Thành phố Chí Linh, Hải Dương đang định hướng mở rộng vùng trồng na theo tiêu chuẩn VietGAP trên toàn diện tích.

Thành phố Chí Linh là vùng trồng na tập trung và lớn nhất của tỉnh Hải Dương. Những năm gần đây, nhờ áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào trồng và chăm sóc cây na đã khiến năng suất, chất lượng na của Chí Linh tăng lên đáng kể, nhờ đó mà thu nhập của người dân tăng lên, nhiều diện tích na cho lợi nhuận từ 300-400 triệu đồng/năm.

Thành phố Chí Linh có diện tích tự nhiên trên 28.000 ha, trong đó có trên 70% diện tích đất nông nghiệp. Số hộ dân sống bằng nguồn thu nhập từ nông nghiệp vẫn chiếm một tỷ lệ khá cao, nhất là các xã, phường thuộc khu vực miền núi. Phần lớn diện tích vườn, đồi ở Chí Linh có độ dốc thấp, thoải, và cơ bản được che phủ xanh bằng tán cây ăn quả, có tính biệt lập cao, cách xa khu dân cư, đây là điều đặc biệt thuận lợi cho trồng na với diện tích và quy mô lớn. Song song với phát triển công nghiệp và dịch vụ, thành phố Chí Linh cũng ưu tiên phát triển nông nghiệp theo hướng sạch, theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả cho sản phẩm, trong đó ưu tiên phát triển cây na dai nhằm tạo thành vùng hàng hóa chất lượng, kết hợp làm du lịch vườn với phát triển kinh tế vùng hàng hóa tập trung. Những năm gần đây, lợi thế mà loại cây ăn quả này có được chính là nhờ vào điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, đất đai của Chí Linh là loại đất màu tươi xốp, tầng canh tác từ 0,5 – 1m, đặc biệt bà con nơi đây đã áp dụng tiến bộ trong canh tác để nâng cao năng suất, chất lượng quả và kéo dài thời gian thu hoạch như thụ phấn bổ sung, định quả, tăng tỷ lệ quả và có chất lượng.

Thông thường khi thời tiết thuận lợi, năng suất na bình quân trên địa bàn thành phố Chí Linh đạt 10 đến 12 tấn/ha, nếu được thâm canh chăm sóc tốt, năng suất có thể đạt từ 18-19 tấn/ha, sản lượng toàn thành phố ước đạt từ 7.000 đến 8.000 tấn mỗi năm.

Theo thống kê của Phòng kinh tế thành phố Chí Linh, đến hết tháng 7/2019, Chí Linh có tổng diện tích trồng na là hơn 750 ha, tập trung chủ yếu tại các phường Hoàng Tiến, Bến Tắm, Bắc An, Hoàng Hoa Thám, còn lại trồng rải rác tại các phường Lê Lợi, Cộng Hòa, Chí Minh, Văn Đức, Thái Học, trong đó, cây na có độ tuổi từ 5 – 6 tuổi trở lên là khoảng 300 ha đến 400 ha.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, vụ na năm 2019 của Chí Linh được mùa, được giá, với sản lượng ước đạt 15.000 tấn, tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2018, giá bán từ 50.000 – 60.000 đồng/kg, tương đương cùng kỳ năm trước. Thương lái đến tận vườn mua na với giá 35.000 đồng/kg. Na chủ yếu tiêu thụ tại thị trường trong tỉnh và một số tỉnh lân cận như Quảng Ninh, Hải Phòng và Hà Nội. Hiện người dân nơi đây đang tập trung chăm bón, cắt tỉa cành để chuẩn bị cho vụ na tới.

Thành phố Chí Linh, Hải Dương đang định hướng mở rộng vùng trồng na theo tiêu chuẩn VietGAP trên toàn diện tích.

Na Chí Linh trồng theo quy trình VietGap có chất lượng cao

Chí Linh hướng tới mở rộng vùng trồng na theo hướng VietGAP trên toàn diện tích.

Để thương hiệu “Na Chí Linh” ngày càng được nâng tầm, thành phố Chí Linh đã quan tâm chỉ đạo sản xuất gắn với thị trường, tăng cường tập huấn cho nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quá trình sản xuất để nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh và phát huy thế mạnh cho loại cây ăn quả này, với mục tiêu sẽ mở rộng diện tích trồng na theo hướng VietGAP trên toàn thành phố.

Từ năm 2016 đến nay, các hộ dân đã áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tạo được vùng sản xuất na an toàn, bền vững. Kết quả, tính đến hết tháng 7/2019, thành phố Chí Linh đã triển khai xây dựng được 140 ha trồng na theo quy trình VietGap tại các xã, phường Bến Tắm, Hoàng Tiến, Hoàng Hoa Thám. Để được chứng nhận đạt chuẩn VietGAP, Công ty TNHH Công nghệ NHO NHO đã giám sát chặt chẽ quy trình chăm sóc na của các hộ dân. Trong quá trình sản xuất, các hộ dân phải chấp hành nghiêm quy định về an toàn sản xuất, môi trường, lao động và bảo đảm các điều kiện về truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Quả na được trồng theo quy trình VietGap có chất lượng tốt, an toàn thực phẩm và có giá bán cao hơn na thường từ 15 – 20% nên được nhiều khách hàng ưa chuộng. Không chỉ các siêu thị, cửa hàng, các thương lái cũng chọn mua sản phẩm này bởi có mẫu mã đẹp, không bị sâu và tiêu thụ tốt. Việc áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap thời gian qua được người dân đồng lòng hưởng ứng, tạo ra vùng sản xuất na an toàn, bền vững. Na Chí Linh luôn được khách hàng tin dùng và tiêu thụ tốt tại các đô thị lớn, nơi người dân có yêu cầu khắt khe về hình thức và chất lượng nông sản.

Bên cạnh việc chú trọng nâng cao chất lượng nông sản theo hướng VietGAP, để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông sản địa phương, những năm gần đây, ngành nông nghiệp tỉnh Hải Dương và thành phố Chí Linh đã đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản nói chung, trong đó có na.

Thành phố chỉ đạo các xã, phường tích cực đưa sản phẩm tham gia các hội nghị, hội chợ để quảng bá, mời các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh về địa phương tìm hiểu sản xuất, liên kết tiêu thụ; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp về thu mua sản phẩm trên địa bàn. Qua các hội chợ xúc tiến thương mại, sản phẩm tiếp cận được với thị trường cao cấp, tạo mối liên kết cùng có lợi giữa doanh nghiệp, nông dân và người tiêu dùng.

Tuy vậy, theo Phòng Kinh tế thành phố Chí Linh, việc tiêu thụ na vẫn còn một số khó khăn do đặc tính na là cây ăn quả chín tập trung trong một thời gian ngắn, người dân chưa có kỹ thuật tối ưu để bảo quản na sau thu hoạch khiến chất lượng na trong quá trình đóng gói và vận chuyển đến nơi tiêu thụ bị ảnh hưởng.

Mặt khác, chưa có doanh nghiệp lớn đứng ra bao tiêu sản phẩm, thị trường xuất khẩu đối với loại sản phẩm này chủ yếu theo đường tiểu ngạch cũng là những nguyên nhân làm hạn chế phần nào việc mở rộng thị trường xuất khẩu cho na.

Có thể thấy, việc áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP thời gian qua đã được người dân hưởng ứng, tạo ra vùng sản xuất na an toàn, bền vững. Tuy nhiên, hiện phần lớn việc tiêu thụ na do các thương lái về thu mua tại vườn, do đó, giá cả chưa ổn định. Để nâng cao giá trị tiêu thụ, rất cần định hướng lâu dài, cụ thể của thành phố Chí Linh, gắn với chủ trương xây dựng đề án mỗi xã một sản phẩm của tỉnh Hải Dương giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến năm 2030.

Theo Phòng kinh tế thành phố Chí Linh, định hướng thời gian tới, đối với cây na sẽ không tăng diện tích, nhưng sẽ định hướng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó, riêng năm 2019, trên địa bàn thành phố sẽ có thêm 60 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Đối với những diện tích trồng na không được nhà nước hỗ trợ nữa thì người dân vẫn duy trì sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Để từng bước nâng cao thương hiệu na Chí Linh, thành phố sẽ liên kết với các siêu thị, các vùng lân cận với Hải Dương để đẩy mạnh tiêu thụ, thành phố sẽ có những chính sách ưu tiên, ưu đãi cho những cơ sở về thu mua sản phẩm nông nghiệp, trong đó có cây na, để tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm.

Với chủ trương không mở rộng diện tích trồng, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm na quả, sản xuất thành vùng hàng hóa tập trung, an toàn, việc cải tạo vườn na và sản xuất na theo VietGAP trên địa bàn Chí Linh đang là một yêu cầu cấp thiết đối với bà con nông dân thành phố. Với nhãn hiệu tập thể của na Chí Linh đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp, cùng với đó, việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá, liên kết tiêu thụ trong thời gian tới là điều kiện thuận lợi để thành phố Chí Linh có thể mở rộng thị trường tiêu thụ trên cả nước và vươn ra thị trường xuất khẩu.

© Tuyên bố bản quyền