Vĩnh Phúc nâng cao sản xuất rau an toàn.

Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, Vĩnh Phúc xác định rau là ngành hàng chủ lực trong tái cơ cấu nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng và thu nhập cho người nông dân, phấn đấu trong thời gian ngắn đạt 4.400 ha rau an toàn, trở thành trung tâm sản xuất rau an toàn của cả nước.

Vĩnh Phúc nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cửa ngõ thủ đô Hà Nội, gần sân bay Quốc tế Nội Bài, là cầu nối giữa các tỉnh phía Tây Bắc với Hà Nội và các tỉnh đồng bằng châu thổ sông Hồng. Tổng diện tích tự nhiên trên 123 nghìn ha, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 50 nghìn ha.

Vị trí địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng tạo cho Vĩnh Phúc nhiều sản phẩm nông sản đặc trưng như: Su su Tam Đảo; thanh long ruột đỏ Lập Thạch; gạo Long Trì Tam Dương; bí đỏ Vĩnh Tường. Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp nói chung và lĩnh vực trồng trọt nói riêng có sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu cây trồng, mùa vụ theo hướng sản xuất hàng hóa phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội, tập quán canh tác của từng vùng; trong đó, sản xuất rau hàng hóa đang có những bước chuyển tích cực theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị kinh tế.

Tỉnh Vĩnh Phúc được thiên nhiên ưu đãi những điều kiện phát triển sản xuất rau mà không phải địa phương nào cũng có được. Tỉnh có 3 vùng sinh thái là đồng bằng, trung du và miền núi, lại ít chịu ảnh hưởng của các cơn bão lớn hình thành từ biển Đông. Điều kiện khí hậu sinh thái này cho phép địa phương phát triển sản xuất rau quanh năm, cả rau nhiệt đới và rau ôn đới, với nhiều chủng loại đa dạng như: Rau ăn lá (bắp cải, su su, cải ngọt, mùng tơi); rau ăn củ (su hào, củ cải, cà rốt); rau ăn quả (mướp, bầu bí, cà chua, đậu đỗ).

Trong khi đó, những năm qua kinh tế xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc luôn giữ vững đà tăng trưởng trong top đầu của cả nước, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, các khu công nghiệp, nhà máy, khu đô thị, khu dân cư tập trung phát triển nhanh, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm, nhất là các sản phẩm rau chất lượng cao tăng mạnh.

Nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng rau an toàn của người dân và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, những năm qua, Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất rau an toàn.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc, hiện tỉnh có hơn 120 cơ sở sản xuất rau an toàn, với diện tích canh tác gần 900 ha được cấp giấy chứng nhận; hơn 40 cơ sở sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, với diện tích hơn 500 ha, tập trung ở các huyện: Tam Dương, Yên Lạc, Vĩnh Tường, Bình Xuyên. Sản lượng rau an toàn và rau được cấp giấy chứng nhận VietGAP đạt khoảng 40 nghìn đến 45 nghìn tấn/năm, bằng 25% tổng sản lượng rau sản xuất trên địa bàn. Việc đầu tư phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất rau an toàn đã góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn và khắc phục dần tình trạng bỏ đất nông nghiệp ở nhiều địa phương trong tỉnh. Những sản phẩm nổi tiếng tiêu thụ hàng trăm tấn mỗi ngày có thể kể đến dưa chuột An Hòa – Tam Dương; thanh long ruột đỏ Lập Thạch; su su Tam Đảo; bí đỏ Vĩnh Tường; chuối tiêu hồng, cà chua Yên Lạc; súp lơ Lập Thạch; rau ăn lá Vĩnh Tường. Giá trị của các loại rau này cao hơn 4 lần so với các loại cây trồng truyền thống.

Vĩnh Phúc nâng cao sản xuất rau an toàn.

Hiện nay, rau an toàn của Vĩnh Phúc được tiêu thụ theo 5 kênh với giá cao hơn rau bình thường từ 35-70%: Người sản xuất trực tiếp bán cho người tiêu dùng; các hộ sản xuất tham gia vào tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) và được tổ hợp tác, HTX bao tiêu một phần thông qua các cửa hàng bán lẻ của tổ hợp tác, HTX tại địa phương; các tổ hợp tác, HTX tiêu thụ một phần cho các thành viên thông qua hợp đồng với siêu thị, nhà hàng, khách sạn, trường học tại Hà Nội, Vĩnh Phúc và các tỉnh lân cận; các tổ hợp tác, HTX tiêu thụ thông qua hợp đồng với doanh nghiệp, doanh nghiệp sử dụng uy tín, thương hiệu của mình để cung cấp cho siêu thị, cửa hàng, khách sạn, nhà hàng, trường học, bệnh viện, xuất khẩu.

Cuối cùng là tiêu thụ trực tiếp sản phẩm của doanh nghiệp, HTX đến tay người tiêu dùng thông qua hệ thống cửa hàng bán lẻ của doanh nghiệp, HTX và xuất khẩu. Theo đó, doanh nghiệp, HTX tự sản xuất hoặc ký hợp đồng với các tổ hợp tác, HTX sản xuất rau an toàn để cung cấp cho thị trường.

Những tổ chức tiêu biểu thực hiện các kênh tiêu thụ này có thể kể đến HTX Vân Hội Xanh, HTX rau an toàn Vĩnh Phúc, HTX dịch vụ nông nghiệp kinh doanh nông sản An Hòa, HTX rau an toàn Thanh Hà, Cty CP Đầu tư nông nghiệp Vĩnh Điền, Cty TNHH sản xuất và phân phối nông sản sạch OFP, Cty CP Nông lâm nghiệp và môi trường Vĩnh Hưng, Trung tâm phân phối nông sản thực phẩm an toàn Việt Nam. Sản phẩm rau an toàn của Vĩnh Phúc qua các đầu mối tiêu thụ này đã đi khắp các tỉnh, thành của cả nước.

Đáng chú ý, nhờ làm tốt công tác tập huấn, tuyên truyền, đến nay, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có gần 200 cơ sở sản xuất rau an toàn được Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, Cục Trồng Trọt cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn và theo quy trình VietGAP.

Cùng với việc nâng cao chất lượng, sản lượng rau an toàn, ngành nông nghiệp chú trọng xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho từng sản phẩm. Đến nay, tỉnh đã có 3 thương hiệu tập thể cho rau an toàn là: Rau an toàn Sông Phan; rau an toàn Sao Mai và rau su su an toàn Tam Đảo. Nhờ có thương hiệu nên việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi, giá trị kinh tế được nâng cao góp phần khuyến khích người nông dân, các địa phương tích cực sản xuất rau an toàn.

Sản xuất rau an toàn tại hợp tác xã rau an toàn Vĩnh Phúc.

HTX rau an toàn Vĩnh Phúc được thành lập từ năm 2014, hoạt động chính là sản xuất và kinh doanh rau an toàn. Trong những năm qua, HTX rau an toàn Vĩnh Phúc liên tục đạt danh hiệu Nhà cung cấp ưu tú, HTX rau an toàn Vĩnh Phúc được VinEco lựa chọn làm nhà cung cấp độc quyền su su ngọn, su su quả ở khu vực phía Bắc và được đưa vào hệ thống VinMart trên toàn quốc. Kết quả này đến từ những nỗ lực xây dựng thương hiệu rau an toàn trên thị trường của HTX.

Hiện nay, HTX rau an toàn Vĩnh Phúc có 45 thành viên, quy hoạch được 3 vùng sản xuất tương đối tập trung với diện tích 5 ha tại các xã: Kim Long, Vân Hội (Tam Dương), Hồ Sơn (Tam Đảo). Mỗi vùng được bố trí sản xuất các cây trồng khác nhau để phù hợp với tập quán canh tác, điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng từng vùng.

Đảm bảo quy trình sản xuất, tại mỗi vùng, HTX tổ chức cho các hộ sản xuất theo đúng quy định sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Trên mỗi thửa ruộng đều được gắn bảng biển để nhận biết. Với những lô thửa khi sử dụng thuốc đều được gắn biển để theo dõi đảm bảo thời gian cách ly khi thu hoạch sản phẩm. Các thông tin về chăm bón, phun thuốc được cập nhật vào sổ ghi chép nhật ký đồng ruộng để theo dõi và truy xuất khi cần thiết.

Trong quá trình sản xuất, cán bộ kỹ thuật của HTX thường xuyên thăm đồng, nắm bắt tình hình phát triển của cây trồng và giám sát việc sản xuất của hộ thành viên, từ đó khuyến cáo các hộ sản xuất cách chăm bón, phòng trừ sâu bệnh kịp thời, cách thức sử dụng phân hữu cơ và các loại thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học nhằm giảm thiểu lưu lượng tồn dư độc chất, vi sinh vật có hại cho cây rau.

Thường xuyên cập nhật những tiến bộ kỹ thuật mới áp dụng vào sản xuất một cách khoa học, đảm bảo chất lượng, mẫu mã và năng suất sản phẩm cho các hộ thành viên. Nhờ vậy, sản phẩm su su, mướp hương và bầu của HTX đã được cấp Giấy chứng nhận VietGAP; Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất, sơ chế rau an toàn.

Đáng chú ý, để các thành viên yên tâm sản xuất, HTX đứng ra liên kết với các doanh nghiệp và nhận bao tiêu 100% sản phẩm rau do thành viên sản xuất. Từ tháng 6/2017 đến tháng 7/2018, HTX tiêu thụ gần 540 tấn rau các loại gồm mướp hương, su su quả, su su ngọn, rau đay, cải ngọt, cải ngồng và cải thảo với giá thu mua cao hơn từ 500-1.500 đồng/kg so với giá thị trường; thu nhập của các hộ thành viên tăng từ 1,5- 2,5 triệu đồng/sào/vụ. Việc áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tuy chi phí trồng rau cao hơn so với sản xuất đại trà nhưng chất lượng đảm bảo nên thu hút được doanh nghiệp đến ký hợp đồng.

Đặc biệt, tháng 6/2018, HTX vinh dự được nhận cúp và vinh danh nhà cung cấp, hộ sản xuất ưu tú của Công ty VinEco.

Thời gian tới, HTX rau an toàn Vĩnh Phúc mở rộng vùng sản xuất rau, đưa các sản phẩm đặc thù như cải thảo, cà chua, su su ngọn đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh; tiếp tục liên kết với các khách hàng hiện có; đẩy mạnh phát triển thị trường, tìm kiếm, liên kết với khách hàng mới.

Sản xuất rau an toàn tại hợp tác xã rau an toàn Vân Hội.

Xã Vân Hội là địa phương có thế mạnh về chuyên canh rau màu của huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 2017, HTX Rau an toàn Vân Hội Xanh được thành lập, ban đầu với 5 ha trồng rau và 21 thành viên, đến nay đã tăng lên 53 thành viên với diện tích canh tác 12 ha.

Với việc sản xuất rau theo quy trình VietGAP, HTX đã tạo động lực cho các thành viên thâm canh, tăng vụ hình thành các vùng chuyên canh rau, tạo việc làm và tăng thu nhập. Mỗi năm, các thành viên HTX sản xuất từ 7-9 lứa rau/đơn vị diện tích, thu nhập 500-600 triệu đồng/ha, với giá được HTX thu mua cao hơn từ 5-7% so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Giá rau của HTX được bán trên thị trường cao hơn từ 10-15%. Hiện các sản phẩm rau của HTX đã mở rộng thị trường phục vụ đông đảo người dân với 1 cửa hàng bán rau sạch tại 124 Ngô Quyền (thành phố Vĩnh Yên); cung cấp 70-100 kg/ngày cho một số cửa hàng thực phẩm sạch ở thành phố Vĩnh Yên và Phúc Yên.

Ngoài ra, HTX cung cấp 70-100kg/ngày các loại rau sạch cho khu nghỉ dưỡng 5 sao FLC Vĩnh Thịnh (Vĩnh Tường); 80-100kg/ngày cho siêu thị CoopMart; 300-500kg/ngày cho một số bếp ăn ở trường tiểu học, bếp ăn công nghiệp trên địa bàn tỉnh và gần đây nhất, HTX đã ký hợp đồng và chính thức cung cấp rau an toàn cho Công ty Tvita của Tập đoàn T&T với sản lượng 500kg/ngày. Hiện nay, mỗi sản phẩm rau của HTX đều sử dụng 1 tem QR Code để nhận diện truy xuất nguồn gốc và đã được Công ty cổ phần chứng nhận VinaCert cấp Giấy chứng nhận VietGAP.

Thời gian tới, HTX Rau an toàn Vân Hội Xanh tiếp tục tiêu thụ 70-80% lượng rau do thành viên HTX sản xuất, với sản lượng trung bình 4-5 tấn/ngày; xây dựng từ 1-3 cửa hàng bán buôn sản phẩm rau trên địa bàn tỉnh, với sản lượng 1 tấn/ngày/cửa hàng; mở thêm các chuỗi cửa hàng bán lẻ rau an toàn với thương hiệu “rau an toàn Vân Hội Xanh” với sản lượng tiêu thụ 500-800kg/ngày; nghiên cứu áp dụng công nghệ chế biến vào sản xuất, đặc biệt là các sản phẩm muối chua kim chi cải thảo Vân Hội, dưa cải Vân Hội, dưa chuột muối; làm việc với đối tác về chương trình sản xuất cải bắp, xuất khẩu sang Hàn Quốc trong vụ Đông Xuân 2018-2019; tìm kiếm các công ty cung ứng vật tư nông nghiệp đầu vào có chất lượng tốt, công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường để đưa vào sử dụng nhằm tăng năng suất, chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm.

Phương hướng phát triển rau an toàn tại Vĩnh Phúc.

Với tiềm năng phát triển rau an toàn, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu trong 1-2 năm tới đạt 3.200 ha rau an toàn. Trong những năm tiếp theo đạt 4.400 ha, chiếm trên 10% tổng diện tích đất trồng cây hàng năm của toàn tỉnh, trong đó diện tích chuyên canh là 3.600 ha, diện tích luân canh là 800 ha. Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Vĩnh Phúc đã có chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ cho tất cả các đối tượng.

Theo đó, người sản xuất là hộ cá thể nhỏ lẻ, được hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo, tập huấn áp dụng quy trình sản xuất, phân tích mẫu, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP; 40 triệu đồng/hộ đối với các hộ sản xuất, sơ chế rau, quả có quy mô liền khoảnh từ 2 ha trở lên.

Quy mô sản xuất rau an toàn tập trung từ 2 ha trở lên với miền núi và 3 ha trở lên với các vùng còn lại: Hỗ trợ 35% chi phí sản xuất trực tiếp; 100% kinh phí triển khai (phân tích mẫu đất, nước, chứng nhận đủ điều kiện sản xuất VietGAP); 200 triệu đồng/500m2 trở lên trồng rau trong nhà kính; 50% tiền mua mới máy nông nghiệp phục vụ sản xuất.

Với sản xuất rau an toàn theo chuỗi từ đồng ruộng đến người tiêu dùng quy mô tập trung từ 10 ha trở xuống, tỉnh Vĩnh Phúc hỗ trợ: 5 triệu đồng/ha/năm; 50% (không quá 5 tỷ đồng) gồm: Hỗ trợ tiền làm đường giao thông, đường điện, hệ thống xử lý nước thải, sơ chế, bảo quản, chi phí tuyên truyền quảng bá, tiền thuê cửa hàng giới thiệu sản phẩm, tiêu thụ.

Đặc biệt, để thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào sản xuất và chế biến rau an toàn, Vĩnh Phúc có chính sách hỗ trợ 70% chi phí để xây dựng hệ thống giao thông, điện, hệ thống tưới-tiêu, xây dựng nhà lưới, hệ thống thu gom và xử lý chất thải đối với vùng sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; 60% chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng xử lý chất thải, nhà xưởng, hệ thống giao thông, điện, cấp thoát nước và mua sắm thiết bị. Ngoài ra, doanh nghiệp đầu tư sản xuất rau an toàn vào Vĩnh Phúc còn được hưởng nhiều ưu đãi khác như thuê đất, thuế.

Năm 2018, với mục tiêu hỗ trợ phát triển các vùng sản xuất rau theo hướng an toàn, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư phối hợp với 6 HTX sản xuất rau an toàn trên địa bàn tỉnh triển khai xây dựng mô hình hỗ trợ tem chống hàng giả trên tổng số 6 ha canh tác rau an toàn.

Đối với các doanh nghiệp nói chung, các cơ sở sản xuất rau an toàn nói riêng thì đây được coi là một giải pháp hữu hiệu hỗ trợ quản trị hàng hóa, sản phẩm, bảo vệ thương hiệu, chứng minh được nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và hỗ trợ chăm sóc khách hàng.

Đồng thời, quy trình xác thực chống hàng giả giúp người tiêu dùng tự bảo vệ quyền lợi của mình, nhận biết được hàng thật, hàng giả khi mua hàng mà không mất thêm phí khi sử dụng; phương thức sử dụng đơn giản, tiện dụng.

Đây còn là giải pháp an ninh trong logistics và thương mại điện tử, góp phần nâng cao khả năng luân chuyển hàng hóa và dịch vụ, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí; giúp các cơ quan chức năng phòng ngừa đấu tranh, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái.

Hiệu quả bước đầu của mô hình hỗ trợ sử dụng tem chống hàng giả do Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư triển khai đã góp phần hỗ trợ tích cực cho các cơ sở sản xuất, các HTX tham gia chương trình; tạo điều kiện để các HTX mở rộng quy mô, hoàn thiện quy trình sản xuất theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, tạo dựng lòng tin đối với người tiêu dùng; thúc đẩy phát triển nền sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững.

Về tiêu thụ rau an toàn, tỉnh đang tiếp tục đẩy mạnh kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh như các doanh nghiệp lớn liên quan đến sản xuất và chế biến nông sản, liên kết sản xuất tiêu thụ rau an toàn cho các doanh nghiệp, tổ hợp tác và HTX tại thị trường trong nước và xuất khẩu sang các thị trường trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc.

© Tuyên bố bản quyền