Nhiều giải pháp phát triển mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao tại Bạc Liêu.
Tính đến hết tháng 9/2018, tỉnh Bạc Liêu có 10 công ty, doanh nghiệp, đơn vị ứng dụng công nghệ cao nuôi tôm siêu thâm canh với tổng diện tích hơn 810ha, năng suất bình quân đạt hơn 47 tấn/ha. Điển hình là Công ty Hải Nguyên, Tập đoàn Việt Úc, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trúc Anh. Hiện tỉnh đang thực hiện nhiều giải pháp để mở rộng và phát triển mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, trong đó, chú trọng hai giải pháp chính như: Thành lập liên minh hợp tác xã nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao và Tái cơ cấu lại mô hình tăng trưởng ngành tôm.
Bạc Liêu được đánh giá là một trong sáu tỉnh khu vực ĐBSCL có thế mạnh về nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi tôm nói riêng của cả nước. Sản lượng tôm hằng năm khoảng 105 nghìn tấn, đứng thứ 2 cả nước, mang lại giá trị gần 11,5 nghìn tỷ đồng với nhiều mô hình nuôi tôm công nghệ cao hàng đầu quốc gia và có thứ hạng cao trong khu vực Đông Nam Á.
Bạc Liêu mở rộng mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao.
Toàn tỉnh Bạc Liêu hiện có 138.934ha nuôi trồng thủy sản, trong đó diện tích nuôi tôm sú, tôm thẻ siêu thâm canh, thâm canh và bán thâm canh 21.182ha, quảng canh cải tiến chuyên tôm 500ha, nuôi thủy sản trên đất tôm – lúa 33.747ha, quảng canh cải tiến kết hợp 79.140ha. Tổng sản lượng thủy sản toàn tỉnh là 210.779 tấn, riêng tôm 116.365 tấn, đạt 100,47% kế hoạch.
Nhiều mô hình nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh cho lợi nhuận bình quân 210 triệu đồng/ha/năm; mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao lợi nhuận bình quân 600 triệu đồng/ha/năm; mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh lợi nhuận bình quân 175 triệu đồng/ha.
Trong nuôi trồng thủy sản, tỉnh xác định đối tượng nuôi chủ lực là tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Theo đó, quy hoạch vùng nuôi thâm canh, bán thâm canh; vùng nuôi sinh thái; vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao và xác định phương thức nuôi. Ứng dụng rộng rãi quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt, nuôi trồng thủy sản có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, ASC, Organic; đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa – hiện đại hóa nghề nuôi.
Năm 2017, toàn tỉnh có 6 công ty, doanh nghiệp nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 796ha, sản lượng hơn 3.800 tấn; năng suất bình quân hơn 25 tấn/ha. Các công ty, doanh nghiệp này đã áp dụng công nghệ nhà màng vào nuôi tôm của Israel, công nghệ cho tôm ăn tự động của Úc, công nghệ sinh học xác định tình trạng sức khỏe tôm nuôi. Thực hiện hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm thủy sản, truy xuất nguồn gốc trong nuôi trồng thủy sản.
Trong 9 tháng của năm 2018, toàn tỉnh đã tăng lên 10 công ty, doanh nghiệp, đơn vị ứng dụng công nghệ cao nuôi tôm siêu thâm canh với tổng diện tích hơn 810ha, năng suất bình quân đạt hơn 47 tấn/ha. Điển hình là Công ty Hải Nguyên, Tập đoàn Việt Úc, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trúc Anh.
Từ thành công nuôi tôm siêu thâm canh, các công ty, doanh nghiệp cũng đã chia sẻ kinh nghiệm, quy trình nuôi tôm cho nông dân. Hiện nay, toàn tỉnh có 287 hộ nông dân nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao với diện tích hơn 814ha, năng suất bình quân gần 48 tấn/ha.
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại Bạc Liêu.
Không chỉ có diện tích nuôi tôm lớn, Bạc Liêu còn là trung tâm sản xuất tôm giống quy mô lớn nhất khu vực ĐBSCL. Toàn tỉnh có hơn 190 cơ sở sản xuất tôm giống, sản xuất từ 21 – 29,5 tỷ con giống/năm. Lượng tôm giống cơ bản giải quyết nhu cầu nuôi thủy sản trong tỉnh và xuất đi các tỉnh khu vực ĐBSCL.
Liên minh hợp tác xã nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao – Hướng phát triển mới của Bạc Liêu.
Tại Bạc Liêu, hiện có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã đầu tư xây dựng nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao; bên cạnh đó có không ít hộ nông dân cũng đầu tư nuôi tôm theo mô hình này và cho năng suất khá cao. Tuy nhiên, hầu hết sản phẩm họ làm ra thì vẫn tự tìm đầu ra để tiêu thụ. Vì vậy việc bị tư thương, cơ sở thu mua ép giá là không tránh khỏi. Do đó, tỉnh xác định, thành lập HTX nuôi tôm ứng dụng CNC nhằm liên kết các hộ nuôi tôm theo mô hình này tạo ra nguồn sản phẩm lớn để xuất khẩu với những đơn đặt hàng lớn là vấn đề cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Lãnh đạo tỉnh tham quan mô hình nuôi tôm công nghệ cao của thành viên Hợp tác xã Công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu.
Mới đây, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị công bố thành lập HTX tôm CNC đầu tiên trong tỉnh tại xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình. HTX thành lập dựa trên nền tảng của các hộ nuôi tôm CNC hợp nhất lại với 21 thành viên, diện tích sản xuất 120ha, vốn đầu tư khoảng 25 tỷ đồng. HTX sẽ cung ứng các dịch vụ đầu vào như hỗ trợ kỹ thuật, kiểm tra các chỉ số nước trong ao nuôi, cung ứng tôm giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản, vật tư, trang thiết bị, dụng cụ nuôi tôm; tiêu thụ tôm thương phẩm cho thành viên. Ngoài ra, HTX còn tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên nâng cao tay nghề, kỹ thuật, tài chính và khả năng quản lý, tương trợ lẫn nhau trong nuôi tôm CNC nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho thành viên HTX.
HTX ứng dụng CNC phát triển tôm Bạc Liêu của tỉnh hiện là đơn vị dẫn đầu cả nước về sản xuất tôm CNC. Đây cũng là nơi tập hợp những công nghệ, quy trình sản xuất hiện đại nhất cho ngành tôm cả nước và hiện thực hóa mục tiêu 10 tỷ USD về giá trị xuất khẩu cho ngành tôm đến năm 2025.
Ngoài HTX ứng dụng CNC phát triển tôm Bạc Liêu, một số HTX nuôi tôm ở TX. Giá Rai, huyện Đông Hải được các doanh nghiệp trong tỉnh bao tiêu sản phẩm. Ngành chức năng và các địa phương đã và đang xúc tiến đẩy mạnh liên kết để các doanh nghiệp hợp đồng với các tổ hợp tác, HTX bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Điển hình như HTX 30/4 đang nỗ lực đưa mối liên kết chuỗi đi vào thực chất, tạo thêm lợi nhuận và niềm tin cho các thành viên. HTX tập trung hướng đến sự thống nhất trong cung ứng đầu vào lẫn khâu tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, HTX 30/4 đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ có hiệu quả cho các thành viên như thương thảo với đối tác cung ứng con giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản và đối tác tiêu thụ sản phẩm. Mục đích là đảm bảo cho các thành viên mua được sản phẩm chất lượng, giá thành hạ và chất lượng tôm nuôi đồng đều, bán với giá ổn định hơn.
Các địa phương trong tỉnh cũng nỗ lực xúc tiến ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản cho các THT, HTX và bà con nông dân. Điển hình là TX. Bạc Liêu, huyện Hòa Bình rất quan tâm vấn đề liên kết thực hiện chuỗi giá trị.
Theo Liên minh HTX tỉnh Bạc Liêu, tới đây, Liên minh HTX sẽ hỗ trợ để thành lập từ 3 – 5 HTX CNC ở các địa phương nhằm từng bước liên kết các hộ nông dân ứng dụng nuôi tôm CNC. Qua đó tập hợp nguồn nguyên liệu chất lượng, số lượng lớn, tiến tới xây dựng chuỗi giá trị bền vững cho ngành tôm của tỉnh từ khâu nuôi, chế biến đến xuất khẩu.
Bạc Liêu quyết tâm thực hiện tái cơ cấu ngành thủy sản từ nay đến năm 2020.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu mới đây đã ban hành Quyết định số 1415/QĐ-UBND về kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2018 – 2020. Mục tiêu của tỉnh đề ra đến năm 2020, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 290.400 tấn, trong đó, tôm chiếm 186.800 tấn, cá và các loại thủy sản khác 103.600 tấn.
Để hoàn thành mục tiêu này, từ nay đến năm 2020, tỉnh Bạc Liêu sẽ thực hiện nhiều giải pháp và tái cơ cấu lại mô hình tăng trưởng.
Theo đó, tỉnh sẽ phát triển các đối tượng nuôi chủ lực gồm tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua biển, nhuyễn thể. Mở rộng diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh và bán thâm canh ở vùng phía Nam Quốc lộ 1A; phát triển diện tích mô hình tôm – lúa, tôm – rừng, rừng – tôm khi hội đủ các điều kiện cho phép. Gắn với đó là áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật, các biện pháp quản lý tiên tiến vào các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung để nâng cao năng suất, sản lượng, kích cỡ và đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời phát triển bền vững mô hình nuôi tôm sạch tại các vùng sinh thái đặc trưng.
Bên cạnh đó, nhân rộng và khuyến khích phát triển mô hình sản xuất chuỗi – một trong những đột phá quan trọng trong tái cơ cấu lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Thực hiện thành công mô hình liên kết này sẽ góp phần khai thông vốn đầu tư từ các ngân hàng, khuyến khích doanh nghiệp liên kết sản xuất với nông dân, góp phần xây dựng chuỗi sản phẩm tôm đảm bảo an toàn dịch bệnh. Từ đó có thể xuất khẩu tôm đông lạnh nguyên con sang Úc và giúp các nước nhập khẩu thủy sản dễ dàng truy xuất nguồn gốc con tôm.
Cùng với phát triển mô hình liên kết sản xuất, Bạc Liêu sẽ tổ chức lại sản xuất các vùng nuôi trồng thủy sản theo hướng tập trung, sản xuất theo chuỗi giá trị ngành tôm gắn với xây dựng cánh đồng lớn. Chú trọng phát triển hợp tác xã kiểu mới, tạo mối liên kết chặt chẽ, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người nuôi với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản. Đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa – hiện đại hóa nghề nuôi, đa dạng hóa đối tượng nuôi và phương pháp nuôi.
Khuyến khích áp dụng thực hành nuôi trồng thủy sản tốt, nuôi trồng thủy sản có chứng nhận, áp dụng công nghệ cao. Qua đó từng bước đưa ngành nuôi tôm của tỉnh đi theo hướng thâm canh, siêu thâm canh; thực hiện quản lý vùng nuôi thông qua việc cấp mã số nhận diện, tạo ra các vùng nuôi có sản lượng hàng hóa lớn, có chất lượng cao và ổn định.
Chỉ đạo phát triển các mô hình sản xuất (theo nhóm hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã, hiệp hội nuôi trồng thủy sản) để vừa đảm bảo phát triển theo quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu có sản lượng hàng hóa lớn, vừa có điều kiện áp dụng các chương trình nuôi tiên tiến và bảo vệ môi trường vùng nuôi. Nhân rộng mô hình đồng quản lý trong nuôi trồng thủy sản gắn với xây dựng và bảo vệ các thương hiệu sản phẩm thủy sản chủ lực của tỉnh. Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động dịch vụ hậu cần thủy sản theo hướng chia sẻ lợi ích và rủi ro với người nuôi thủy sản. Đồng thời thực hiện tốt công tác dự báo thông tin thị trường, giá cả; giảm bớt các tầng nấc trung gian trong thu mua nguyên liệu thủy sản.
Trước đó, tại Đại hội lần thứ XV, Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu đã xác định lấy con tôm làm chủ lực để phát triển kinh tế thủy sản. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đồng ý cho phép tỉnh Bạc Liêu Quy hoạch “Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu” và định hướng “Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước”.
Theo quy hoạch, Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu (trọng tâm là tôm nước lợ) có tổng diện tích 418,91 ha với tổng số vốn đầu tư lên đến 3.217,75 tỷ đồng (trong đó Nhà nước đầu tư 564,61 tỷ) tại xã Hiệp Thành, TP. Bạc Liêu. Chức năng thực hiện các hoạt động ứng dụng các thành tựu nghiên cứu và phát triển công nghệ cao vào lĩnh vực thủy sản; phòng chống dịch bệnh; bảo quản, chế biến thủy sản; phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ; phát triển các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Theo đó, để từng bước thực hiện đạt các mục tiêu đã đề ra, Bạc Liêu đã đưa ra phân kỳ đầu tư cụ thể: Năm 2018, tỉnh sẽ tập trung thực hiện và hoàn thành một số nội dung cơ bản như Khởi công xây dựng khu quản lý, điều hành của khu Trung tâm; Xây dựng đường điện, trạm cấp nước sạch, nạo vét kênh, xây dựng cống cấp, thoát nước, hồ cảnh quan; Mở hội nghị xúc tiến thương mại mời gọi đầu tư và xét tuyển nhà đầu tư. Năm 2019 sẽ phấn đấu hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật; Triển khai các nghiên cứu, thực nghiệm, trình diễn; Cấp phép đầu tư và triển khai xây dựng cho các số doanh nghiệp đầu tư và đến năm 2020 sẽ hoàn thiện đầu tư cơ sở hạ tầng toàn Khu; Triển khai các hoạt động về ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực nông nghiệp công nghệ cao.
Và trong từng giai đoạn cụ thể tỉnh sẽ xác định một số nội dung ưu tiên kêu gọi đầu tư vào khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm đầu tiên của tỉnh: Năm 2018 (giai đoạn 1) sẽ chọn lựa ưu tiên cho các dự án đầu tư nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao và sản xuất sản phẩm xử lý cải tạo môi trường trong nuôi thủy sản.
Bên cạnh đó, tỉnh Bạc Liêu cam kết hỗ trợ tối đa nguồn lực cho tất cả thành phần kinh tế đã và đang có ý định thúc đẩy thực hiện ứng dụng công nghệ cao trong tất cả các lĩnh vực sản xuất, chế biến và phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ trên địa bàn tỉnh.