Hợp tác xã Quỳnh Nghĩa tiên phong trong mô hình liên kết sản xuất chanh leo tại Mai Sơn (Sơn La).
Với mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tổ chức quy hoạch vùng sản xuất gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ.
Kết quả nổi bật nhất trong sản xuất nông nghiệp của huyện Mai Sơn những năm qua là các hộ dân mạnh dạn chuyển đổi sản xuất, hình thành vùng sản xuất hàng hóa có thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha. Mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap của Tổ hợp tác rau an toàn Mai Sơn gồm 6 thành viên có diện tích canh tác hơn chục ha là minh chứng rõ nhất về hiệu quả công tác chuyển đổi sản xuất.
Huyện tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với xây dựng nông thôn mới, xây dựng các mô hình trồng cây ăn quả chất lượng cao để mở rộng thay thế diện tích cây lương thực trên đất dốc. Đặc biệt là các mô hình, Hợp tác xã sản xuất theo quy trình VietGAP, bảo đảm phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững.
Nhiều HTX của huyện Mai Sơn đã đứng ra liên kết, tổ chức nông dân sản xuất nông nghiệp hiệu quả, tăng giá trị trên cùng một đơn vị diện tích canh tác, góp phần quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân và giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, đẩy mạnh xuất khẩu. Điển hình cho công tác đi đầu trong phong trào này là HTX Quỳnh Nghĩa.
Tiên phong chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang cây chanh leo ở xã Chiềng Sung, huyện Mai Châu là HTX Quỳnh Nghĩa. Hiện chưa có cây trồng nào ở Chiềng Sung cho hiệu quả kinh tế cao bằng cây chanh leo. HTX được thành lập năm 2015 có 10 thành viên, tổng diện tích sản xuất 10 ha, trồng ngô, trồng bí. Đến năm 2019, HTX chuyển sang trồng chanh leo.
Chanh leo của HTX Quỳnh Nghĩa
Đầu tư ban đầu trồng 01 ha chanh leo khoảng 100 triệu đồng tiền làm giàn và giống. Trong năm đầu tiên, năng suất đạt 40 tấn/ha, chỉ cần tính giá thấp nhất ở mức 5.000 đồng/kg đã thu được 200 triệu đồng/ha, giàn có thể sử dụng 3-4 năm, mang lại hiệu quả hơn các cây trồng khác.
Đến nay, HTX phát triển lên 20 thành viên, quy mô sản xuất 20 ha chanh leo. Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao đã ký hợp đồng với HTX để bao tiêu sản phẩm với giá cam kết thấp nhất là 5.000 đồng/kg.
Bên cạnh đó, HTX Quỳnh Nghĩa đang là cầu nối trong chuỗi sản xuất kết nối người dân với doanh nghiệp, vận động người dân tham gia HTX để cùng nhau sản xuất chanh leo phục vụ các hợp đồng chế biến và xuất khẩu. Hiện các thành viên và người dân đang chuyển đổi diện tích cây trồng không hiệu quả như ngô, sắn sang trồng cây chanh leo. Từ lúc chỉ có vài ha, đến nay, tổng diện tích chanh leo toàn xã đạt trên 160 ha.
Khi liên kết được với doanh nghiệp, người dân, thành viên HTX còn được hỗ trợ trong sản xuất. Doanh nghiệp cũng tạo điều kiện cho người dân trả trước 50% số tiền mua giống, 50% còn lại sẽ thanh toán cho công ty khi chanh leo cho thu hoạch. Bên cạnh đó, cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp còn trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cho mọi người nên cây chanh leo phát triển rất tốt. Mối liên kết giữa HTX Quỳnh Nghĩa và doanh nghiệp đang mở ra cơ hội cho phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương Mai Sơn.