Yn Bi mở rộng diện tích măng mai Lâm Thượng

Yn Bi mở rộng diện tích măng mai Lâm Thượng

Với hướng đi đúng đắn trong phát triển sản xuất, măng mai là một trong những cây chủ lực trong phát triển kinh tế tại xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Thời gian tới, măng mai sẽ được đẩy mạnh mở rộng diện tích, tạo đầu ra thuận lợi và giữ thương hiệu sản phẩm OCOP của địa phương.

Do phù hợp với điều kiện khí hậu, chất đất của địa phương nên măng mai sinh trưởng và phát triển tốt ở xã Lâm Thượng, tỉnh Yên Bái. Cây măng mai là cây trồng mọc tự nhiên, có vòng đời sinh trưởng, phát triển từ 50 – 55 năm. Thời điểm thu hoạch tốt nhất là khi măng mọc cao từ 30 đến 40 cm. Củ măng có trọng lượng từ 1 kg đến hơn 8 kg.

Cây măng mai xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái

Với hướng đi đúng đắn trong phát triển sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, cây măng mai là một trong những cây chủ lực trong phát triển kinh tế. Thương hiệu măng mai Lâm Thượng đã được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao năm 2020 của tỉnh Yên Bái.

Thống kê của xã Lâm Thượng, hiện nay, trên địa bàn xã có trên 350 ha trồng măng mai, diện tích đang cho thu hoạch khoảng 300 ha. Ở xã Lâm Thượng, diện tích măng mai tập trung chủ yếu ở các thôn: Nặm Chắn, Khéo Lẹng, Thâm Pất, Nà Kèn – Nặm Trọ.

Hiện cả xã có 642 hộ dân (chiếm trên 44% số hộ trong toàn xã) tham gia trồng cây măng mai. Măng mai được huyện Lục Yên xác định là cây mũi nhọn thế mạnh của huyện cùng với các nông sản khác như: lạc đỏ, vịt bầu Lâm Thượng, cam sành.

Niên vụ năm 2022, sản lượng măng tươi xã Lâm Thượng sẽ thu khoảng 2.520 tấn. Hiện nay đang trong vụ măng, người dân tại Lâm Thượng có 2 hình thức là bán củ tươi cho các công ty, siêu thị và người dân sơ chế măng khô tại nhà. Theo kế hoạch, thời gian tới, xã sẽ đẩy mạnh việc mở rộng diện tích măng mai, đồng thời chủ động phối hợp để tạo đầu ra nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.

Tuy diện tích măng mai hiện có là khá lớn và kế hoạch còn được mở rộng trong những năm tới nhưng việc sản xuất các sản phẩm từ nguyên liệu măng mai vẫn còn mang tính chất tự phát nhỏ lẻ, manh mún, chưa được đầu tư để có chất lượng cao. Các sản phẩm từ măng phần lớn ở dạng nguyên liệu thô (măng tươi) hoặc sơ chế (măng luộc). Sản phẩm măng khô, quy trình chế biến còn thủ công, công đoạn phơi khô sản phẩm phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên chất lượng sản phẩm không đảm bảo.

Nhằm góp phần đa dạng hóa các sản phẩm măng mai của huyện Lục Yên (măng muối chua, măng dầm dấm ớt tỏi, măng rối khô) theo quy trình chế biến chung, thống nhất và khoa học, đồng thời sử dụng thiết bị sấy trong sản xuất măng khô đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, việc gắn kết sản xuất măng của địa phương với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sẽ góp phần tạo ra sản phẩm có chất lượng, xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm măng mai Lục Yên. Trong xã đã có 02 Hợp tác xã được thành lập, liên kết các nông hộ cùng hoạt động sản xuất sản phẩm măng mai trên địa bàn xã theo chuỗi giá trị, nhằm gia tăng giá trị cho sản phẩm măng mai – đặc sản của địa phương.

Người dân xã Lâm Thượng phơi măng

Tỉnh Yên Bái đã thực hiện dự án cải tạo nâng cao sản lượng củ, lá măng mai. Đồng thời huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái nghiên cứu giải pháp nâng cao kỹ thuật chế biến, phát triển sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm măng mai nhằm cải tạo và khai thác tối đa tiềm năng đất đai, khí hậu và lợi thế vùng, đáp ứng nhu cầu của sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người trồng măng mai. Dự án đã hình thành được vùng nguyên liệu tập trung, tạo thành những mô hình mẫu, hiệu quả để người dân có thể học tập, làm theo.

Thời gian tới huyện Lục Yên tiếp tục nhân rộng mô hình trồng măng mai, tích cực tuyên truyền và phổ biến kỹ thuật, chuyển giao công nghệ cho người dân tùy theo từng công đoạn, nhằm đưa các sản phẩm của cây măng mai trở thành sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu trong quá trình phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Lục Yên và các khu vực lân cận.

Bên cạnh đó huyện sẽ tiến hành mở rộng quy mô, xây thêm lò sấy, mua sắm máy móc, hoàn thiện quy trình, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong quá trình sản xuất nhằm đạt được hiệu quả kinh tế cao nhất. Tập trung chăm sóc cây măng đã trồng, đảm bảo măng sấy đạt tiêu chuẩn măng khô thơm để đưa ra thị trường tiêu thụ. Từ đó giới thiệu và cung cấp nguồn thực phẩm sạch, an toàn, có giá trị dinh dưỡng cao cho người tiêu dùng trên khắp cả nước.

© Tuyên bố bản quyền