Bắc Giang chú trọng xây dựng thương hiệu cho làng nghề truyền thống.
Trong những năm gần đây, Bắc Giang chú trọng phát triển kinh tế ở khu vực làng nghề, ngoài việc đóng góp phát triển kinh tế ở địa phương, hoạt động của các làng nghề còn tạo việc làm cho người dân, tác động chuyển đổi cơ cấu lao động theo hướng tích cực, nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân.
Một số làng nghề tiêu biểu:
Làng nghề sản xuất bánh đa nem Thổ Hà.
Thổ Hà là một làng nhỏ thuộc xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, được biết đến là một ngôi làng cổ với phong cảnh hữu tình, cây đa, bến nước, sân đình và những nếp nhà cổ san sát nhau trong những con hẻm nhỏ. Đặc biệt, bánh đa nem ở Thổ Hà đã trở thành thương hiệu nổi tiếng khắp cả nước và vươn ra thị trường thế giới.
Bánh đa nem ở đây tạo nên thương hiệu bởi những đặc trưng riêng, bánh màu trắng vừa phải, mềm, dẻo, thơm mùi gạo, dai không dễ vỡ, khi cuộn nem rán, vỏ bánh giòn tan, vàng óng rất hấp dẫn. Trong làng Thổ Hà có khoảng 200 hộ làm bánh đa nem, lưu giữ truyền thống mà cha ông xưa đã bỏ công xây dựng suốt nhiều thập kỷ.
Sản phẩm bánh đa nem của làng nghề Thổ Hà.
Bánh đa nem Thổ Hà với hương vị đặc trưng riêng không những được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng, mà còn xuất khẩu sang các nước như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước châu Âu. Vào những dịp gần Tết, bánh đa nem của Thổ Hà làm ra không đủ đáp ứng cho nhu cầu của thị trường. Thời gian bánh bán chạy nhất bắt đầu từ tháng 9 năm nay cho đến hết tháng 2 năm sau. Trung bình mỗi ngày, một hộ sản xuất khoảng 250 – 300 kg gạo, mang lại thu nhập trung bình khoảng 7 đến 10 triệu đồng/người/tháng. Đây là nguồn thu nhập chính cho các hộ gia đình ở Thổ Hà.
Ngoài lợi ích kinh tế, bánh đa nem Thổ Hà tuy mộc mạc, giản dị nhưng lại chứa đựng bao tình cảm, tâm sức của người dân nơi đây và trở thành thứ quà quê đáng quý của vùng quê bên bờ Bắc sông Cầu. Những người con xa quê và khách du lịch phương xa mỗi khi có dịp về làng đều chọn món quà quê nức tiếng này để sử dụng và biếu tặng người thân.
Làng nghề rượu nếp cái hoa vàng Làng Vân.
Rượu nếp cái hoa vàng Làng Vân được nấu từ một loại men gia truyền và nếp cái hoa vàng thượng hạng, mang vị ngọt thơm, êm nồng. Không giống với các loại rượu khác, rượu làng Vân uống êm, vị đậm, uống xong có hương vị đặc biệt trong họng và không đau đầu. Tất cả tạo nên nét riêng của loại rượu mang thương hiệu làng Vân vốn tồn tại từ hàng chục thế kỷ qua.
Rượu làng Vân nổi tiếng và được khẳng định bằng chất lượng, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong và ngoài nước. Rượu làng Vân có mặt ở khắp mọi miền đất nước, trong các nhà hàng, khách sạn lớn nhỏ, quán bình dân, rượu làm ra đến đâu, tiêu thụ hết đến đó.
Nhằm khẳng định vị thế và để thương hiệu rượu làng Vân ngày càng vang xa hơn nữa, năm 2003, HTX rượu Vân Hương được thành lập và là đơn vị duy nhất đã phối hợp các nhà khoa học xây dựng thành công tháp tinh luyện rượu nhằm loại bỏ các tạp chất độc hại đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Rượu do HTX Vân Hương sản xuất đã đạt được các danh hiệu cao nhất trong các kỳ tham dự hội chợ: HCV tại Hội chợ Tuần lễ xanh quốc tế Việt Nam năm 2003; năm 2004 – 2005, liên tiếp giành 2 danh hiệu “Thương hiệu nổi tiếng” tại Hội chợ Thương hiệu Việt Nam; năm 2007 – 2008, 2 năm liên tiếp đạt Giải nhất khi tham gia Liên hoan tuyển chọn rượu Việt Nam do Hiệp hội bia rượu nước giải khát Việt Nam tổ chức; năm 2010 đạt cúp vàng doanh nghiệp tiêu biểu nghìn năm Thăng Long – Hà Nội và nhiều bằng khen khác của tỉnh và Nhà nước.
Làng nghề mây tre đan Tăng Tiến.
Xã Tăng Tiến thuộc huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang nơi lưu giữ những nét đẹp truyền thống của nghề đan lát suốt hơn 300 năm. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, hiện nay lại cộng thêm sự cạnh tranh của các sản phẩm mây tre đan từ Trung Quốc, Tăng Tiến vẫn gìn giữ được nghề của ông cha để lại. Để làm nên một sản phẩm mây tre Tăng Tiến là một quá trình sáng tạo nghệ thuật của người thợ và đòi hỏi nhiều công phu, tỉ mỉ, qua nhiều công đoạn.
Sản phẩm mây tre đan của Làng nghề Tăng Tiến.
Mây tre đan đã trở thành nghề chính của người dân làng nghề, với khoảng 6.000 lao động chiếm 70% số hộ dân thành thục nghề. Các sản phẩm của làng ngày càng phong phú về thể loại, mẫu mã, kiểu dáng, tính thẩm mỹ và chất lượng cũng ngày một ổn định hơn.
Bên cạnh các sản phẩm truyền thống, người dân làng nghề mây tre đan Tăng Tiến còn sử dụng đôi bàn tay khéo léo thiết kế những mẫu túi xách, ví, gối, những đồ lưu niệm có giá trị và trở thành món quà mà khách du lịch nước ngoài yêu thích. Sản phẩm mây tre đan Tăng Tiến được thị trường trong nước và các nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Tây Âu ưa chuộng.