CPTPP tạo ra nhiều cơ hội lớn cho xuất khẩu nông sản và thuỷ sản.

Kim ngạch xuất khẩu nhóm nông lâm thuỷ sản (bao gồm 10 mặt hàng thủy sản, rau quả, hạt điều, cà phê, chè, hạt tiêu, gạo, sắn, cao su và gỗ) ước đạt 2,77 tỷ USD, tăng mạnh 47,9% so với tháng trước nhưng vẫn giảm 3,7% so với tháng 3/2017.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cùng đại diện 10 nước tham gia lễ ký Hiệp định CPTPP

Trong tháng 3/2018, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông lâm thuỷ sản ước đạt 2,77 tỷ USD, tăng mạnh 47,9% so với tháng trước nhưng vẫn giảm 3,7% so với tháng 3/2017, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này trong quý I/2018 đạt khoảng 7,82 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong quý I/2018, ngoại trừ kim ngạch xuất khẩu cao su, hạt tiêu và cà phê giảm lần lượt 19,7%; 41,2% và 3,7% so với cùng kỳ năm trước, các mặt hàng còn lại đều đạt tốc độ tăng trưởng tốt. Trong đó, hai mặt hàng đạt tốc độ tăng trưởng cao trên 30% là rau quả (tăng 35,6%) và hạt điều (tăng 38,7%).

Hiện ngành nông nghiệp đang đứng trước những thách thức đồng thời cũng là cơ hội lớn trong bối cảnh Hiệp định Đối tác và toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được ký kết. Ngoài ra, tới đây, khi hiệp định thương mại với các nước EU (EVFTA) được ký kết, cơ hội cho nông sản Việt Nam sẽ rộng mở hơn. Với thị trường các nước trong CPTPP bao gồm khoảng 500 triệu dân, 13,5% GDP toàn cầu, tổng kim ngạch thương mại vượt 10.000 tỷ USD và các lợi thuế về thuế quan, CPTPP được đánh giá sẽ là cơ hội rất tốt cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Với việc tham gia CPTPP, GDP Việt Nam dự báo sẽ tăng thêm 1,3% và kim ngạch xuất khẩu cũng tăng thêm 4%. Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ tận dụng được lợi thế thâm nhập và tiếp cận sâu vào các thị trường bên kia Thái Bình Dương gồm Canada, Mexico và Peru, những thị trường mà Việt Nam chưa ký hiệp định thương mại. Hiệp định CPTPP hứa hẹn về một triển vọng tích cực cho các ngành xuất khẩu mà nước ta có thế mạnh. Về nông lâm thủy sản, Việt Nam có lợi thế và gần như không có đối thủ so với các nước trong CPTPP.

+ Với mặt hàng thủy sản:

Hiệp định sẽ góp phần vào việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá nói chung và mặt hàng thủy sản sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico, các nước này cũng thuộc nhóm những đối tác thương mại chính của xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Các nước CPTPP hàng năm nhập khẩu khoảng gần 2 tỷ USD hàng hóa, tương đương 23% tổng kim ngạch. Trong đó, riêng thị trường Nhật chiếm trên 15%. Với thị trường này, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm, bạch tuộc, cá ngừ sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Bên cạnh đó, New Zealand và Australia được nhận định là 2 thị trường mới có sức tiêu thụ sản phẩm thủy sản lớn. Hiệp định cũng là cơ hội để sản phẩm thủy sản Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường này.

+ Với mặt hàng rau quả:

CPTPP tạo ra nhiều cơ hội lớn cho xuất khẩu nông sản và thuỷ sản.

Xuất khẩu rau quả liên tục tăng trưởng cao trong những năm gần đây và trở thành một trong 3 mặt hàng nông sản xuất khẩu lớn nhất. Năm 2017, xuất khẩu rau quả đạt 3,5 tỷ USD, tăng 42,5% so với năm 2016 với khoảng 40 loại được xuất khẩu sang 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Nhật Bản là một trong 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu rau quả Việt Nam. Riêng trong 2 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu rau quả tiếp tục bứt phá với 649,6 triệu USD, tăng 54,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó riêng xuất sang Nhật Bản đạt 127,2 triệu USD, chiếm 19,5% tỷ trọng xuất khẩu rau quả của cả nước. Khi gia nhập CPTPP, để nông sản xuất được sang những thị trường khó tính như Nhật Bản, việc kiểm định chất lượng phải vô cùng nghiêm ngặt, và nếu đáp ứng được thì cánh cửa xuất khẩu, chinh phục thị trường khác của nông sản Việt Nam sẽ thêm rộng mở.

Tuy nhiên, đi kèm với những cơ hội có được từ CPTPP, các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức không nhỏ về các cam kết thuế quan và mở cửa đối với hàng hóa, dịch vụ của các nước đối tác tại thị trường trong nước, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt hơn tại sân nhà. Trong bối cảnh khả năng thích nghi của doanh nghiệp Việt Nam với kinh tế thị trường còn kém thì nguy cơ thất bại của các doanh nghiệp trên chính thị trường nội địa cũng vì thế gia tăng. Dù sản lượng sản xuất, xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam trong nhóm các nước dẫn đầu của thế giới nhưng giá trị vẫn chưa tương xứng, do xuất khẩu chủ yếu ở dạng thô, chất lượng của không ít sản phẩm bị ảnh hưởng từ việc sử dụng phân bón, hóa chất không đảm bảo quy chuẩn hàng xuất khẩu.

Trước những thách thức này, ngành nông nghiệp cần phải có chính sách toàn diện mới có thể tận dụng được các lợi thế mà các FTA mang lại. Cơ hội xuất khẩu nông sản Việt Nam rất lớn nhưng quy chuẩn, chất lượng sản phẩm là rào cản không nhỏ.

© Tuyên bố bản quyền