Tiềm năng sản xuất và cung ứng các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Cà Mau.
Là một tỉnh địa đầu cực Nam của Tổ quốc, tỉnh Cà Mau có vị trí khá đặc biệt, gồm 06 huyện nằm trong danh mục địa bàn ưu tiên thực hiện chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015 – 2020, gồm các huyện: Đầm Dơi, Ngọc Hiển, Năm Căn, Trần Văn Thời, U Minh và Phú Tân.
UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025. Mục tiêu phấn đấu của tỉnh Cà Mau là phát triển các sản phẩm, hàng hóa có thương hiệu là đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của tỉnh; phấn đấu đến năm 2025, khoảng 30% sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng để đưa vào hệ thống phân phối trong, ngoài tỉnh và hướng đến xuất khẩu.
Để đạt được kết quả trên, tỉnh Cà Mau đã hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể… tại vùng sâu, vùng xa, đăng ký tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đổi mới phương thức kinh doanh, phát triển thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và nước ngoài; phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 200 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia.
Cà Mau đã xác định Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Từ tháng 4/2020, dù triển khai sau cả nước, nhưng nhờ phát huy tốt vai trò của hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, đặc biệt là cấp xã trong triển khai Chương trình OCOP, tỉnh Cà Mau đạt được một số thành tựu đáng kể.
Sau gần 4 năm triển khai thực hiện, đến nay trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã công nhận được 128 sản phẩm OCOP (06 sản phẩm đạt 4 sao, 122 sản phẩm đạt 3 sao). Trong đó, 113 sản phẩm thuộc ngành thực phẩm (chiếm 88%); 08 sản phẩm thuộc ngành đồ uống (chiếm 7%); 04 sản phẩm thuộc ngành thủ công mỹ nghệ, trang trí (chiếm 3%); 03 sản phẩm thuộc ngành vải, may mặc (chiếm 2%). Tổng số chủ thể tham gia chương trình và được công nhận là 61 chủ thể (15 công ty/doanh nghiệp, chiếm 24%; 26 hợp tác xã, chiếm 43%; 20 hộ kinh doanh, chiếm 33%).
Nhờ tham gia Chương trình OCOP, hoạt động kinh doanh của các chủ thể có nhiều khởi sắc, quy mô nhà xưởng được đầu tư nâng cấp, mở rộng, trang thiết bị phục vụ sản xuất, kinh doanh, bảo quản sản phẩm được trang bị tương đối đầy đủ, đáp ứng được nhu cầu sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, các chủ thể từng bước cải thiện mô hình tổ chức quản lý, không ngừng cải tiến về chất lượng, tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường (chứng nhận hữu cơ quốc tế IFOAM, HACCP, áp dụng công nghệ chế biến, kéo dài thời gian bảo quản sản phẩm ở nhiệt độ thường). Nhờ vậy, giá trị kinh tế mang lại cho chủ thể tăng trưởng ổn định. Đặc biệt, một số sản phẩm còn xuất khẩu được qua các thị trường Australia, Canada, Trung Quốc, Singapore.
Tôm khô – sản phẩm đặc trưng của tỉnh Cà Mau
Bên cạnh việc phát triển sản phẩm OCOP, tỉnh Cà Mau cũng rất chú trọng đến các sản phẩm tiềm năng, có thế mạnh của địa phương. Sở Công Thương tỉnh Cà Mau đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức Lễ công bố và Tôn vinh cho 37 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2023 vào tháng 9/2023.
Với kết quả đạt được có thể thấy, chương trình OCOP đã lan tỏa mạnh mẽ, được triển khai từ tỉnh đến xã, trở thành một trong những giải pháp quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới của tỉnh Cà Mau. Chương trình thu hút được sự quan tâm tham gia của nhiều thành phần, đối tượng. Đặc biệt, tại khu vực nông thôn, nơi tập trung nguồn nguyên liệu dồi dào và sự sẵn có của tri thức bản địa được lưu giữ, tích lũy qua nhiều thế hệ, giúp khơi dậy tiềm năng, lợi thế của các địa phương để phát triển sản phẩm, dịch vụ, ngành nghề nông thôn.