Giá vải thiều Bắc Giang hiện nay cao gấp 2-3 lần so với năm 2018.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Quả vải Lục Ngạn đã được bảo hộ tại 8 quốc gia. Toàn bộ diện tích trồng vải ở Lục Ngạn đã được cấp mã vùng trồng. Đặc biệt, vùng trồng vải đã tiếp cận chu trình khép kín từ sản xuất, tiêu thụ đến phát triển thị trường đối với quả vải.

Tính đến hết ngày 18/6/2019, tổng sản lượng vải thiều đã tiêu thụ toàn tỉnh Bắc Giang đạt gần 113 nghìn tấn. Trong đó, vải sớm khoảng 38 ngàn tấn (đã tiêu thụ gần hết), vải chính vụ trên 74 ngàn tấn. Đáng chú ý, giá vải thiều dao động từ 30.000-60.000 đồng/kg (vải thiều từ 30.000-50.000 đồng/kg; vải sớm ở Lục Ngạn từ 40.000-60.000 đồng/kg). Trước đó, thời kỳ cao điểm giá vải sớm loại đẹp tại Lục Ngạn có lúc bán được trên 70.000 đồng/kg, cao hơn 2 – 3 lần so với năm trước.

Năm nay được đánh giá là không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp do diễn biến thời tiết bất thường, phức tạp. Tuy vậy, tỉnh Bắc Giang vẫn duy trì diện tích trồng vải thiều hơn 28 nghìn ha, sản lượng ước đạt 150.000 tấn; trong đó vải thiều sớm sản lượng khoảng 40.000 tấn; vải thiều chính vụ khoảng 110.000 tấn. Mặc dù giảm khoảng 65.000 tấn so với năm 2018 nhưng yếu tố quan trọng nhất là chất lượng được nâng lên rõ rệt và giá bán luôn ổn định ở mức cao. Vải thiều chính vụ sẽ kết thúc thu hoạch vào 5/7/2019.

Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap tại tỉnh là 13.855 ha, sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGap là 218 ha, được Mỹ cấp mã số IRADS với 394 hộ sản xuất, tập trung tại huyện Lục Ngạn.

Đáng chú ý, hướng đến mục tiêu sản xuất ra những sản phẩm đạt chất lượng ngày càng cao, năm nay huyện Lục Ngạn có nhiều đột phá trong chăm sóc, thu hoạch và tiêu thụ vải thiều. Lần đầu tiên huyện có sản phẩm vải thiều hữu cơ trên diện tích 20 ha. Các nhà vườn tham gia mô hình vải thiều hữu cơ được lắp camera giám sát, nhật ký chăm sóc điện tử. Trồng vải hữu cơ có nhiều ưu việt: An toàn cho người sản xuất và tiêu dùng, không gây độc hại môi trường, không tồn dư hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm, giúp cây sinh trưởng tốt hơn.

Theo UBND tỉnh Bắc Giang, năm đầu tiên trồng thí điểm, sản lượng vải thiều hữu cơ mới đạt khoảng 200 tấn. So với làm theo phương thức truyền thống thì vải thiều hữu cơ còn cho sản lượng cao hơn. Vải thiều hữu cơ có chất lượng ngon vượt trội, quả đều màu nên giá bán tại vườn đã lên tới 80.000 đồng/kg. Đến thời điểm hiện tại, loại vải này đã được tiêu thụ hết.

Đặc biệt, những quả vải thiều hữu cơ được tuyển chọn kỹ lưỡng, đóng vào hộp giấy (loại hộp giấy này được đặt làm từ Nhật Bản chuyển về), trong hộp quả vải được đặt nổi trên nền vải lụa vàng rồi xuất bán tại vườn với giá 200.000 đồng/hộp 12 quả (khoảng gần 17.000 đồng/quả).

Bên ngoài hộp đựng vải thiều có dán tem truy xuất nguồn gốc, người tiêu dùng chỉ cần dùng điện thoại tra cứu theo phần mềm sẽ ra toàn bộ thông tin về sản phẩm.

Đây là mức giá cao chưa từng có. Nhưng năm nay, doanh nghiệp liên kết với nông dân làm vải thiều hữu cơ chỉ làm thử 500 hộp vải thiều dạng này. Tất cả số hộp vải này đều được bán tại thị trường trong nước.

Qua lần trồng thí điểm thành công này, nhiều doanh nghiệp có ý tham gia liên kết với nông dân để trồng vải theo mô hình hữu cơ. Đây là tín hiệu vui, là tiền đề để người nông dân liên kết cùng doanh nghiệp làm ra sản phẩm có chất lượng tốt, đem lại giá trị kinh tế cao.

Tình hình tiêu thụ

Tính đến hết ngày 18/6/2019, tổng sản lượng vải thiều đã tiêu thụ toàn tỉnh đạt gần 113 nghìn tấn. Trong đó, vải sớm khoảng 38 ngàn tấn (đã tiêu thụ gần hết), vải chính vụ trên 74 ngàn tấn.

Đáng chú ý, giá vải thiều dao động từ 30.000-60.000 đồng/kg (vải thiều từ 30.000-50.000 đồng/kg; vải sớm ở Lục Ngạn từ 40.000-60.000 đồng/kg). Trước đó, thời kỳ cao điểm giá vải sớm loại đẹp tại Lục Ngạn có lúc bán được trên 70.000 đồng/kg. Năm nay, giá bán cao hơn từ 2-3 lần so với năm ngoái.

Vải tươi được tiêu thụ khắp toàn quốc. Những địa phương tiêu thụ số lượng lớn gồm các tỉnh lân cận phía Bắc, các thành phố lớn như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, TP.HCM và các tỉnh phía Nam, thông qua các thương nhân phân phối, chợ đầu mối như Thủ Đức, Bình Điền, Hóc Môn, Dầu Giây và các trung tâm thương mại, siêu thị.

Đáng chú ý, ngoài thị trường trong nước, vải thiều Bắc Giang còn được đẩy mạnh xuất khẩu sang nhiều thị trường khác như: Trung Đông, EU, Nga, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada…, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.

Giai đoạn cao điểm đã có khoảng 400 thương nhân Trung Quốc sang kết hợp với các thương nhân Việt Nam đặt điểm cân thu mua vải thiều của bà con nông dân rồi xuất sang Trung Quốc, cao hơn nhiều so với con số 260 thương nhân thu mua trước đó. Đến nay tổng số điểm cân trên toàn tỉnh lên tới trên 500 điểm lớn nhỏ, trong đó tập trung chủ yếu tại địa bàn huyện Lục Ngạn, Lục Nam.

Việc thu mua vải thiều của thương lái Trung Quốc diễn ra sôi động và thuận lợi do tỉnh Bắc Giang đã sớm tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại ở TP.Bằng Tường (Quảng Tây, Trung Quốc).

Tại hội nghị này, những vấn đề chuẩn bị cho khâu thu mua, xuất khẩu vải thiều và những yêu cầu mới của Trung Quốc đã được 2 bên giải quyết. Từ đó, Bắc Giang nhận diện được diện tích, sản lượng vải thiều có chất lượng vượt trội, triển khai thực hiện cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc. Khi vào vụ, hai bên thống nhất bố trí thêm cán bộ, làm thêm giờ để giám định nhanh, thông quan các lô hàng kịp thời. Tỉnh Bắc Giang tạo điều kiện tối đa về kho bãi, vốn, thủ tục xuất nhập cảnh cũng như giám sát thường xuyên hoạt động thu mua của thương nhân Trung Quốc để tạo điều kiện tiêu thụ vải thiều thuận lợi.

Đến nay, ngoài 18 mã vùng trồng do Bộ Nông nghiệp Mỹ cấp tại 7 xã, cơ quan chức năng Trung Quốc cũng đã cấp 149 mã vùng trồng với tổng diện tích 16.000 ha và 86 cơ sở đóng gói cho trái vải Bắc Giang, trong đó có 30 xã và 6 doanh nghiệp huyện Lục Ngạn. Đây cũng là diện tích trồng vải theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Theo đó, quả vải xuất khẩu sang Trung Quốc phải đáp ứng yêu cầu có tem nhãn ghi đầy đủ thông tin hàng hóa, nguồn gốc, quy cách đóng gói, công ty xuất khẩu, mã số cơ sở đóng gói, mã số vùng trồng; vải phải cắt cuống ngắn không quá 15 cm và không được lẫn lá. Do làm tốt công tác chuẩn bị cho nên việc thu mua và xuất khẩu vải thiều sang thị trường Trung Quốc rất thuận lợi.

Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại đối với quả vải thiều

Để có được kết quả cao trong vụ vải thiều năm 2019, ngay từ đầu năm 2019, tỉnh Bắc Giang đã chủ động công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ vải thiều với phương châm: Luôn coi trọng tất cả các thị trường trong và ngoài nước, thị trường nào cũng có vai trò quan trọng. Bên cạnh duy trì các thị trường đã có, sẽ tăng số lượng xuất khẩu sang các thị trường như: Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia và mở rộng một số nước mới như: Nga, Canada, Singapore, các nước Trung Đông. Tại thị trường trong nước tập trung tiêu thụ ở các thành phố lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thông qua hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại.

Tỉnh Bắc Giang cũng cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ người trồng vải, doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước trong công tác thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều; chỉ đạo cung cấp các dịch vụ hậu cần tốt nhất: Nguồn vốn, nguồn điện, thùng xốp, đá cây, vệ sinh môi trường, chuẩn bị kho, bãi tập kết phương tiện vận tải, các điểm cân, mua vải thiều tập trung, công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và các dịch vụ khác.

Tỉnh Bắc Giang đã triển khai một số giải pháp cụ thể như sau:

– Bên cạnh việc tổ chức các hoạt động xúc tiến tiêu thụ tại Trung Quốc, ngày 29/5/2019 tỉnh Bắc Giang đồng loạt tổ chức diễn đàn kinh tế sản xuất, tiêu thụ vải thiều và quảng bá các sản phẩm văn hóa, du lịch, nông sản của tỉnh tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. Đây là năm thứ 2 Bắc Giang tổ chức sự kiện này.

Giá vải thiều Bắc Giang hiện nay cao gấp 2-3 lần so với năm 2018.

Nhiều nhà phân phối lớn trong nước như Saigon co.op, BigC đã lên kế hoạch để thu mua, bảo quản và tiêu thụ vải Bắc Giang trên các kệ hàng.

Đáng chú ý, theo số liệu tổng hợp của UBND huyện Lục Ngạn và huyện Tân Yên. Ngày 30/5/2019, ngay sau Diễn đàn kinh tế sản xuất tiêu thụ vải thiều diễn ra thành công, giá bình quân vải đã đạt từ 30.000 đến 63.000 đồng/kg tại các điểm cân thu mua tại địa phương, cao gấp 2 lần so với cùng kỳ 2018. Do trình độ thâm canh của người trồng vải ngày càng nâng cao nên năm nay cũng là năm mà chất lượng vải thiều đạt cao nhất của tỉnh Bắc Giang.

– Ngày 3/6/2019, tại Siêu thị Co.op Huỳnh Tấn Phát, Thành phố Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Bắc Giang phối hợp Saigon Co.op tổ chức Chương trình xúc tiến tiêu thụ vải thiều trong hệ thống phân phối của SaiGon Co.op và các tỉnh, thành phía Nam.

Theo đó, kể từ ngày 03/6, Saigon Co.op sẽ đưa vải thiều Lục Ngạn đến gần 700 điểm bán của hệ thống này với sản lượng tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Toàn bộ lượng trái vải thiều Bắc Giang sẽ được đưa vào các hệ thống phân phối của Saigon Co.op, gồm Co.opMart, Co.opXtra, Co.opFood, Co.opSmile, Cheers và kênh bán hàng trực tuyến HTV Co.op.

Theo tổng hợp, mỗi ngày có từ 2.000 – 3.000 tấn vải thiều Bắc Giang được phân phối tiêu thụ tại các chợ đầu mối và siêu thị tại TP Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai và các tỉnh Đông Nam Bộ.

Trong những năm qua, bên cạnh việc xác định duy trì, giữ vững và ổn định thị trường xuất khẩu, thị trường nội địa luôn được tỉnh Bắc Giang xác định là trọng điểm. Trong đó, thị trường các tỉnh phía Nam là thị trường quan trọng của vải thiều Bắc Giang, chiếm trên 40% tổng số sản lượng tiêu thụ tại thị trường nội địa.

– Tiếp theo chuỗi sự kiện trên, ngày 7/6/2019, tại Hà Nội, UBND huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức Tuần lễ Vải thiều Lục Ngạn tại Hà Nội năm 2019 nhằm đẩy mạnh quảng bá, đưa sản phẩm vải thiều Lục Ngạn chính hiệu đến với người tiêu dùng Thủ đô Hà Nội, thị trường trong và ngoài nước. Sự kiện diễn ra từ ngày 7/6 đến hết ngày 16/6.

Tuần lễ tạo ra cơ hội kết nối cung – cầu giữa các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân đến với các đầu mối sản xuất kinh doanh nông sản và các sản phẩm nông nghiệp của Bắc Giang, là cơ hội tìm kiếm đối tác, ký kết biên bản ghi nhớ, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm vải thiều và một số sản phẩm đặc trưng của huyện Lục Ngạn.

Đây là năm thứ 4 liên tiếp sự kiện Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn được tổ chức tại Hà Nội. Các sự kiện hàng năm đã tạo được hiệu ứng lan tỏa và góp phần khẳng định thương hiệu, mở rộng, phân phối tiêu thụ, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm vải thiều Lục Ngạn ở cả thị trường trong nước và ngoài nước.

© Tuyên bố bản quyền