Ninh Thuận: Mở rộng mô hình cây ăn trái có giá trị kinh tế cao
Ninh Thuận là tỉnh có điều kiện khí hậu khắc nghiệt, nắng nóng quanh năm, lượng mưa khá thấp. Để khắc phục tình trạng này, tỉnh Ninh Thuận đã đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Nhờ vậy, chất lượng sản phẩm được nâng cao, năng suất tăng trên cùng đơn vị diện tích. Trái nho là một trong những trái cây có thế mạnh, được tỉnh chú trọng đầu tư.
Ninh Thuận gia tăng giá trị sản xuất từ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Để ứng phó với điều kiện khí hậu không thuận lợi, tỉnh Ninh Thuận sẽ tập trung mở rộng diện tích trồng nho và táo tại các huyện Ninh Hải, Ninh Phước, Ninh Sơn và thành phố Phan Rang – Tháp Chàm theo Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tầm nhìn đến năm 2030.
Diện tích cây ăn quả của Ninh Thuận khoảng 5.951 ha, tập trung ở các huyện Ninh Phước, Ninh Sơn, Thuận Nam và TP. Phan Rang – Tháp Chàm. Các trái cây chủ lực của tỉnh Ninh Thuận gồm: nho, táo, bưởi da xanh, bơ, măng cụt, chôm chôm, mít, xoài… Diện tích nho là 1.249 ha, chiếm 21% diện tích cây ăn quả của tỉnh, năng suất đạt 225.8 ta/ha, sản lượng đạt hơn 28 nghìn tấn. Diện tích táo xanh là 1.017 ha, chiếm 17.1% diện tích cây ăn quả, năng suất 293 tạ/ha, sản lượng đạt hơn 30 nghìn tấn và một số cây ăn quả đặc sản như sầu riêng, măng cụt, bơ, mãng cầu ta, xoài, mít có diện tích khoảng 3.685 ha.
Ninh Thuận áp dụng công nghệ cao vào sản xuất cây ăn trái.
Để thay đổi lối sản xuất cũ, lạc hậu và hiệu quả kém, tỉnh Ninh Thuận đã đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Theo đó, tỉnh đã huy động và xây dựng nhiều mô hình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp trên các lĩnh vực như giống cây trồng, công nghệ nhà màng (công nghệ tưới nước tiết kiệm kết hợp với tưới phân). Nhờ vậy, chất lượng sản phẩm được nâng cao, năng suất trên cùng đơn vị diện tích gia tăng. Hiện tỉnh Ninh Thuận đang ưu tiên phát triển các loại cây ăn trái đặc trưng của địa phương.
Nhằm nâng cao cả lượng và chất cho cây ăn trái, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận giao Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển Nông nghiệp Nha Hố nghiên cứu các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến ứng dụng vào sản xuất cây nông nghiệp nói chung và cây ăn trái nói riêng. Viện đã xây dựng thành công nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất các cây trồng có lợi thế như: trái nho, táo, chanh không hạt trên quy mô lớn. Theo đánh giá bước đầu, giá trị sản xuất trên các mô hình ứng dụng công nghệ cao dao động khoảng từ 650 – 900 triệu đồng/ha/năm. Các mô hình đã được giới thiệu và chia sẻ với người dân và doanh nghiệp.
Để mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp được nhân rộng, tỉnh Ninh Thuận giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức các lớp tập huấn cho nông dân và cán bộ địa phương tham gia liên kết. Các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đến tham quan, học tập và nhân rộng ứng dụng trong sản xuất.
Nhận thấy mô hình sản xuất cây ăn trái gắn với công nghệ cao mang lại giá trị kinh tế, tỉnh Ninh Thuận phấn đấu đến năm 2025 sẽ có từ 3 – 5 vùng đáp ứng các điều kiện tiêu chí công nhận là vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cụ thể, tỉnh mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao toàn tỉnh đạt trên 1.000 ha. Tỉnh cũng sẽ hỗ trợ từ 2-3 doanh nghiệp nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra, tỉnh Ninh Thuận đặt mục tiêu có ít nhất 30 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hoạt động hiệu quả. Tỉnh ưu tiên phát triển các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, đặc thù nhằm xuất khẩu, phấn đấu có ít nhất 1 sản phẩm được xuất khẩu, nhất là các sản phẩm từ cây nho.
Do đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng cho một số sản phẩm nông nghiệp. Từ đầu năm 2022, Cục đã cấp mã số vùng trồng cho các hộ nông dân và doanh nghiệp gồm:
– Mã số vùng trồng chanh không hạt xuất khẩu sang Anh và sang Nga, với diện tích 23,3 ha, sản xuất tại xã Lương Sơn cho Công ty TNHH MTV THE FRUIT REPUBLIC.
– Mã số vùng trồng măng tây xanh tại thôn Nha Hố, xã Nhơn Sơn với diện tích 30 ha cho Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố.
– Mã số vùng trồng dưa lưới tại thôn 3, xã Nhị Hà với diện tích 1.3 ha cho Công ty TNHH Fara Farm.
Để việc cấp mã số vùng trồng đạt hiệu quả hơn, cần tăng cường kiểm soát tình hình sản xuất, chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc. Chi cục sẽ tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đề xuất ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển ở các vùng trồng theo quy mô sản xuất hàng hóa đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu. Bên cạnh đó, thực hiện công tác thiết lập và quản lý vùng trồng; thực hiện các chương trình giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, áp dụng các biện pháp quản lý sức khỏe cây trồng và duy trì chất lượng vùng trồng đã được cấp mã số.
Sau khi được cấp mã số vùng trồng, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục cải tiến và ứng dụng các công nghệ cao, máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất. Để sản phẩm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, các doanh nghiệp xây dựng phương án đầu tư sản xuất nguồn nguyên liệu phong phú theo tiêu chuẩn VietGAP, nâng cấp thiết bị và công nghệ xử lý sản phẩm tự động, áp dụng sản xuất sạch trong quy trình chế biến.
Nâng tầm thương hiệu nho Ninh Thuận, sẵn sàng mở rộng thị trường ra thế giới.
Ninh Thuận nổi tiếng cả nước với trái nho, diện tích canh tác trên 1.000 ha, năng suất 256,8 tạ/ha/vụ, sản lượng dao động từ 25.000 – 30.000 tấn/năm. Nhờ hiệu quả kinh tế, cây nho được ngành Nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận tập trung nghiên cứu và thực hiện các giải pháp phát triển đồng bộ, hướng đến nâng cao sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe và vươn tầm quốc tế.
Trong cơ cấu giống sản xuất, toàn tỉnh hiện có 3 giống nho ăn tươi chính: Giống nho Red Cardinal phục tráng đã tồn tại gần 40 năm, chiếm 64,5% diện tích nho toàn tỉnh; giống NH01-48 được đưa vào từ năm 1997, chiếm 33,4%; và giống nho NH01-152 mới được đưa vào sản xuất có chất lượng tốt, chiếm 1,9%. Phần nhỏ diện tích còn lại là các giống nho chế biến rượu. Để đáp ứng thị hiếu tiêu dùng, tỉnh Ninh Thuận mở rộng diện tích và đa dạng hóa chủng loại.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn các giống nho mới, đặc biệt là các giống nho không hạt, quả dài, to, ngọt. Các giống nho trên đã cho năng suất, chất lượng và màu sắc hương vị phù hợp với nhu cầu tiêu dùng, khả năng kháng cao hơn các giống truyền thống. Tỉnh Ninh Thuận cũng đã xúc tiến hỗ trợ các hộ nông dân trồng thử nghiệm các giống nho mới trong nhà màng theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm bước đầu được phản hồi tích cực từ người tiêu dùng và chuyên gia.
Trong bối cảnh sản xuất cây ăn trái ngày càng phải cạnh tranh trên thị trường, việc khai thác và nhân rộng các giống nho mới của Ninh Thuận được coi là hướng đi đúng đắn, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và hướng tới xuất khẩu. Nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tiến tới GlobalGAP, sản xuất an toàn sinh học, hữu cơ.
Để trái nho Ninh Thuận xuất khẩu thành công vào các thị trường có yêu cầu cao, ngành Nông nghiệp tỉnh đã và đang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi, khuyến khích, hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp. Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Nghị quyết về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 với Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Ninh Thuận giai đoạn 2021-2030 cùng với tác động tích cực từ Đề án phát triển cây nho không hạt trong giai đoạn 2022-2025.
Định hướng phát triển cây ăn trái của tỉnh Ninh Thuận trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân để thay đổi tư duy sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tỉnh Ninh Thuận cũng khuyến khích nhân rộng mô hình chuyển đổi cây trồng hiệu quả và thực hiện chính sách hỗ trợ người dân tham gia vào việc này. Tỉnh sẽ hỗ trợ giống và vật tư nông nghiệp cho các hộ dân bị thiệt hại do hạn hán; tập huấn kỹ thuật sản xuất, tạo điều kiện cho hợp tác xã và doanh nghiệp liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để tăng thu nhập từ hoạt động chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Ngoài ra, tỉnh Ninh Thuận cũng tập trung chỉ đạo tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, khuyến khích và hỗ trợ người dân quy hoạch các vườn cây ăn trái kết hợp với du lịch. Mô hình du lịch nông nghiệp đang có những tác động tích cực với kinh tế địa phương, góp phần nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân ở Ninh Thuận. Các tour tham quan vườn táo, nho và các khu du lịch liên kết với tìm hiểu văn hóa địa phương đã thu hút lượng lớn du khách đến tham quan và trải nghiệm.