Tiềm năng sản xuất và cung ứng các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Thái Nguyên.
Với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, những thành quả từ xây dựng nông thôn mới đã trở thành điểm tựa vững chắc để Thái Nguyên phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng. Thái Nguyên nổi tiếng với các sản phẩm đặc trưng như chè, cà phê, mật ong và nhiều loại trái cây như xoài, sầu riêng, vải, dừa. Tất cả các sản phẩm này đều có chất lượng cao và được sản xuất theo quy trình đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Thực hiện Đề án Phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương trong tỉnh đã tập trung phát triển một số sản phẩm chủ lực nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế trong sản xuất nông nghiệp, tạo ra sản phẩm hàng hóa có số lượng lớn, giá trị cao, chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội, đồng thời góp phần đã dạng hóa sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.
Ngoài ra, tỉnh Thái Nguyên cũng đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa góp phần quan trọng vào xây dựng và phát triển hệ thống phân phối sản phẩm hàng hóa. Việc kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa của Thái Nguyên đã góp phần hình thành những chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm đặc trưng vùng miền theo hướng hiện đại, bền vững, góp phần thu hẹp khoảng cách về phát triển thương mại của khu vực này với các vùng miền khác. Theo Quyết định số 964/QĐ-TTg năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015-2020, tỉnh Thái Nguyên có 5 huyện thuộc danh mục ưu tiên gồm: Định Hóa, Võ Nhai, Phú Lương, Đồng Hỷ và Đại Từ. Các địa phương này đã tích cực chuyển đổi cơ cấu giống sang phát triển cây chè và cây ăn quả (nhãn, bưởi, chuối, mít), góp phần thay đổi thói quen canh tác, nâng cao thu nhập của người dân.
Bên cạnh đó, Thái Nguyên đã thực hiện quy hoạch vùng sản xuất, trồng cây ăn quả tập trung ở các vùng Võ Nhai, Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Bình và Thị xã Phổ Yên, bố trí hơn 2.700 ha đất từ đất trồng lúa và đất trồng cây ăn quả khác hiệu quả thấp, vườn tạp, đất rừng sản xuất chuyển đổi sang chuyên canh na, bưởi, nhãn; đẩy mạnh liên kết sản xuất các loại quả đặc sản theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, cấp mã số vùng trồng, xây dựng website, kênh bán hàng trực tuyến kết nối người sản xuất với người tiêu dùng.
Việc hình thành các vùng sản xuất tập trung đã giúp tỉnh tạo ra những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng mang tính vùng miền, phù hợp với lộ trình của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Trong đó, một số sản phẩm như: Trà tôm nõn Hảo Đạt của Hợp tác xã chè Hảo Đạt, ở xã Tân Cương (thành phố Thái Nguyên) và miến dong Việt Cường của Hợp tác xã miến Việt Cường, ở xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ), là 2 trong số 20 sản phẩm được Trung ương xếp hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia (5 sao) năm 2021.
Sản phẩm chè của Thái Nguyên đạt chứng nhận OCOP 3 sao
Trong khi đó, sau hơn 4 năm triển khai Đề án mỗi xã một sản phẩm (OCOP), hiện tại tỉnh Thái Nguyên đã có 173 sản phẩm OCOP (91 sản phẩm 3 sao; 80 sản phẩm 4 sao; 2 sản phẩm 5 sao), với 91 chủ thể OCOP. Các sản phẩm OCOP đều đã sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm OCOP Việt Nam (logo OCOP), đa dạng về mẫu mã, bao bì đẹp, sang trọng, tiện lợi và có mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc. Các cơ sở sản xuất, chế biến đã được các chủ thể quan tâm đầu tư và nâng cấp để góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Với nhiều sản phẩm đặc trưng, như: Chè, gạo, mỳ gạo, thịt hươu sấy khô, cao ngựa bạch, na, miến… Đến nay, cơ bản 100% sản phẩm OCOP của tỉnh đã được hỗ trợ và đưa lên 2 sàn Postmart.vn, Voso.vn. Ngoài ra, tỉnh tập trung phát triển hệ thống gian hàng, các điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đặc trưng của các địa phương.
Để đẩy mạnh tăng trưởng bền vững ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo, góp phần phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới, từ nay đến năm 2025 tỉnh Thái Nguyên đã xác định phát triển 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực gồm: Chè, quả các loại, thịt lợn, thịt gà và trứng gà, quế, sản phẩm gỗ. Giai đoạn 2021-2030, toàn tỉnh bố trí trên 2.700 ha đất chuyển đổi từ đất trồng lúa và cây ăn quả kém hiệu quả, đất rừng sản xuất để trồng Na, Nhãn, Bưởi, đồng thời hỗ trợ 100% giá cây giống. Đối với sản phẩm thịt lợn, thịt gà và trứng khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển trang trại theo hướng an toàn sinh học gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, đối với sản phẩm gỗ khuyến khích trồng rừng gỗ lớn, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến gỗ.