Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk: Hướng tới xuất khẩu bền vững và gia tăng giá trị sản phẩm.

Nhờ hiệu quả kinh tế mang lại, sầu riêng trở thành cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế vượt trội tại tỉnh Đắk Lắk. Việc trái sầu riêng của Việt Nam sắp được cấp phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc mở ra triển vọng xuất khẩu ổn định và bền vững đối với trái sầu riêng của cả nước nói chung, sầu riêng Đắk Lắk nói riêng.

Nhờ điều kiện thổ nhưỡng kết hợp với việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, sầu riêng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đa dạng về chủng loại. Các giống sầu riêng chất lượng cao, thơm, ngon, cùi vàng, có độ ngọt và béo cao như: Ri6, Chín Hóa, Monthong (Donatechno), Cái Mơn, sầu riêng khổ qua, sầu riêng óc khỉ được người tiêu dùng trong và ngoài nước ngày càng ưa chuộng, mang lại lợi ích kinh tế cao cho người dân.

Xây dựng thương hiệu cho trái sầu riêng tỉnh Đắk Lắk.

Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk: Hướng tới xuất khẩu bền vững và gia tăng giá trị sản phẩm.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, việc xây dựng, bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu cho nông sản cần được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh các giải pháp phát triển sản xuất, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân, tỉnh Đắk Lắk đặc biệt chú trọng hình thành những vùng chuyên canh, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xây dựng thương hiệu nông sản đặc thù của địa phương, trong đó có sầu riêng.

Sầu riêng Krông Pắc được công nhận nhãn hiệu tập thể.

Dẫn đầu toàn tỉnh trong việc xây dựng thương hiệu cho trái sầu riêng là huyện Krông Pắc. Diện tích trồng sầu riêng trên địa bàn huyện là 3.341 ha (diện tích cho thu hoạch từ 2.400 – 2.500 ha), tổng sản lượng ước tính đạt 45.000 tấn/năm. Mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Krong pac Durian” cho sầu riêng của huyện Krông Pắc.

Việc cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu sầu riêng Krông Păc tạo tiền đề để địa phương hướng đến xây dựng thương hiệu sầu riêng uy tín, chất lượng. Đến nay, cây sầu riêng có vai trò quan trọng trong phát triển sản xuất nông nghiệp của huyện, mang lại lợi nhuận và thu nhập cao cho người dân.

Nhãn hiệu tập thể “Krong pac Durian – Sầu riêng Krông Pắc” đã đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn xuất khẩu như: Nhãn hiệu, nhãn mác, xuất xứ. Khi có nhãn hiệu, đầu ra sản phẩm sẽ thuận lợi hơn.

Trong những năm qua, huyện Krông Pắc đã có bước đi đúng hướng, từng bước xây dựng nhãn hiệu Sầu riêng Krông Pắc. Việc xây dựng thành công cho thương hiệu Sầu riêng Krông Pắc tạo cơ hội thúc đẩy tiềm năng phát triển sản phẩm sầu riêng trên thị trường trong nước và quốc tế, mang lại lợi ích kinh tế lâu dài cho người dân.

Người dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương tỉnh Đắk Lắk sẵn sàng cho xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng tươi nhiều nhất của Việt Nam nhưng chủ yếu là xuất khẩu tiểu ngạch, không đảm bảo đầu ra ổn định và xảy ra tình trạng “ép giá”. Do đó, việc trái sầu riêng của Việt Nam được cấp phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc mở ra triển vọng xuất khẩu khả quan đối với trái sầu riêng của cả nước nói chung, sầu riêng Đắk Lắk nói riêng.

Theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật, việc đàm phán xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc đang ở giai đoạn cuối. Việt Nam và Trung Quốc đang hoàn thiện các quy định xuất khẩu về vùng trồng, mã số nhà phân phối và quản lý dịch hại.

Điều kiện để xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc, các doanh nghiệp, nhà vườn cần đáp ứng những yêu cầu cơ bản như: có biện pháp quản lý phù hợp để loại bỏ dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, không có dư lượng bảo vệ thực vật vượt mức cho phép, thực hiện đúng quy cách về đóng gói, thông tin trên bao bì.

Để việc xuất khẩu chính ngạch trái sầu riêng sang Trung Quốc được thuận lợi, người dân cần nắm rõ các yêu cầu, gồm thông tin đầy đủ: tên doanh nghiệp, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Bên cạnh đó, doanh nghiệp, người dân và cơ quan quản lý cần đáp ứng được yêu cầu về nhật ký, hồ sơ sản xuất cũng như các chương trình giám sát an toàn thực phẩm trước khi thu hoạch mà phía Trung Quốc đề ra.

Hiện tại bên phía Trung Quốc chưa yêu cầu quả sầu riêng phải đạt chuẩn về VietGAP hay GlobalGAP nhưng về chất lượng sản phẩm phải đảm bảo đủ độ già và kiểm soát sâu bệnh hại. Tuy nhiên, để có sản phẩm chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, người trồng sầu riêng tỉnh Đắk Lắk đã mở rộng diện tích vùng trồng theo hướng VietGAP, chú trọng sử dụng phân bón vi sinh.

Để giúp những hộ dân có diện tích nhỏ đủ điều kiện cấp mã vùng trồng, HTX Nông nghiệp Thương mại Dịch vụ Tấn Khang (400 thành viên) đã phân công các tổ sản xuất hỗ trợ bà con về kỹ thuật cũng như hoàn tất các hồ sơ để cấp mã vùng trồng. Các thành viên có kỹ luật, sản xuất theo một quy trình chuẩn nhằm đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu sang Trung Quốc.

Tương tự, Công ty Cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn (Đắk Lắk) cũng đang gấp rút liên kết với các hộ dân, HTX để triển khai mã số vùng trồng. Hiện Công ty Cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn đã liên kết với 6 huyện, 15 HTX trên diện tích 6.000 ha. Việc triển khai vùng nguyên liệu sẽ mang lại lợi ích lớn cho người nông dân. Bởi khi xuất khẩu được chính ngạch, nông dân tuân thủ nghiêm các tiêu chuẩn thì ngành sầu riêng Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh đối với các quốc gia khác. Do người dân chưa quen với việc sản xuất theo quy trình có kiểm soát, Công ty Cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn đã chuẩn bị những nền tảng ứng dụng truy xuất nguồn gốc giúp quản lý về sản xuất, kết nối được với khách hàng.

Tập huấn, hướng dẫn nông dân cài đặt phần mềm nhật ký điện tử truy xuất nguồn gốc sầu riêng.

Song song với đó, Công ty Cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn cũng đã tổ chức lại sản xuất, tổ chức các chuỗi liên kết để tập huấn cho nông dân về quy trình sản xuất nhằm thiết lập hồ sơ mã số vùng trồng. Đồng thời, công ty cử đội ngũ cán bộ xuống tận vườn tập huấn, thường xuyên cầm tay chỉ việc. Kế hoạch dài hạn, công ty sẽ xây dựng nhà máy sơ chế đóng gói bảo quản ở những huyện có vùng nguyên liệu lớn. Bên cạnh đó, công ty cũng mở rộng quy mô, chuỗi liên kết, nâng cao năng lực sản xuất của vùng nguyên liệu.

Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cũng đã chỉ đạo đơn vị chuyên môn triển khai công tác kiểm tra việc quản lý, duy trì và sử dụng mã số của các cơ sở sản xuất, xuất khẩu đã được cấp mã. Sở cũng đề nghị Cục BVTV xem xét cấp 5 mã số vùng trồng và 1 mã số cơ sở đóng gói. Đồng thời, Sở cũng yêu cầu các đơn vị, UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn các cơ sở liên kết sản xuất đáp ứng đủ các yêu cầu xuất khẩu và đăng ký cấp mã số trước khi xuất khẩu nông sản nói chung, sầu riêng nói riêng, nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế.

Bên cạnh đó, việc xây dựng thương hiệu cho trái sầu riêng tỉnh Đắk Lắk, định hướng thị trường để định hướng sản xuất là vô cùng quan trọng. Cơ quan quản lý cần thường xuyên hướng dẫn người dân sản xuất theo chuẩn mực quốc tế, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, minh bạch về truy xuất nguồn gốc và an toàn vệ sinh thực phẩm.

© Tuyên bố bản quyền