Xuất khẩu hạt điều tăng đáng kể, dự báo xuất khẩu trong quý III năm 2024 sẽ vẫn tích cực.
Theo số liệu của Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích trồng cây điều của nước ta tập trung chủ yếu tại tỉnh Bình Phước (chiếm 47%); tiếp theo là tỉnh Gia Lai (chiếm 13%); Đồng Nai (chiếm 11%); Đắk Lắk (chiếm 9%); Lâm Đồng (chiếm 7%) và Bình Thuận (chiếm 6%).
Hình ảnh người dân thu hoạch điều
Tại tỉnh Gia Lai, cây điều là một trong những cây trồng chủ lực của ngành nông nghiệp tỉnh, diện tích canh tác lên đến 20.000 ha, khả năng cung ứng lên đến 10 nghìn tấn hạt điều cho thị trường. Trong đó, diện tích trồng điều tập trung chủ yếu tại các huyện Kong Chro, Krông Pa, Đức Cơ, Ia Grai. Đây đều là những huyện thuộc danh mục địa bàn ưu tiên thực hiện chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015 – 2020 theo Quyết định số 964/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Huyện Đức Cơ được xem là “thủ phủ” điều của tỉnh Gia Lai, diện tích đạt hơn 14.000 ha. Những năm qua, cây điều đã mang lại lợi ích kinh tế cho người dân nơi đây.
Theo số liệu từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Cơ cho biết, vụ mùa năm 2024, do yếu tố thời tiết không thuận lợi khiến năng suất và sản lượng hạt điều trên địa bàn huyện giảm từ 20 – 25%, cá biệt có những vùng mất trắng sản lượng. Bên cạnh đó, giá bán hạt điều năm 2024 thấp hơn nhiều so với năm 2023. Theo khảo sát, vào đầu vụ thu hoạch giá thương lái thu mua tại vườn từ 26.000 – 27.000 đồng/kg điều tươi, sau đó giá giảm xuống mức 23.000 – 24.000 đồng/kg.
Để khắc phục tình trạng thời tiết không thuận lợi và giúp người dân đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại, hạn chế sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, Ủy ban Nhân dân huyện Đức Cơ đã xây dựng đề án cải tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào canh tác nhằm nâng cao năng suất, chất lượng vườn điều.
Tại huyện K’rông Pa, hiện có 4.050 ha (chiếm gần 1/4 diện tích điều toàn tỉnh); năng suất trung bình đạt từ 1 tấn đến 1,5 tấn/ha, thậm chí có những diện tích đạt 3 tấn/ha. Nhờ hiệu quả kinh tế cao, ổn định nên hiện nhu cầu trồng mới cây điều của người dân nơi đây khá lớn. Theo khảo sát mới nhất của Hội Nông dân huyện Krông Pa, người dân trên địa bàn huyện K’rông Pa đang có nhu cầu trồng mới khoảng 1.500 ha. Với định hướng của chính quyền địa phương và tư duy sản xuất của người dân có sự thay đổi, cây điều đang dần trở thành cây làm giàu cho người dân nơi đây.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 7/2024, Việt Nam xuất khẩu hạt điều đạt 66,87 nghìn tấn, trị giá 412,44 triệu USD, tăng 6,8% về lượng và tăng 9,6% về trị giá so với tháng 6/2024, so với tháng 7/2023 tăng 22% về lượng và tăng 35,1% về trị giá. Tính chung 7 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu hạt điều đạt 421,5 nghìn tấn, trị giá 2,36 tỷ USD, tăng 25,8% về lượng và tăng 21,6% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
7 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang hầu hết các thị trường truyền thống và tiềm năng tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, Việt Nam đã khai thác tốt thị trường Lítva, Đan Mạch, CH Séc, Malaysia trong các tháng đầu năm nay, tốc độ xuất khẩu sang thị trường này ghi nhận mức tăng lên đến 3 con số.
Xuất khẩu hạt điều của Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao trong 7 tháng đầu năm 2024, dù tình hình kinh tế, chính trị thế giới vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Để đạt được kết quả trên, ngành điều Việt Nam đã khai thác tốt hầu hết các thị trường xuất khẩu truyền thống như Mỹ, EU, Trung Quốc. Bên cạnh đó, giá bình quân xuất khẩu hạt điều của Việt Nam có xu hướng tăng, điều này tác động tích cực lên toàn ngành, giúp ngành điều nước ta gia tăng giá trị sản phẩm.
Dự báo xuất khẩu hạt điều sẽ tiếp tục xu hướng tăng trưởng trong thời gian tới nhờ yếu tố chu kỳ và giá xuất khẩu tăng. Với những kết quả đạt được cùng những triển vọng từ thị trường, dự báo năm 2024, ngành điều Việt Nam sẽ tiếp tục đạt được mục tiêu đề ra. Điều này cũng tác động tích cực lên hoạt động sản xuất và xuất khẩu hạt điều tại các địa phương thuộc vùng núi, vùng sâu, vùng xa.