Vĩnh Phúc xây dựng thương hiệu cho nông sản chủ lực.
Vĩnh Phúc hướng tới mục tiêu phát triển nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả và bền vững. Trong thời gian qua, các sở, ban, ngành, địa phương cùng các doanh nghiệp, hợp tác xã đã nỗ lực phát triển thương hiệu, tạo dựng chỗ đứng vững chắc cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh trên thị trường, từ đó góp phần tăng sức cạnh tranh, gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Giới thiệu một số sản phẩm đặc sản, đặc trưng tỉnh Vĩnh Phúc
Gạo Long Trì:
Với chất gạo trắng trong, dẻo thơm riêng, gạo Long Trì từ lâu được người dân trong và ngoài huyện tin dùng. Sau khi được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, hoạt động sản xuất loại gạo này có bước phát triển mới và được tiêu thụ rộng rãi trong và ngoài tỉnh.
Thương hiệu “Gạo Long Trì – Tam Dương” đã được huyện Tam Dương tiến hành đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền. Hội Sản xuất gạo Long Trì cũng được ra đời nhằm tuyên truyền cho nông dân kỹ thuật canh tác, đưa những giống lúa chất lượng cao vào sản xuất.
Hình ảnh gạo Long Trì tỉnh Vĩnh Phúc
Với mục đích nâng cao sản phẩm gạo Long Trì, khuyến khích nông dân sử dụng các giống lúa chất lượng, UBND huyện đã trích ngân sách hỗ trợ 100% giá trị giống lúa QR1 cho Hội Sản xuất gạo Long Trì, đồng thời thường xuyên mang đặc sản gạo Long Trì tham gia nhiều hội chợ để người tiêu dùng biết đến. Nhờ vậy, vùng sản xuất lúa đặc sản hàng hoá thôn Long Trì đã không ngừng được mở rộng. Hiện nay thôn Long Trì có trên 400 hộ dân tham gia sản xuất, diện tích gieo cấy 120 ha/vụ; năng suất bình quân đạt 56 tạ/ha.
Trong quá trình sản xuất, nông dân nơi đây luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình trồng và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, áp dụng khoa học kỹ thuật từ khâu làm đất, gieo mạ đến việc gặt hái, xay xát để đảm bảo tạo ra sản phẩm lúa gạo chất lượng. Thương hiệu gạo Long Trì đã được Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo bình chọn nằm trong top 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng.
Hiện nay, với diện tích sản xuất 60 ha/năm, trung bình mỗi năm, Tam Dương sản xuất khoảng 250 tấn Gạo Long Trì. HTX sản xuất gạo Long Trì sẽ đưa sản phẩm gạo Long Trì vào bày bán trong hệ thống các cửa hàng thực phẩm sạch và các siêu thị.
Rắn Vĩnh Sơn:
Xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường được biết đến là một làng nghề chăn nuôi, chế biến rắn rất nổi tiếng của tỉnh Vĩnh Phúc. Mô hình này rất phát triển và có đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, góp phần xoá đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập và ổn định việc làm cho người dân. Nhờ hiệu quả kinh tế mạng lại, đã nhiều tổ chức, hộ gia đình trong huyện, tỉnh và các tỉnh bạn đến học tập. Làng nghề rắn Vĩnh Sơn đã được công nhận đạt tiêu chuẩn làng nghề truyền thống. Một số sản phẩm như: Nọc rắn, rắn ngâm rượu, cao rắn, rắn ngâm rượu mật ong, thịt rắn, thịt rắn đóng hộp đã được cấp nhãn hiệu tập thể do Hội làng nghề rắn Vĩnh Sơn làm chủ sở hữu.
Sản phẩm từ rắn đều có giá trị kinh tế cao, thịt rắn Vĩnh Sơn thơm ngon, tính hàn, hàm lượng dinh dưỡng cao. Rắn được chế biến ra nhiều món bổ dưỡng như súp rắn, xương rang dùng kèm phồng tôm, lòng xào, thịt xào lăn, nem rắn, chả lá lốt, xương và da rắn chiên giòn, rắn tần thuốc bắc, rắn hấp, rắn nướng, canh gừng, xương rắn ninh cháo đậu xanh. Các sản phẩm rắn ngâm rượu, cao rắn, cao rắn ngâm rượu mật ong là những thực phẩm chức năng quý, có tác dụng phòng ngừa bệnh xương khớp, bồi bổ và tăng cường sức khoẻ cho người sử dụng, đặc biệt là người cao tuổi; Nọc rắn được điều chế thành các loại biệt dược, kem xoa bóp đem lại hiệu quả điều trị bệnh rất tích cực. Rắn được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường cả nước và xuất khẩu. Tỉnh Vĩnh Phúc hướng tới xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm tại Làng nghề chăn nuôi, chế biến rắn Vĩnh Sơn và định hướng phát triển thành sản phẩm đặc trưng trở thành “Thương hiệu Quốc gia”.
Thanh long ruột đỏ Lập Thạch:
Thanh Long ruột đỏ huyện Lập Thạch đã được cấp văn bằng bảo hộ và được chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Cây thanh long ruột đỏ được trồng ở Lập Thạch có vị ngọt đậm, thơm hơn một số loại thanh long trồng nơi khác. Đây là cây thuộc họ xương rồng, có khả năng chịu hạn tốt và phát triển trên các vùng đồi khô cằn, quy trình trồng, chăm sóc tương đối đơn giản. Thời gian cho thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 11 âm lịch. Khi quả chín có thể giữ lại trên cây khoảng 20 ngày, sau khi thu hái cũng để được từ 20-25 ngày, rất thuận lợi cho việc vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm. Việc cấp bằng chứng nhận nhãn hiệu “Thanh Long ruột đỏ huyện Lập Thạch” góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng một cách hiệu quả, tạo dựng, giữ gìn uy tín, mở rộng thị trường cho sản phẩm này, giúp người dân yên tâm sản xuất.
Hình ảnh thanh long ruột đỏ Lập Thạch tỉnh Vĩnh Phúc
Nhằm giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là những vùng đất đồi trọc bạc màu, dự án trồng thanh long ruột đỏ đã được triển khai trên 100 ha thuộc các xã Ngọc Mỹ, Vân Trục và Xuân Hòa, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Dự án sẽ áp dụng công nghệ mới, với quy trình sản xuất tiên tiến của Nhật Bản, Đài Loan để sản phẩm thanh long ruột đỏ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và trở thành cây trồng chủ lực, giúp người dân làm giàu. Đồng thời, thành lập các tổ hợp tác và hợp tác xã sản xuất, tiêu thụ thanh long ruột đỏ, mở các điểm bán hàng, giới thiệu sản phẩm; Xây dựng khu xử lý hơi nước nóng và bảo quản sản phẩm phục vụ xuất khẩu.