An Giang tăng cường triển khai mô hình trồng xoài ba mùa theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Chợ Mới.
Huyện Chợ Mới hiện có 6.000 ha trồng cây ăn trái, trong đó có hơn 5.000 ha xoài (127,3 ha xoài đạt chuẩn VietGAP, với tổng số 137 hộ tham gia). Xoài thu hoạch 2 vụ/năm, sản lượng trung bình 20 tấn/ha. Tổng sản lượng 696.160 tấn/năm (sản lượng xoài VietGAP 2.546 tấn/năm).
Để đẩy mạnh mô hình trồng xoài 3 màu theo hướng VietGAP, tỉnh An Giang đã chọn huyện Chợ Mới thực hiện thí điểm mô hình. Theo đó, UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch xây dựng và phát triển thương hiệu Xoài Chợ Mới, tỉnh An Giang; phê duyệt dự án “Xây dựng mô hình sản xuất xoài ba màu có quy mô 500 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm” với tổng kinh phí 29,3 tỷ đồng.
Xoài ba màu có nguồn gốc từ Đài Loan. Sau khi nhân giống, người dân An Giang đổi tên thành xoài ba màu. Sở dĩ có tên gọi này là vì khi còn non, xoài có màu xanh, lớn một chút gặp nắng, xoài chuyển thành màu tím và khi gần hái xoài có màu vàng.
Cây xoài ba màu dễ trồng và bắt đầu cho trái chỉ sau 2 năm. Mỗi trái xoài ba màu nặng trên dưới 1 kg, cá biệt có trái nặng gần 2 kg. Xoài ba màu có vị ngọt đậm, hạt mỏng, cùi dày, thịt quả đanh chắc, xoài thích hợp ăn sống hoặc chỉ ăn ngon khi gần chín.
So với cây lúa, xoài ba màu có giá trị kinh tế cao hơn nhiều lần. Mỗi ha xoài 3 màu cho thu hoạch khoảng 20 tấn/năm. Với giá bán dao động từ 20.000 -30.000 đồng/kg, người trồng thu lãi 500 triệu đồng/ha/năm. Hộ gia đình trồng nhiều thu về cả tỷ đồng/năm. Hiện, diện tích trồng xoài ba màu ở Huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang đạt trên 4.500ha.
Xoài ba màu An Giang đang được xuất khẩu sang thị trường các nước như Thụy Sỹ, New Zealand, Hàn Quốc và Nhật Bản.
An Giang đẩy mạnh mô hình trồng xoài ba màu theo hướng VietGAP tại huyện Chợ Mới.
Ngày 29/3/2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch xây dựng và phát triển thương hiệu Xoài Chợ Mới, tỉnh An Giang. UBND tỉnh giao Sở Công Thương chịu trách nhiệm triển khai thực hiện tốt nội dung Kế hoạch này và định kỳ hàng quý báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh. Khi có phát sinh, điều chỉnh, báo cáo bằng văn bản về UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Các đơn vị tham gia bao gồm Liên hiệp hợp tác xã, các hợp tác xã; Doanh nghiệp kinh doanh (vựa) và địa phương. Thời gian thực hiện 2 năm, từ năm 2018 đến năm 2019.
Một số nội dung cụ thể, trong năm 2018, hoạch định chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu; Thiết kế biểu trưng (logo) nhãn hiệu; Thiết kế hệ thống nhận diện thương hiệu; Thiết kế truyền thông trên Digital, báo chí, truyền hình, tổ chức lễ ra mắt thương hiệu tại An Giang; Tập huấn xây dựng, phát triển thương hiệu; Chuyển giao cho chủ thương hiệu.
Trong năm 2019, tăng cường công tác thông tin, truyền thông, quảng bá về thương hiệu Xoài ba màu trên các phương tiện thông tin từ tỉnh đến cơ sở, nhằm nâng cao giá trị thương hiệu, khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Triển khai các gói quảng cáo qua mạng xã hội, công cụ tìm kiếm nhằm tăng mức độ nhận biết thương hiệu. Triển khai Email Marketing cho thị trường nước ngoài nhằm phát triển thị trường. Báo cáo tổng kết, đánh giá hiệu quả, rút bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu.
Mục tiêu nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, xây dựng nhãn hiệu và gia tăng giá trị thương hiệu, mở rộng thị trường, truy xuất nguồn gốc sản phẩm mang thương hiệu Xoài Chợ Mới. Đẩy mạnh phát triển các nhãn hiệu xoài của huyện Chợ Mới (Xoài Ba màu) nhằm đẩy mạnh việc phát triển thương hiệu Xoài Chợ Mới trong tỉnh An Giang, cũng như trong nước và cả nước ngoài. Xác định rõ Xoài Chợ Mới hay xoài Ba màu của huyện Chợ Mới với các sản phẩm khác. Đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm phát triển thương hiệu xoài của huyện Chợ Mới.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt dự án “Xây dựng mô hình sản xuất xoài ba màu có quy mô 500ha đạt tiêu chuẩn VietGAP gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm”. Theo đó, UBND tỉnh An Giang đã phê duyệt kinh phí hỗ trợ thực hiện dự án này tại huyện Chợ Mới là 29,3 tỷ đồng. Với thời gian thực hiện là 24 tháng bắt đầu từ tháng 3/2018 đến hết tháng 2/2020.
Mục tiêu của dự án là tạo sự chuyển biến trong tổ chức sản xuất và cung ứng xoài ba màu theo hướng liên kết từ trồng đến tiêu thụ sản phẩm, cải thiện và quản lý chất lượng xoài theo hướng vệ sinh an toàn thực phẩm.
– Tập huấn cho khoảng 730 nông hộ trồng xoài (mỗi lớp 35 – 40 hộ) sẽ được tổ chức thành 20 lớp tập huấn, mỗi lớp 4 ngày.
– Tổ chức 02 lớp tập huấn kiểm tra nội bộ: 01 lớp cho 50 hộ nông dân chủ chốt được tổ chức trong 02 ngày và 01 lớp tập huấn cho 20 cán bộ kỹ thuật khuyến nông trong 05 ngày.
– Mô hình sản xuất xoài ba màu có quy mô diện tích 500 ha phải có chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.
– Nâng cao chất lượng sản phẩm (trái xoài đạt tiêu chuẩn VietGAP), trình độ quản lý nhóm và hiệu quả sản xuất cho nhà vườn.
– Xây dựng chuỗi liên kết trong cung ứng và tiêu thụ sản phẩm giữa các tổ hợp tác/HTX trồng xoài với các cơ sở/Doanh nghiệp kinh doanh trái cây.
– Mở rộng diện tích Hợp tác xã xoài VietGAP huyện Chợ Mới – An Giang (thêm 500 ha). Chia làm 5 tổ hợp tác để thuận tiện cho việc theo dõi, mỗi tổ hợp tác khoảng 140 – 150 hộ sản xuất xoài ba màu.
Mục đích của dự án, đến năm 2020, huyện Chợ Mới sẽ có thêm một vùng sản xuất xoài ba màu đạt tiêu chuẩn VietGAP với quy mô diện tích 500 ha.
01 quy trình kỹ thuật canh tác, bảo vệ thực vật và thu hoạch tiên tiến cho cây xoài đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Đào tạo và tập huấn cho cán bộ kỹ thuật, cán bộ khuyến nông và nông dân.
Liên kết doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm xoài ba màu của dự án.
Có mã vùng (code) để xuất khẩu qua ít nhất 1 – 2 thị trường khó tính.
Xoài ba màu ở Cù lao Giêng đạt VietGAP là mô hình cây ăn trái đầu tiên của tỉnh được công nhận. Đây là tiền đề quan trọng trong chiến lược phát triển nông sản chủ lực của huyện theo hướng chất lượng, an toàn, hiệu quả. Với nông dân trồng xoài, dự án mở ra những cơ hội giúp Chợ Mới có điều kiện mở rộng mô hình trồng xoài 3 màu VietGAP.
Những kết quả đạt được.
Từ những nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng cũng như xây dựng thương hiệu xoài ba màu Chợ Mới, kết quả là đầu tháng 5/2018, nông dân trồng xoài ở Cù lao Giêng (Chợ Mới, An Giang) đón nhận tin vui khi lô hàng xoài ba màu ăn tươi đầu tiên của Hợp tác xã GAP Bình Phước Xuân đã được xuất khẩu đi Úc với 5,4 tấn xoài tươi.
Để có được thành công này, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã cùng công ty chọn các hộ nông dân sản xuất theo VietGAP để tiến hành lấy mẫu trái phân tích. Sau khi có mã Code, lô hàng xoài ba màu ăn tươi đầu tiên đã được Công ty Chánh Thu xuất khẩu đến Úc.
Theo Công ty Chánh Thu, sau thành công của lô hàng xoài tươi đi Úc, công ty sẽ duy trì 70 ha được cấp mã Code, có thể mở rộng hợp tác lên 500 ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.
Đáng chú ý, thực hiện chủ trương chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu và cây ăn trái, đến nay tại 3 xã Cù lao Giêng của huyện Chợ Mới, nông dân đã chuyển dịch sang trồng màu và vườn cây ăn trái 100% diện tích, với mức thu nhập tăng gấp 3 lần so với trồng lúa. Trong đó, có 127,3 ha xoài ở đây được công nhận đạt chuẩn VietGAP.
Để hỗ trợ nông dân kỹ thuật canh tác, từ đầu năm đến nay, huyện Chợ Mới đã tổ chức các lớp tập huấn về quy trình, kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cho 580 hộ, với diện tích 482 ha trong vùng dự án.
Chợ Mới đang triển khai nhân rộng mô hình để đến năm 2020 sẽ công nhận thêm 500 ha xoài đạt chuẩn VietGAP. Riêng 3 dự án sản xuất xoài ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt với tổng diện tích 540 ha, tiến độ thực hiện đạt 85%.