng, chống dịch bệnh, quảng bá, xúc tiến thương mại, khuyến khích phát triển các hợp tác xã để mở rộng thị trường tiêu thụ; thu hút doanh nghiệp đến nghiên cứu, chế biến, đa dạng sản phẩm đầu ra cho quả hồng.

Đối với việc phát triển nhãn hiệu tập thể cho hồng vành khuyên Văn Lãng, từ tháng 6/2018 đến tháng 3/2020, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Lãng đã xây dựng dự án “Quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể Văn Lãng cho sản phẩm hồng vành khuyên”. Huyện đã phối hợp tổ chức 26 hội nghị tập huấn giới thiệu và hướng dẫn sử dụng nhãn hiệu tập thể “Văn Lãng”, quy trình trồng, chăm sóc hồng vành khuyên cho hơn 3.100 lượt người. Vận động các cá nhân, hợp tác xã xây dựng 6 mô hình sản xuất hồng vành khuyên theo tiêu chuẩn VietGAP, 1 mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ với tổng diện tích gần 263 ha. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã xây dựng hệ thống nhận diện sản phẩm hồng vành khuyên Văn Lãng với tem, hộp, túi đựng. Cụ thể, phát hành 3.000 tờ rơi giới thiệu về hồng vành khuyên, in 40.000 tem truy xuất nguồn gốc; thiết kế 4.700 hộp, 400 kg túi đựng cung cấp cho các kênh bán lẻ.

Với việc người dân chủ động sản xuất hồng vành khuyên theo tiêu chuẩn VietGAP, cùng nỗ lực của chính quyền địa phương trong xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hồng vành khuyên đang từng bước giúp nông dân làm giàu từ loại cây ăn quả đặc sản này.

© Tuyên bố bản quyền