Đồ gỗ mỹ nghệ tinh xảo – thế mạnh của ngành nghề truyền thống Việt Nam, đặc biệt là ở Đà Nẵng và Hải Phòng.
Các nghệ nhân ở thôn Thiết Úng, xã Vân Hà, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội đã dày công với những sản phẩm gỗ mỹ nghệ tinh xảo, độc đáo để tạo vị thế cũng như tìm hướng phát triển cho làng nghề truyền thống. Nhờ có sự thay đổi trong việc kết hợp du lịch làng nghề, đồ gỗ mỹ nghệ đã trở thành hướng đi chính của toàn xã.
Thôn Thiết Úng (còn gọi là làng Đóm) được xem là cái “nôi” của nghề chạm khắc gỗ mỹ nghệ và tạc tượng ở xã Vân Hà, huyện Đông Anh. Với truyền thống phát triển nghề chạm khắc gỗ có từ hàng trăm năm, đến nay nghề gỗ Vân Hà vẫn được giữ gìn và phát triển, ngày càng khẳng định được chỗ đứng trên thị trường với chất lượng cao.
Là xã có nghề đồ gỗ mỹ nghệ truyền thống, chủng loại sản phẩm phong phú, đa dạng, các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp của địa phương được khách hàng trong và ngoài nước yêu thích. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Vân Hà có thiết kế đẹp, có tính cạnh tranh; một số sản phẩm đạt giải cao trong các cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ, được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Thành phố và khu vực.
Hình ảnh voi mẹ-voi con được tạo ra từ bàn tay tinh xảo của nghệ nhân xã Vân Hà, huyện Đông Anh
Sản phẩm của làng nghề mộc Thiết Úng gồm hai loại chính là hàng nội thất và hàng mỹ nghệ. Hàng trang trí nội thất với các sản phẩm là bàn ghế các loại (bàn ghế Âu – Á, bàn ghế Minh quốc, bàn ghế Ba Lan, bàn ghế rồng lùng, bàn ghế kiểu cổ, bàn ghế Lạc Việt, bàn ghế rồng đỉnh tứ linh, bàn ghế hình gốc cây…); các loại tủ (tủ đựng quần áo các hình dáng khác nhau theo yêu cầu của khách, tủ chè, tủ ba buồng…); các loại giường, bệ tủ ca, tủ đựng bát, các loại sập…
Hàng mỹ nghệ chủ yếu là tượng gỗ, khá phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã. Mỗi pho tượng làm ra từ làng nghề Thiết Úng như Phật Bà Quan âm, tượng Di lặc, Tam đa các kích thước, thần tài thần lộc, cô gái Quan họ… đều có một dáng vẻ và thần thái riêng.
Các sản phẩm gỗ thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch đang là hướng mới kết hợp du lịch làng nghề. Ngoài để du khách tham quan trải nghiệm các hoạt động sản xuất, sinh hoạt và văn hóa lịch sử, thì các nghệ nhân làng Thiết Úng sáng tạo ra nhiều sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm để bán cho các khách du lịch.
Toàn xã hiện có 5 thôn với gần 2.600 hộ dân, trong đó 80% hộ dân làm nghề thủ công mỹ nghệ. Giá trị sản xuất hàng năm về đồ thủ công mỹ nghệ đạt khoảng 70% trong tổng thu nhập của toàn xã. Có nhiều công ty tại xã Vân Hà chuyên sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ phục vụ trong nước và xuất khẩu.
Toàn huyện có 146 sản phẩm được đánh giá, phân hạng và nâng cấp, trong đó có 1 sản phẩm đánh giá tiềm năng 5 sao. Riêng nhóm ngành thủ công mỹ nghệ có 34 sản phẩm được xếp hạng 4 sao và 3 sao. Đã có 38 chủ thể có sản phẩm được xếp hạng sao, trong đó có 16 chủ thể là hợp tác xã, 11 chủ thể là hộ kinh doanh, 11 chủ thể là doanh nghiệp.
Một nghệ nhân xã Vân Hà, huyện Đông Anh đang hoàn thành tác phẩm Phật Bà Quan âm
Trong giai đoạn 2020-2025, huyện Đông Anh tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp; huy động các nguồn lực để triển khai đề án và kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP. Cùng với đó, huyện tăng cường hỗ trợ, nâng cấp các sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng và được công nhận sản phẩm OCOP; chú trọng phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị; thực hiện công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP một cách thống nhất, đồng bộ.
Mục tiêu trong năm 2022, huyện Đông Anh sẽ hoàn thiện, tổ chức đánh giá, nâng cấp ít nhất 40 sản phẩm được thành phố đánh giá, phân hạng, công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.
Trong thời gian tới, huyện Đông Anh sẽ tiếp tục phát triển và nâng cao giá trị nhãn hiệu tập thể gỗ mỹ nghệ Vân Hà. Các hộ sản xuất tích cực trong các hoạt động nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và thiết kế mẫu sản phẩm phong phú, phù hợp với nhu cầu và thị hiếu khách hàng. Đặc biệt nhờ có sự thay đổi trong việc kết hợp du lịch làng nghề, đồ gỗ mỹ nghệ đã trở thành hướng đi chính của toàn xã.