Thi Nguyễn: Đưa thương hiệu “Gò Đồi Phú Bình” và “Lá Nếp Thầu Dầu” phát triển mạnh mẽ.

Phú Bình là một trong những huyện trung du, miền núi nằm ở phía nam của tỉnh Thái Nguyên. Thế mạnh của huyện là sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trồng lúa và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Phú Bình đã và đang phát huy những lợi thế xây dựng các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, thực hiện xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm, đưa thương hiệu “Gà đồi Phú Bình” và “Lúa nếp Thầu Dầu” vươn xa.

Trong phát triển kinh tế – xã hội, Phú Bình đặc biệt quan tâm và dành ưu tiên cho phát triển nông nghiệp, bởi đây là lĩnh vực liên quan trực tiếp tới khoảng 70% hộ gia đình trên địa bàn huyện. Chính vì thế, huyện đang đẩy mạnh việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng tăng cường liên kết, hình thành sản xuất theo chuỗi thông qua việc dồn điền đổi thửa để xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Trước mắt, huyện đã và đang triển khai ở 3 xã, gồm: Xuân Phương, Úc Kỳ và Tân Đức, với diện tích 226 ha. Đến nay, huyện đã thực hiện được gần 160 ha. Đây cũng là địa phương duy nhất được tỉnh triển khai thí điểm cánh đồng mẫu lớn. Bước đầu, trong vụ xuân 2018, đã có 1 doanh nghiệp đầu tư sản xuất lúa hữu cơ chất lượng cao với diện tích 50 ha và dự kiến sẽ được mở rộng diện tích trong những vụ tiếp theo. Theo kế hoạch, huyện sẽ tiếp tục dồn điền đổi thửa để nâng diện tích cánh đồng mẫu lớn lên ít nhất khoảng 1.000 ha, trong tổng số hơn 9.000 ha đất nông nghiệp của huyện.

Phú Bình có nhiều đặc sản mà người dân trong ngoài và tỉnh đều biết, đó là: gạo nếp Thầu Dầu, ổi Linh Sơn, gạo bao thai Định Hóa, nem chua Đại Từ… Ngoài ra, Phú Bình còn nổi tiếng với một đặc sản khác là gà đồi Phú Bình.

Gạo nếp Thầu Dầu

Thi Nguyễn: Đưa thương hiệu “Gò Đồi Phú Bình” và “Lá Nếp Thầu Dầu” phát triển mạnh mẽ.

Huyện Phú Bình được coi là vựa lúa của tỉnh Thái Nguyên. Sản lượng lương thực cây có hạt hàng năm của huyện luôn đứng cao nhất tỉnh. Cụ thể năm 2017, sản lượng lương thực đạt 78 nghìn tấn. Từ lâu, gạo nếp Thầu Dầu đã trở thành đặc sản mà thiên nhiên ban tặng cho các vùng đất ven sông Cầu của huyện Phú Bình. Với đặc trưng dẻo, thơm, vị đậm đà, gạo nếp Thầu Dầu được nhiều người ưa chuộng và cũng là một món quà quê ý nghĩa dành tặng bạn bè.

Nếp Thầu Dầu đã trở thành niềm tự hào của người dân Úc Kỳ nói riêng, Phú Bình nói chung. Chính vì vậy, trong những đợt tham gia hội chợ, triển lãm, trưng bày… người Phú Bình thường mang gạo nếp Thầu Dầu đi giới thiệu với du khách và gạo nếp Thầu Dầu Phú Bình cũng nhận được sự mến mộ của thực khách xa gần.

Gạo nếp Thầu Dầu có hương vị thuần khiết, đậm và dẻo, thường được dùng để làm bánh chưng, bánh dày, xôi cốm… để cúng vào những ngày rằm, lễ, Tết. Những năm gần đây, nếp Thầu Dầu trở thành nguyên liệu chính trong những món ăn mang nét đặc trưng của miền quê lúa Phú Bình. Để những chiếc bánh thơm ngon, gạo nếp Thầu Dầu được chọn lựa kỹ lưỡng, đó là những hạt gạo được phơi đủ nắng, không gãy, nát và có mùi thơm của gạo mới. Bánh được làm từ loại gạo nếp này có vị đậm, dẻo, người ăn không có cảm giác nhanh ngán. Vào dịp lễ, Tết, ngoài làm những món bánh, nếp Thầu Dầu còn được người dân địa phương làm cốm, bỏng và làm quà cho người thân, bạn bè.

Gạo nếp Thầu Dầu còn được dùng để làm ra loại đặc sản nổi tiếng, đó là tương nếp. Đã có trên 100 năm hình thành và phát triển, làng Hồng Kỳ, xã Úc Kỳ, huyện Phú Bình hiện là làng nghề truyền thống sản xuất và chế biến tương nếp rất nổi tiếng. Do được làm từ gạo nếp Thầu Dầu nên tương nếp do người dân nơi đây chế biến có hương vị đặc trưng, nhuyễn đặc như mật, đậm đà và ngọt mềm. Việc phát triển nghề làm tương ở đây không chỉ nhằm bảo tồn một nghề truyền thống mà còn giúp người dân địa phương nâng cao thu nhập.

Từ lâu, tương nếp Úc Kỳ đã trở thành gia vị không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của người dân nơi đây và xuất bán đi một số tỉnh như: Bắc Giang, Hưng Yên, Lạng Sơn. Nguyên liệu để làm tương gồm: gạo, muối trắng và đỗ tương.

Giống lúa nếp Thầu Dầu dẻo, thơm đã được gieo cấy ở Phú Bình từ nhiều đời nay. Hiện nay, diện tích lúa nếp Thầu Dầu tập trung chủ yếu ở các xã: Úc Kỳ, Nhã Lộng, Xuân Phương và Nga My. Tuy nhiên, do một thời gian dài không được thanh lọc nên giống lúa này đã bị thoái hóa và lẫn tạp nhiều. Trước thực trạng đó, năm 2008, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với các cơ quan chuyên môn đã xây dựng và thực hiện Dự án chọn lọc, phục tráng giống lúa nếp Thầu Dầu. Nhờ vậy, những đặc tính thơm, dẻo, vị đậm của nếp Thầu Dầu đã cơ bản được khôi phục. Năm 2012, giống lúa nếp Thầu Dầu được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể. Diện tích gieo trồng cũng có sự mở rộng từ 60 ha (năm 2013) lên 116 ha, ở các xã Xuân Phương, Hà Châu, Nhã Lộng, riêng xã Úc Kỳ có 71 ha.

Một trong những xã trồng lúa nếp Thầu Dầu chủ lực của huyện Phú Bình là xã Úc Kỳ. Do phù hợp với thổ nhưỡng nên loại nếp này trồng ở Úc Kỳ cho năng suất cao và chất lượng tốt, vì lẽ đó, xã đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia các chương trình phục tráng giống; áp dụng phương pháp canh tác cải tiến SRI để giữ gìn và phát triển giống nếp. Sau 6 năm được công nhận nhãn hiệu tập thể, việc quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu thu được một số kết quả nhất định, diện tích gieo cấy lúa nếp Thầu Dầu tại xã Úc Kỳ đã tăng lên 71 ha, cao gấp 2 lần so với trước khi được công nhận. Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, UBND huyện Phú Bình phối hợp với Trung tâm hợp tác Quốc tế Đại học Thái Nguyên tổ chức phục tráng giống lúa nếp Thầu Dầu tại Úc Kỳ với quy mô 2 ha, nhờ đó gạo nếp Thầu Dầu giữ được những đặc trưng thơm, dẻo và năng suất cũng được nâng lên đáng kể, từ 33 tạ/ha năm 2012, đến nay đã tăng lên 48 tạ/ha.

Lúa nếp Thầu Dầu Phú Bình đã được công nhận nhãn hiệu tập thể

Gà đồi Phú Bình

Đất Phú Bình đồi gò thấp, địa hình đồi bát úp, dân cư thưa, là địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi để chăn nuôi gà thả vườn quy mô lớn. Xuất phát từ truyền thống nuôi gà đồi thả vườn của người dân địa phương để tận dụng các tán đồi trồng cây rừng và cây ăn quả kết hợp với chăn nuôi, từ đó đàn gà được nuôi trong môi trường dân dã, chăn thả tự nhiên kết hợp với quy trình chăm sóc khép kín từ chọn con giống, vệ sinh chuồng trại, kiểm tra thú y tới khi xuất bán. Do vậy, chất lượng thịt gà rắn, chắc, thơm ngon.

Gà đồi Phú Bình đẹp mã, thịt rắn, chắc, thơm ngon, trứng có tỷ lệ lòng đỏ cao, nặng 1,5 – 2,5kg. Giống gà đồi không chỉ phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của gia đình mà còn được nhiều bếp ăn, trường học và nhà hàng, siêu thị tại các tỉnh, thành phố ưa chuộng.

Quy trình được bắt đầu từ khâu chọn con giống. Đó phải là những chú gà con khỏe mạnh, thuộc giống gà ri bản địa, đã được tiêm vacxin và kiểm dịch trước khi đến tay từng hộ chăn nuôi. Thời gian đầu, gà nuôi riêng và ăn theo chế độ cám dinh dưỡng để bổ trợ tiêu hóa và tăng sức đề kháng. Sau 21 ngày, mới bắt đầu nuôi ở môi trường tự nhiên bên ngoài. Trong quá trình nuôi, luôn luôn phải vệ sinh chuồng trại định kỳ như thay nền lót và phun thuốc khử trùng hàng tuần, sử dụng men vi sinh trong lót nền để giữ chuồng trại luôn khô thoáng. Bên cạnh đó, có hệ thống thú y cơ sở để kịp thời hỗ trợ và hướng dẫn biện pháp kỹ thuật chăm sóc đàn gà. Định kỳ 6 tháng và trước khi xuất chuồng, đàn gà lại được lấy mẫu kiểm tra dịch bệnh để đảm bảo khỏe mạnh, đạt tiêu chuẩn. Một hộ nuôi gà tại Phú Bình mỗi năm có thể cung cấp khoảng 9.000 con gà thịt đạt tiêu chuẩn cho thị trường. Giống gà nuôi tại đây chủ yếu là gà ri bản địa. Sau khoảng 4-5 tháng chăn nuôi thả tự nhiên, những con khỏe mạnh, lông mượt, gà trống có mào đỏ tươi, ức chắc, gà mái đẻ lứa đầu đạt trọng lượng 1,8-2,5kg được xuất chuồng.

Ngày 11/11/2014, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm “Gà đồi Phú Bình”. Đây là nhãn hiệu sản phẩm chăn nuôi đầu tiên của tỉnh được bảo hộ, từ đó mở ra cơ hội lớn đối với những hộ chăn nuôi gà ở Phú Bình. Những năm qua, dựa vào tiềm năng đất đai, đồi bãi rộng lớn, người nông dân Phú Bình phát triển mạnh chăn nuôi gà. Với tốc độ tăng trưởng tổng đàn khoảng 10% mỗi năm, đến nay, số lượng gà toàn huyện gần 3 triệu con, cho thu nhập gần 100 tỷ đồng mỗi năm.

Năm 2018, Trung tâm Khuyến nông đã phối hợp với Hợp tác xã Gà đồi Đông Thịnh triển khai Dự án Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình phát triển chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi gà đồi Phú Bình theo hướng an toàn sinh học; nâng cao hiệu quả nuôi gà, góp phần cải thiện đời sống người dân, xây dựng nông thôn. Hiện toàn huyện Phú Bình đã có 107 trang trại chăn nuôi gà đồi với quy mô bình quân trên 9.000 con/trang trại/năm.

Những năm qua, các hộ chăn nuôi trên địa bàn đã tích cực áp dụng kỹ thuật trong chăm sóc đàn vật nuôi, tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình trong sản xuất, tìm kiếm thị trường.

Theo thống kê, toàn huyện hiện có 13 trang trại chăn nuôi đã được cấp chứng nhận sản phẩm an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhiều hộ dân đã thực hiện liên kết, hình thành các hợp tác xã (HTX) chăn nuôi gà đồi, chiếm 12% tổng số HTX trên địa bàn.

Các HTX thực hiện cung cấp giống, thức ăn chăn nuôi và bao tiêu sản phẩm cho người chăn nuôi. Qua đó, góp phần thúc đẩy chăn nuôi gà đồi phát triển. Đơn cử như HTX Chăn nuôi, trồng trọt và dịch vụ nông nghiệp Đông Thịnh, ở xã Tân Khánh đã bước đầu xây dựng được chuỗi giá trị trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo đầu ra ổn định cho các thành viên.

© Tuyên bố bản quyền