Nâng cao giá trị kinh tế qua con đường Long Trị
Nhờ tuân thủ các biện pháp kỹ thuật canh tác, diện tích quýt đường Long Trị ở Hậu Giang phát triển tốt, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế của cây trồng, tạo đầu ra ổn định.
Bên cạnh nhiều loại nông sản đã được chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa, gồm cam sành, chanh không hạt, bưởi năm roi, cá rô, cá thát lát, xoài cát, dứa… Hậu Giang còn có lợi thế để phát triển cây quýt đường. Quýt đường Long Trị đã gây dựng được thương hiệu, để loại quả này trở thành đặc sản riêng, góp phần xây dựng nền kinh tế địa phương ổn định.
Hậu Giang đã mở rộng diện tích, mang giống quýt đường Long Trị trồng tại nhiều vùng trong tỉnh như tại thị xã Long Mỹ, huyện Phụng Hiệp, thành phố Vị Thanh, huyện Long Mỹ. Hiện nay, tổng diện tích trồng quýt đường của tỉnh Hậu Giang lên đến hơn 1.000 ha. Dự kiến mỗi ha quýt sẽ cho năng suất khoảng 22-24 tấn trái/năm.
Riêng tại thị xã Long Mỹ, đến hết năm 2020, vùng trồng quýt đường Long Trị dự kiến đạt từ 195,7 ha trở lên, hình thành vùng sản xuất quýt đường chuyên canh, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao. Với diện tích gần 200 ha, tổng sản lượng trái hàng năm tại đây sẽ là 4.700 tấn.
Quýt đường Long Trị – Hậu Giang
Trồng cây quýt đường Long Trị theo phương pháp ươm hạt, phải từ 5 đến 7 năm mới cho trái nhưng tuổi thọ của cây khá cao, trung bình là 40 năm. Quýt đường cho thu hoạch khoảng vào tháng 7 đến tháng 10 âm lịch, nhưng cũng có thể cho quả trái mùa là nhờ áp dụng công nghệ trồng mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Quýt đường Long Trị trong những năm gần đây có năng suất tăng, đồng thời chất lượng cũng tăng là nhờ các nhà vườn tuân thủ tốt các biện pháp kỹ thuật canh tác. Giá của loại quả này trên thị trường cũng cao và ổn định.
Nâng cao kỹ thuật sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế quýt đường
Quýt đường Long Trị là cây có giá trị cao nên dẫn đến việc người dân mở rộng diện tích ồ ạt, cây giống không có nguồn gốc, do đó chất lượng trái kém, cây yếu, dễ bị bệnh, điển hình là dịch bệnh vàng lá thối rễ xuất hiện khiến cho diện tích quýt đường giảm. Hậu Giang đã triển khai thực hiện Đề án “Phục hồi và nâng cao chất lượng cây quýt đường Long Trị trên địa bàn thị xã Long Mỹ giai đoạn 2017-2020” giúp nhà vườn khắc phục tình trạng thoái hóa giống, dịch bệnh vàng lá thối rễ, nâng cao kỹ thuật sản xuất nhằm tăng hiệu quả kinh tế quýt đường Long Trị.
Để “Quýt đường Long Trị” trở thành thương hiệu mạnh trên thị trường đòi hỏi người dân áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, canh tác để giữ vững chất lượng, uy tín sản phẩm.
Tỉnh Hậu Giang đã đề ra chương trình, kế hoạch cụ thể để gắn kết liên ngành, tạo ra hướng đi mới nhiều triển vọng để thực hiện chương trình phát triển nông sản chủ lực của tỉnh đến hết năm 2020 và mục tiêu phát triển đến năm 2025. Các sản phẩm nông sản, trong đó có quýt đường Long Trị tại Hậu Giang được sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, có đầu ra ổn định nhờ sự tăng cường liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ.