Lào Cai nỗ lực khai thác tiềm năng và thế mạnh từ cây bồ đề.
Trước đây, cây bồ đề chủ yếu được người dân Lào Cai khai thác trong rừng để lấy gỗ. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, cây bồ đề đã được khai thác lấy nhựa (hay còn gọi là cánh kiến trắng) để xuất khẩu, khiến cho loại cây này trở thành một trong những cây trồng quý được người dân bảo tồn và nhân rộng.
Toàn tỉnh Lào Cai hiện có khoảng 4.000 ha rừng trồng cây bồ đề. Hàng năm từ tháng 6 đến tháng 8, người dân tộc Dao tại hai xã Nậm Tha và Chiềng Ken của huyện Văn Bàn lại vào rừng thu hoạch nhựa cây bồ đề.
Nhựa cây bồ đề khô được sử dụng trong y học, mỹ phẩm. Giá 1 kg nhựa bồ đề hiện nay tại Lào Cai dao động từ 300.000 đến 350.000 đồng, ước tính 1 ha cây bồ đề mang lại nguồn thu khoảng 90 triệu đồng mỗi năm (đối với loại rừng bồ đề khoảng 7 – 10 năm tuổi), chưa kể việc bán gỗ.
Sản phẩm cánh kiến trắng hiện đang được công ty trên địa bàn thu mua để xuất khẩu sang Pháp, Myanmar, phục vụ ngành sản xuất nước hoa và y học.
Để có thể xuất khẩu, nhựa bồ đề thu hoạch phải đạt loại 1, đảm bảo hình dáng to dài, màu sắc trắng và được sàng lọc để loại bỏ tạp chất. Tuy nhiên, chất lượng nhựa cây bồ đề khai thác tại Lào Cai hiện nay tốt nhưng còn lẫn nhiều tạp chất, do quá trình khai thác chưa đúng quy trình và chủ yếu là khai thác thủ công.
Nhựa bồ đề được sàng, tuyển sau khi khai thác.
Ngoài việc trồng cây bồ đề để khai thác nhựa, người dân ở đây cũng đã trồng xen dưới tán rừng một số loại cây khác như gừng để tạo thêm thu nhập cho gia đình.
Lào Cai đang đẩy mạnh liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ nhựa cây bồ đề nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.
Cây bồ đề trước đây chỉ được khai thác trong rừng để lấy gỗ, đã gây ra tình trạng rừng bị tàn phá nghiêm trọng. Tuy nhiên, vài năm qua, việc khai thác nhựa bồ đề đã giúp bảo tồn và phát triển nguồn gỗ.
Từ năm 2017, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lào Cai đã triển khai dự án xây dựng mô hình trồng rừng, cải tạo rừng bồ đề để lấy nhựa sản xuất cánh kiến trắng, kết hợp trồng xen cây gừng dưới tán rừng nhằm tăng thu nhập cho người trồng rừng.
Đầu năm 2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai đã làm việc với Tổ chức Helvetas Việt Nam và Công ty Cổ phần Nông Lâm nghiệp Đức Phú về việc quy hoạch, sản xuất và thương mại sản phẩm cánh kiến trắng cùng tiềm năng sản xuất nhựa cây bồ đề tại Lào Cai.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai đã ký Biên bản ghi nhớ với Công ty Đức Phú về việc quy hoạch trồng và sản xuất nhựa cây bồ đề tại Lào Cai, ban đầu xác định vùng quy hoạch tại Bảo Yên, Bảo Thắng và Văn Bàn. Công ty Đức Phú cam kết tổ chức hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, khai thác nhựa bồ đề đảm bảo an toàn lao động cho người dân, đồng thời sẽ thu mua toàn bộ nhựa với giá thị trường.
Theo chương trình hỗ trợ của Helvetas Việt Nam, Công ty Đức Phú cũng là đơn vị đã và đang liên kết với các tỉnh như Yên Bái, Bắc Cạn, Phú Thọ, Sơn La, Hòa Bình và Lào Cai để thu mua sản phẩm nhựa bồ đề từ năm 2013. Sản phẩm cánh kiến trắng do Công ty xuất khẩu hàng năm đạt từ 5 đến 8 tấn, đáp ứng tiêu chuẩn châu Âu và quy định của Biotrade.
Công ty Đức Phú tính toán rằng năng suất nhựa của 1 cây bồ đề từ 7 đến 10 năm tuổi khoảng 0,3 kg/năm; giá thấp nhất là 150.000 đồng/kg, từ 1 cây ước đạt khoảng 45.000 đồng/năm; đối với cây trên 15 năm tuổi có thể cho thu hoạch đạt khoảng 1 kg/cây/năm. Tính sơ bộ, chỉ cần 1 ha bồ đề 7 tuổi có 1.000 cây khai thác nhựa có thể mang lại thu nhập 45 triệu đồng/năm, chưa kể sau khi thu hoạch nhựa khoảng 10 năm, gỗ bồ đề có thể được bán với giá lớn (khoảng 2 triệu/m³) với ước tính đạt khoảng 80 m³/ha, nghĩa là có thêm khoảng 160 triệu đồng. Điều này cho thấy việc trồng cây bồ đề với định hướng lấy nhựa sẽ cho thu hoạch rất cao. Công ty Đức Phú hy vọng sẽ cùng Helvetas mở rộng liên kết sản xuất nhựa cánh kiến trắng tại Lào Cai thông qua việc chính thức lập quy hoạch tại ba huyện Bảo Yên, Văn Bàn và Bảo Thắng để tạo ra vùng nguyên liệu ổn định, mở rộng thị trường xuất khẩu và nâng cao giá trị rừng trồng cho người dân.
Để phát huy giá trị cây bồ đề và nâng cao thu nhập cho người dân, vào tháng 3/2019, UBND tỉnh Lào Cai đã phê duyệt dự án “Xây dựng mô hình trồng rừng, cải tạo rừng bồ đề lấy nhựa để sản xuất cánh kiến trắng, kết hợp trồng xen gừng dưới tán rừng nhằm tăng thu nhập từ rừng trồng”. Dự án sẽ được thực hiện từ 2019 đến 2025 tại ba huyện: Bảo Thắng, Bảo Yên, và Văn Bàn, với quy mô 105 ha (mỗi huyện ba mô hình). Mô hình cải tạo rừng bồ đề từ khai thác gỗ sang khai thác nhựa sẽ thực hiện 45 ha/3 huyện; mô hình trồng mới rừng bồ đề nhằm lấy nhựa sẽ là 45 ha/3 huyện; mô hình trồng mới rừng bồ đề xen gừng là 15 ha/3 huyện.
Công ty Đức Phú cam kết thực hiện kiểm tra mẫu đất để trồng gừng, cung cấp giống gừng và quy trình kỹ thuật trồng xen gừng theo tiêu chuẩn Organic; hướng dẫn kỹ thuật cho người dân về khai thác nhựa bồ đề. Chi cục Kiểm lâm cũng cam kết hỗ trợ Công ty Đức Phú xây dựng vùng nguyên liệu cánh kiến trắng tại ba huyện Bảo Thắng, Bảo Yên và Văn Bàn, hỗ trợ thủ tục pháp lý khi Công ty đầu tư sản xuất, thu mua, vận chuyển các sản phẩm từ Lào Cai như gừng và nhựa bồ đề.
Theo tính toán, dự án sẽ làm tăng thu nhập từ rừng trồng bồ đề từ 70 triệu đồng/ha/chu kỳ lên ít nhất 600 đến 800 triệu đồng/ha/chu kỳ trồng rừng.
Với tiềm năng và lợi thế của cây bồ đề cùng quyết tâm của các đơn vị thực hiện, dự án này ngay từ đầu đã có sự liên kết giữa các bên trong chuỗi sản phẩm nhựa cánh kiến trắng và sản phẩm Organic. Việc thực hiện dự án sẽ đạt thành công như mong đợi, mở ra ngành hàng mới cho người trồng rừng tại Lào Cai. Dự án cũng tạo ra mô hình canh tác rừng bền vững, nâng cao giá trị kinh tế rừng, góp phần bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu và nâng cao nhận thức của người dân về nghề rừng trong phát triển kinh tế, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững.