Tình hình tiêu thụ vải trong những bước đầu đã đạt được hiệu quả tích cực.

Năm vụ vải 2020, dự kiến cả nước sẽ thu hoạch trên 200.000 tấn vải, chủ yếu từ hai địa phương chủ chốt là Bắc Giang và Hải Dương.

Tại tỉnh Bắc Giang, tổng diện tích vải đạt trên 28.000 ha, sản lượng ước đạt khoảng 160.000 tấn, tăng 10.000 tấn so với năm 2019. Trong đó, vải thiều được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP đã được cấp mã số IRADS từ Mỹ; 19 mã vùng trồng đã được cơ quan Nhật Bản chấp thuận; 149 mã vùng trồng đã được Trung Quốc phê duyệt cùng 288 cơ sở đóng gói. Quả vải thiều Bắc Giang hiện đang được bảo hộ ở gần 10 quốc gia và xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới như: Trung Quốc, Mỹ, EU, Hàn Quốc, Australia, Malaysia, Trung Đông, Thái Lan, được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Bắt đầu từ giữa tháng 5/2020, vải chín sớm đã được thu hoạch; dự kiến 10 ngày đầu tháng 6 sẽ thu hoạch được 45.000 tấn; 115.000 tấn vải chính vụ dự kiến sẽ kết thúc thu hoạch trước ngày 20/7.

Tại Hải Dương, theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, tổng diện tích vải của tỉnh trong năm 2020 đạt 9.750 ha, trong đó Thanh Hà là 3.600 ha; Chí Linh 3.900 ha và 2.250 ha còn lại thuộc về các huyện, thành phố khác. Tổng sản lượng quả dự kiến đạt 45.000 tấn, cao hơn 20.000 tấn so với năm 2019. Diện tích vải được chứng nhận VietGAP đạt trên 500 ha, sản lượng dự kiến gần 4.000 tấn. Bên cạnh đó, 19 vùng sản xuất vải đã được cấp mã số xuất khẩu sang Mỹ, Australia, EU với tổng diện tích 170 ha, sản lượng ước đạt 1.300 tấn.

Hình minh họa: Quả vải thiều

Tình hình tiêu thụ đang khả quan, giá vải đã tăng so với năm 2019.

Mặc dù có những lo ngại về tác động của dịch Covid-19 đến xuất khẩu vải trong năm nay, nhưng đến nay hoạt động xuất khẩu và tiêu thụ nội địa vẫn diễn ra khá thuận lợi.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, một số chợ bán lẻ và các điểm bán trái cây đã xuất hiện trái vải thiều từ một số tỉnh phía Bắc. Giá trái vải ở đầu mùa dao động từ 70.000-90.000 đồng/kg.

Theo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, việc thu hoạch vải sớm bắt đầu từ ngày 10/5 với sản lượng khoảng 5 tấn/ngày, chủ yếu bán cho thành phố Hồ Chí Minh và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Năm nay, giá vải ngay tại vườn dao động ở mức 48.000-50.000 đồng/kg, cao hơn so với mức giá 35.000-40.000 đồng/kg của năm ngoái.

Đặc biệt, năm nay có 250 thương nhân Trung Quốc đăng ký tới Lục Ngạn thu mua vải thiều, con số này cao hơn nhiều so với khoảng 100 thương nhân vào những năm trước. Dự kiến vào cao điểm chính vụ, số lượng này sẽ tiếp tục tăng lên.

Bên cạnh việc đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường truyền thống, năm nay tỉnh Bắc Giang cũng sẽ chú trọng mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa thông qua các siêu thị, thương nhân phân phối và chợ đầu mối, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam. Sản lượng tiêu thụ vải ở thị trường nội địa phấn đấu đạt khoảng 60% tổng sản lượng.

Theo Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, vào cuối tháng 5/2020, mỗi ngày các doanh nghiệp và thương lái thu mua trên 500 tấn vải. Giá bán đầu vụ khoảng 50.000 đồng/kg; đặc biệt, dù đang giữa vụ vải sớm, giá bán vẫn đạt khá cao từ 32.000 – 38.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với năm 2019 và các năm trước đây, chỉ khoảng 5.000 – 10.000 đồng/kg.

Nhờ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, đến nay đã có nhiều doanh nghiệp có kế hoạch thu mua, sơ chế và tiêu thụ quả vải. Nhiều doanh nghiệp đã nhận được đơn hàng từ phía đối tác nước ngoài. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, phía đối tác đã uỷ quyền cho doanh nghiệp Việt Nam đánh giá và kiểm soát chất lượng quả vải để xuất khẩu. Australia đã chấp thuận việc chiếu xạ tại Hà Nội. Nhờ ứng dụng công nghệ cải tiến, việc bảo quản quả vải tươi có thể kéo dài đến 35 ngày, thuận lợi cho xuất khẩu bằng đường biển.

Ngày 25/5/2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương và huyện Thanh Hà đã tổ chức chương trình thu hái vải thiều xuất khẩu, cắt băng xuất khẩu lô vải đầu tiên đi Singapore, Mỹ, Australia trong năm 2020.

Nhìn chung, việc Việt Nam thành công trong cuộc chiến chống Covid-19 và chủ động kết nối tiêu thụ trái vải từ sớm với các thương nhân Trung Quốc, doanh nghiệp trong nước và hệ thống phân phối đang cho thấy hiệu quả tích cực.

Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để thúc đẩy tiêu thụ trái vải.

Ngay từ đầu vụ vải năm nay, xuất khẩu vải thiều Việt Nam dự báo có thể gặp khó khăn do Trung Quốc cũng có mùa vải lớn, thời gian thu hoạch giữa hai nước gần nhau và dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Tình hình tiêu thụ vải trong những bước đầu đã đạt được hiệu quả tích cực.

Trong bối cảnh đó, hai tỉnh có sản lượng vải thiều lớn là Bắc Giang và Hải Dương đã triển khai các giải pháp nhằm tìm đầu ra cho trái vải.

Tại tỉnh Bắc Giang, ngay từ tháng 2/2020, tỉnh đã xây dựng 3 kịch bản xuất khẩu vải thiều. Kịch bản thuận lợi nhất là xuất khẩu sang tất cả các thị trường, cả truyền thống lẫn mới. Kịch bản thứ hai cho biết dù khó khăn vẫn có thể xuất khẩu. Kịch bản thứ ba là không xuất khẩu được và nếu xảy ra kịch bản này, tỉnh sẽ tập trung tiêu thụ trong nước.

Để xúc tiến tiêu thụ vải thiều, vào ngày 29/5/2020, Sở Công Thương Bắc Giang đã phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Singapore và Cục Xúc tiến Thương mại tổ chức hội nghị trực tuyến nhằm quảng bá tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông sản chủ lực của Bắc Giang vào thị trường Singapore. Thị trường Singapore rất thích trái vải Việt Nam nhưng hàng năm chủ yếu nhập thông qua các nhà buôn Trung Quốc, lượng nhập trực tiếp từ Việt Nam còn hạn chế. Do đó, việc đưa được trái vải thiều Bắc Giang vào thị trường Singapore là rất quan trọng, tạo tiền đề cho xuất khẩu các nông sản chủ lực khác của tỉnh.

Thêm vào đó, tỉnh Bắc Giang đã tổ chức hội nghị trực tuyến vào đầu tháng 6/2020 tại nhiều điểm cầu như: Việt Nam (Bắc Giang, Lào Cai, Lạng Sơn, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh và các tỉnh khác), Trung Quốc (tại tỉnh Vân Nam, tỉnh Quảng Tây).

Còn tại Hải Dương, Sở Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, quảng bá và giới thiệu về quả vải thiều, đặc biệt là vải Thanh Hà qua các trang mạng xã hội trong và ngoài nước cũng như thông qua các tờ rơi, tài liệu. Bên cạnh đó, Sở Công Thương đã phối hợp với các tỉnh, thành phố khác cùng doanh nghiệp, siêu thị, hiệp hội doanh nghiệp trong việc tiêu thụ vải Hải Dương, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với các đối tác nước ngoài để xuất khẩu trái vải; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thương nhân trong việc vận chuyển và tiêu thụ vải Hải Dương; tích cực phối hợp phát triển và mở rộng thị trường bán lẻ, thúc đẩy phát triển kênh phân phối.

Thời gian qua, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã triển khai nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu vải thiều sang thị trường Nhật Bản. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã làm việc với nhiều hệ thống phân phối lớn như Tập đoàn Central Retail – Siêu thị BigC, Mega Market, Aeon, Lotte, Bách Hóa Xanh, Saigon Co.op, Hapro và yêu cầu các đơn vị có kế hoạch chủ động kết nối, thu mua và phân phối vải; chủ động trao đổi các phương án, biện pháp và kế hoạch cụ thể với các địa phương nhằm thúc đẩy tiêu thụ trái vải ở thị trường trong và ngoài nước. Đối với thị trường xuất khẩu, Bộ Công Thương đã gấp rút rà soát nhu cầu thị trường để tạo cơ hội xuất khẩu cho sản phẩm này, đồng thời thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại thông qua các giao thương trực tuyến với nhiều thị trường như Trung Quốc, châu Âu, châu Mỹ, châu Á.

© Tuyên bố bản quyền