Lm Đồng sản xuất sầu ring theo công nghệ cao, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.
Sầu riêng là một trong những loại trái cây chủ lực của tỉnh Lâm Đồng. Để đảm bảo đầu ra sầu riêng ổn định và giá bán cao, tỉnh Lâm Đồng đã định hướng cho nông dân sản xuất sạch, ưu tiên sử dụng các chế phẩm sinh học để chăm sóc sầu riêng, bảo đảm chất lượng và hạn chế sâu bệnh. Việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ sẽ đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cho xuất khẩu.
Hình ảnh đóng gói sầu riêng xuất khẩu
Tỉnh Lâm Đồng xác định cây sầu riêng mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân, giúp họ vươn lên làm giàu và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế toàn tỉnh.
Theo số liệu thống kê, tổng diện tích trồng sầu riêng toàn tỉnh năm 2023 đạt 20.363,5 ha, bao gồm 12.649 ha trồng thuần và 7.714,5 ha trồng xen. Trong đó, diện tích ở giai đoạn kinh doanh là 10.844 ha, sản lượng thu hoạch gần 124.000 tấn.
Sầu riêng được trồng chủ yếu tại các huyện Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai và Đạ Tẻh với tổng diện tích 13.965 ha (sản lượng 84.298 tấn), chiếm 68,6% diện tích và 68% tổng sản lượng toàn tỉnh.
Để phát huy lợi thế tiềm năng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức 81 lớp tập huấn tại các vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng, thu hút gần 2.500 người tham gia. Đồng thời, Sở còn phối hợp với Hội nông dân tỉnh tổ chức tập huấn cho 150 đại biểu Hội nông dân cơ sở thuộc 12 huyện, thành phố trên địa bàn. Nội dung tập trung vào quản lý sản xuất và kiểm soát đối tượng kiểm dịch thực vật liên quan đến tiêu thụ sầu riêng.
Đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng đã cấp 114 mã số vùng trồng sầu riêng với diện tích gần 5.490 ha (chiếm 60,2% tổng diện tích kinh doanh trồng thuần) và có 10 cơ sở đóng gói sầu riêng với tổng diện tích nhà xưởng 13.419 m2; Đồng thời hoàn thành 47 hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng sầu riêng với diện tích 1.891 ha và 12 cơ sở đóng gói với diện tích 13.150 m2.
Huyện Di Linh đã được cấp Chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Sầu riêng Di Linh”.
Tại huyện Di Linh, diện tích trồng sầu riêng đạt 5.719 ha, sản lượng 23.804 tấn, chiếm 28,1% tổng diện tích và 19,2% sản lượng toàn tỉnh. Huyện có hơn 65 doanh nghiệp tổ chức thu mua sầu riêng; trong đó có 16 tổ chức và 49 cá nhân, đại lý thu mua. Di Linh đã được cấp 15 mã vùng trồng, trong đó 1 mã được cấp năm 2022 và 14 mã riêng được cấp năm 2023 với diện tích 624,82 ha, sản lượng đăng ký khoảng 19.019 tấn. Di Linh có 4 cơ sở đóng gói sầu riêng với tổng diện tích nhà xưởng 4.269 m2.
Đánh giá thực tế cho thấy điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu tại huyện Di Linh phù hợp cho phát triển cây sầu riêng, được các tổ chức thu mua đánh giá cao về chất lượng. Hiện nay, huyện Di Linh đã được cấp Chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Sầu riêng Di Linh”.
Nhận thấy tiềm năng phát triển cây sầu riêng còn lớn, huyện Di Linh định hướng phát triển sầu riêng đến năm 2030 đạt 6.500 ha, sản lượng trên 100.000 tấn, tăng 65.000 tấn so với năm 2024. Phát triển nhanh các vùng sản xuất an toàn và được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ; áp dụng đồng bộ khoa học công nghệ trong sản xuất và bảo quản sản phẩm, tập trung ở các xã Hoà Nam, Đinh Trang Hoà, Hoà Bắc, Hoà Trung, Liên Đầm, Đinh Lạc, Tân Thượng, Tân Lâm, Đinh Trang Thượng.
Dù đầu ra sầu riêng tương đối thuận lợi nhờ nhu cầu thị trường Trung Quốc tăng cao, ngành nông nghiệp huyện Di Linh khuyến cáo không nên phát triển nóng diện tích trồng sầu riêng. Nên tập trung canh tác giống phù hợp và sử dụng giống mới chất lượng, rải vụ thu hoạch, thuận lợi cho tiêu thụ.
Định hướng phát triển sầu riêng của tỉnh Lâm Đồng trong thời gian tới
Để đảm bảo đầu ra sầu riêng ổn định, giá bán cao, tỉnh Lâm Đồng định hướng cho người dân sản xuất sạch, ưu tiên sử dụng chế phẩm sinh học để chăm sóc sầu riêng, đảm bảo chất lượng và hạn chế sâu bệnh. Việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ sẽ đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cho xuất khẩu.
Nhiều địa phương cũng định hướng phát triển sầu riêng bền vững, tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng và đúng cách) và chỉ thu hoạch khi đảm bảo độ chín, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và kim loại nặng. Ngoài việc định hướng phát triển từ diện tích đến quản lý chất lượng vùng trồng, các cơ quan chức năng cũng thúc đẩy hợp tác công tư và phối hợp với doanh nghiệp tổ chức thí điểm mô hình trồng sầu riêng bền vững.
Theo kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, tỉnh Lâm Đồng phấn đấu phát triển thêm 18.500 ha cây ăn quả, trọng tâm là sầu riêng, chuối, bơ, chanh leo… Tỉnh sẽ tập trung phát triển diện tích ở 3 huyện phía Nam đối với cây sầu riêng. Trong vài năm qua, xu hướng tiêu dùng thế giới ưu chuộng sản phẩm nông sản chất lượng cao. Chính vì vậy, định hướng phát triển của tỉnh Lâm Đồng đối với cây sầu riêng theo hướng bền vững, đảm bảo an toàn từ người sản xuất đến người tiêu dùng, đáp ứng tiêu chuẩn cho thị trường xuất khẩu.