Tỉnh Cao Bằng đầu tư vào chế biến hoa hồi nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Theo quy hoạch vùng kinh tế của tỉnh Cao Bằng, cây hồi được phát triển tại các huyện Thạch An, Trùng Khánh, Bảo Lạc, Bảo Lâm với tổng diện tích hơn 5.000 ha. Cây hồi không chỉ làm giàu cho người dân tỉnh Cao Bằng mà còn tạo nguồn giống có chất lượng cho toàn tỉnh, giúp nhiều người phát triển kinh tế từ cây trồng chủ lực của địa phương.

Trước đây, cây hồi trồng chỉ để phủ xanh đất trống đồi núi trọc, nhưng hiện nay, cây hồi đã giúp người dân miền núi phía Bắc làm giàu.

Nhận thấy hồi là cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tỉnh Cao Bằng đã đưa cây hồi vào chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh và định hướng trở thành cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế.

Thông qua các chương trình, dự án, tỉnh Cao Bằng đã có sự đầu tư cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hồi, tuyên truyền, vận động người dân mở rộng diện tích trồng hồi.

Hoa hồi Cao Bằng

Thạch An là huyện đang phát triển mạnh và có diện tích cây hồi lớn nhất tỉnh Cao Bằng. Hiện nay, huyện Thạch An có 2.560 ha hồi, tập trung tại các xã: Vân Trình, Đức Xuân, Lê Lai, Thụy Hùng, Đức Long, Quang Trọng, Thị trấn Đông Khê.

Diện tích cây hồi của toàn huyện Trùng Khánh hiện nay hơn 1.000 ha, trong đó, có khoảng 90% diện tích đang cho thu hoạch. Hàng năm, sản lượng bình quân hoa hồi tươi của huyện đạt khoảng 2.500 – 3.000 tấn, tập trung chủ yếu ở các xã Xuân Nội, Cao Chương, Thị trấn Trà Lĩnh.

Từ trồng hồi, nhiều hộ gia đình có thu nhập từ 100 – 200 triệu đồng/năm. Cây hồi đã thực sự đem lại thu nhập cao, làm đổi thay cuộc sống của nhiều hộ dân huyện Trùng Khánh và huyện Thạch An.

Là giống cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao, các huyện có chủ trương triển khai trồng mới, trồng thay thế các diện tích cây hồi đã già cỗi, kém năng suất. Với chính sách hỗ trợ đầu tư thâm canh diện tích trồng hồi hiện có, các huyện trong tỉnh cũng bố trí hỗ trợ người dân cây giống, phân bón để tiếp tục mở rộng diện tích trồng hồi.

Trồng cây hồi khá đơn giản, chỉ phải bỏ công chăm sóc, bảo vệ lúc cây còn nhỏ; khi cây đã phát triển cao hơn 1 mét thì không tốn nhiều công chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh như một số loại cây trồng khác mà hiệu quả kinh tế tương đối ổn định và cho thu hoạch lâu dài.

Thời gian qua, các quy trình từ chọn giống, ươm cây, quy trình trồng, chăm sóc, bảo vệ, thu hoạch đều được cấp chính quyền phổ biến rộng rãi đến tận từng hộ dân để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hồi. Người dân đã chịu khó phát rừng hồi mỗi năm 1-2 lần, bón phân để cây phát triển tốt, nhờ đó sản lượng hồi cũng tăng cao, không còn tình trạng phụ thuộc vào thời tiết như trước đây.

Theo thống kê, diện tích hồi toàn tỉnh Cao Bằng đến nay có hơn 5.000 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện: Thạch An, Trùng Khánh, Bảo Lạc, Bảo Lâm. Hàng năm, sản lượng hồi vẫn chủ yếu là bán hoa hồi tươi, khô cho các thương lái trong và ngoài tỉnh thu mua vận chuyển xuất khẩu sang Trung Quốc.

Với mục đích tăng giá trị kinh tế cao hơn cho cây hồi, nhiều tổ hợp tác, hộ dân tại huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm đã đầu tư máy chiết xuất tinh dầu từ lá hồi. Có sản phẩm tinh dầu hồi đã đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, được đánh giá tốt về chất lượng. Hoa hồi qua chế biến sẽ có giá trị hơn so với bán sản phẩm tươi, nhưng số lượng các hộ dân, tổ hợp tác tham gia chế biến còn nhỏ lẻ. Đây cũng là điểm khó khăn trong công tác phát triển hoa hồi, cùng với đó, sản phẩm hồi trên địa bàn tỉnh hiện nay phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc.

Sản phẩm tinh dầu hoa hồi tỉnh Cao Bằng

Thổ nhưỡng của Cao Bằng rất phù hợp với cây hồi. Những năm tới, cây hồi vẫn là một trong những cây lâm nghiệp đa tác dụng, chủ lực trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở nhiều địa phương.

Tỉnh Cao Bằng đầu tư vào chế biến hoa hồi nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Tiềm năng của cây hồi rất lớn, có thể phát triển mạnh. Các cấp, các ngành, các cơ quan cũng rất quan tâm, tiếp tục tuyên truyền cho người dân chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Để tập trung chế biến sâu từ hồi, cần có nhà máy giúp bao tiêu toàn bộ sản lượng hồi, do đó nếu có sự đầu tư xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ cây hồi sẽ đem lại giá trị gia tăng cao hơn nữa, góp phần đưa cây hồi trở thành nguồn lực phát triển bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế, thu nhập cao cho người dân địa phương.

© Tuyên bố bản quyền