Xuất khẩu có thể đạt trên 5 tỷ USD vào năm 2024.

Đắk Lắk là tỉnh có lượng xuất khẩu cà phê lớn, chiếm 2/3 sản lượng và giá trị cà phê xuất khẩu của cả nước. Tỉnh đang yêu cầu các doanh nghiệp trên địa bàn phải cải thiện, tập trung hơn nữa vào chế biến sâu các sản phẩm từ cây cà phê thay vì chỉ tập trung vào phần thô như hiện nay. Tỉnh Đắk Lắk sẽ phát triển cà phê Robusta đặc sản tại 5 xã thuộc 3 huyện, thành phố, gồm: huyện Krông Năng (xã Ea Tân, Ea Toh); huyện Krông Pắc (xã Hòa An, Ea Yông) và thành phố Buôn Ma Thuột (xã Ea Tu), với tổng diện tích khoảng 1.060 ha vào năm 2025 và 2.120 ha vào năm 2030; sản lượng dự kiến khoảng 1.500 tấn vào năm 2030.

Lâm Đồng là tỉnh có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển cây cà phê, hiện tại toàn tỉnh có 172.000 ha, sản lượng đạt khoảng 515.000 tấn, trong đó diện tích cà phê chè (Arabica) khoảng 17.500 ha, chiếm khoảng 10,2% tổng diện tích. Lâm Đồng đứng thứ 2 cả nước về diện tích trồng cà phê (sau Đắk Lắk), nhưng cà phê Lâm Đồng có năng suất bình quân và sản lượng cao nhất cả nước. Nhờ vào khí hậu, thổ nhưỡng và chuyên môn hóa, tỉnh Lâm Đồng phát triển cà phê Arabica thành mặt hàng chủ lực, đại diện cho vùng nguyên liệu cà phê Arabica Tây Nguyên với chất lượng cao, có thương hiệu mang tầm quốc tế. Lâm Đồng đã xác định phát triển 5 vùng chuyên canh cà phê đặc sản có quy mô lớn tại các huyện: Di Linh 40.000 ha, Lâm Hà 30.000 ha, Bảo Lâm 20.000 ha, Đức Trọng 10.000 ha, thành phố Đà Lạt và huyện Lạc Dương 4.000 ha để hình thành những vùng nguyên liệu lớn phục vụ cho chế biến và xuất khẩu.

Trong năm 2024, giá cà phê luôn ở mức cao, mức cao nhất trong giao dịch là tháng 9/2024 đạt 4.665 USD/tấn. Tháng 10/2024 giá cà phê giảm vì Việt Nam đã bắt đầu vào vụ thu hoạch cà phê, bắt đầu từ tháng 10, cao điểm vào tháng 11 và tháng 12 hàng năm, một số vùng thu hoạch kéo dài đến tháng 1 năm sau. Tuy vậy, giá vẫn ở mức cao do sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ 2024 – 2025 có thể giảm từ 10 – 16% so với vụ trước.

Xuất khẩu cà phê chủ yếu vẫn là sản phẩm thô, tỉ lệ cao. Các sản phẩm cà phê chế biến có kim ngạch xuất khẩu tăng nhưng vẫn ở mức thấp. Do xuất khẩu cà phê thô là chủ yếu nên người tiêu dùng quốc tế rất ít biết đến cà phê Việt Nam bởi sản phẩm được bán ra dưới tên của các nhà chế biến.

Hình ảnh thu hoạch cà phê chuẩn bị xuất khẩu

Hiện tại, Việt Nam đã bước vào niên vụ cà phê 2024 – 2025. Trong những ngày đầu tháng 10/2024, giá cà phê tại Tây Nguyên đang có xu hướng giảm so với tháng 9/2024. Mặc dù đã giảm so với cuối tháng 9/2024, nhưng giá cà phê hiện tại vẫn đang ở mức cao gấp gần 2 lần so với tháng 10/2023.

Giá cà phê trên các sàn giao dịch thế giới cũng có xu hướng điều chỉnh giảm. Tổng cộng giá cà phê trên thị trường thế giới đã giảm 415 USD/tấn trong tháng 10/2024. Giá cà phê giảm trong tháng 10/2024 là do Ủy ban châu Âu vừa đề xuất hoãn 01 năm việc thực hiện quy định cấm nhập khẩu các mặt hàng liên quan đến phá rừng.

Xuất khẩu có thể đạt trên 5 tỷ USD vào năm 2024.

Trong những tháng gần đây, vì lo ngại nhiều lô hàng cà phê không đáp ứng được quy định EUDR, các nhà nhập khẩu EU đã đẩy mạnh thu mua cà phê từ các nước sản xuất trước thời điểm quy định này có hiệu lực, khiến giá cà phê tăng mạnh. Việc hoãn thực hiện EUDR sẽ làm giảm áp lực giao cà phê sang EU trong tháng 11/2024, khiến khách hàng giảm bớt nhu cầu giao dịch mới dẫn đến giá cà phê trên các sàn giao dịch giảm. Điều này tác động đến giá cà phê ở các nước sản xuất chính, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, dự báo giá cà phê thế giới sẽ trở lại đà tăng trong những tháng cuối năm, do nguồn cung vẫn thiếu hụt so với nhu cầu.

Giá trị xuất khẩu cà phê tăng do giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường thế giới tăng, đặc biệt là tại các thị trường chính. Tại các thị trường xuất khẩu cà phê chủ lực của Việt Nam như EU, Nga, Mỹ, Inđônêsia, Philippin, Hà Lan, Trung Quốc, mức giá nhập khẩu đã tăng lên khoảng 30% so với năm trước. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp gia tăng số lượng xuất khẩu những tháng cuối năm 2024.

Triển vọng xuất khẩu cà phê có nhiều tín hiệu tích cực trong các tháng còn lại của năm 2024, nhưng so với những tháng trước đó, kim ngạch xuất khẩu sẽ không tăng cao do giá và sản lượng thu hoạch giảm.

Ngoài yếu tố về giá, yếu tố thị trường cũng đang nhiều thuận lợi. Xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang các nước như Tây Ban Nha, Nga, Mỹ, Inđônêsia, Philippin, Hà Lan, Trung Quốc sẽ tiếp tục lạc quan trong thời gian tới.

Với những yếu tố thuận lợi về giá, thị trường và sản lượng đang vào mùa thu hoạch, cùng với kết quả đạt 4,312 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cà phê trong năm 2024 dự báo có thể đạt vượt mốc kỷ lục 5 tỷ USD.

Nếu tính niên vụ 2023 – 2024 (từ tháng 10/2023 – 9/2024), thì Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 1,46 triệu tấn cà phê với giá trị 5,43 tỷ USD. Dự kiến, khi Việt Nam vào vụ thu hoạch mới, sản lượng cà phê niên vụ 2024 – 2025 ước đạt mức 1,47 triệu tấn và xuất khẩu có thể đạt 6 tỷ USD.

Thông tin chi tiết xem file đính kèm.

© Tuyên bố bản quyền