Hà Giang bảo tồn và phát triển thương hiệu nông sản theo hướng đổi mới.

Tỉnh Hà Giang đã chọn hướng đi riêng để phát triển nông nghiệp bền vững trong cuộc cạnh tranh của thị trường nông sản hiện nay. Tỉnh sẽ tập trung bảo tồn và nâng tầm phát triển sản phẩm nông nghiệp “Sạch” gắn với thương hiệu dựa trên tiềm năng, lợi thế của địa phương theo hướng đi mới.

Đến nay, toàn tỉnh Hà Giang có 266 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP. Bên cạnh đó, ngành chức năng thường xuyên tổ chức đánh giá, bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu để từ đó có kế hoạch hỗ trợ các tổ chức, cá nhân phát triển sản phẩm đặc sản ngày càng chuyên nghiệp, đáp ứng được nhu cầu thị trường. Sản phẩm như cam sành, mật ong bạc hà, chè, cây dược liệu là những sản phẩm nông nghiệp đặc thù và nằm trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.

Giới thiệu một số sản phẩm đặc sản, đặc trưng tỉnh Hà Giang

Mật ong bạc hà:

Sản phẩm mật ong bạc hà đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý Mèo Vạc trên địa bàn 47 xã, thuộc 4 huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh và Quản Bạ. Thực hiện Quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý Mèo Vạc cho sản phẩm mật ong bạc hà, trên địa bàn 4 huyện vùng cao đã hình thành các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh mật ong, như: HTX Tuấn Dũng, Hoàng Điệp, Phong Hưởng, Thành Đô, Công ty TNHH Trường Anh. Các doanh nghiệp, HTX đã đầu tư công nghệ, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm nên mật ong bạc hà ngày càng khẳng định được vị thế vững chắc trên thị trường, nghề nuôi ong đã trở thành định hướng sản xuất hàng hóa quan trọng, giúp người dân trên Cao nguyên đá từng bước xóa đói, giảm nghèo và tiến tới làm giàu.

Hình ảnh mật ong bạc hà Hà Giang

Mật ong bạc hà của Hà Giang có nguồn gốc tự nhiên, chất lượng tốt. Nghề nuôi ong lấy mật đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, không tốn nhiều diện tích, chi phí đầu tư ban đầu thấp, hơn hết không tốn công chăm sóc. Yên Minh là huyện có lợi thế về cây hoa bạc hà và đã có nhiều biện pháp tích cực để nâng tổng số đàn ong mật. Với những cơ chế, chính sách đã khuyến khích người dân phát triển đàn ong cả số lượng và chất lượng, người dân từ chỗ chăn nuôi tự phát nay đã mạnh dạn mở rộng quy mô chăn nuôi, đầu tư phát triển theo hướng hàng hóa. Cùng những định hướng của tỉnh, Yên Minh đã có những kế hoạch riêng để phát triển đàn ong mật trên địa bàn huyện, từ đó góp phần vào công cuộc giảm nghèo ở của địa phương.

Để phát triển nghề nuôi ong, tỉnh cần có những chính sách ưu đãi để người nuôi ong yên tâm sản xuất. Bên cạnh đó, cần ưu tiên bảo tồn giống ong nội địa và khuyến khích phát triển tạo nguồn hoa bạc hà để duy trì nghề nuôi ong bền vững. Cần định hướng cho người dân biết được tiêu chuẩn xuất, nhập khẩu mật ong ở một số nước để sản xuất mật ong thành sản phẩm hàng hóa, mang lại thu nhập bền vững cho người dân.

Chè Hà Giang:

Hà Giang có khí hậu và đất đai thuận lợi cho quá trình phát triển cây chè. Diện tích chè Hà Giang đứng thứ 3 cả nước, với khoảng 20.000 ha, sản lượng đạt khoảng 92.000 tấn. Chè được trồng chủ yếu tại 5 huyện: Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì và Xín Mần. Đáng chú ý, Hà Giang hiện có một số sản phẩm chè đặc sản như Shan Tuyết Lũng Phìn, Shan Nậm Ty, Cao Bồ… được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng. Chè có chất lượng tốt, hương vị đặc biệt nhờ được trồng ở độ cao từ 600 – 1.500m so với mực nước biển, chủ yếu được thu hoạch và khai thác tự nhiên đã nổi tiếng trên thị trường trong và ngoài nước.

Nhằm xây dựng và bảo tồn, khai thác và phát triển bền vững cây chè Shan Tuyết cổ thụ trên địa bàn, tỉnh Hà Giang đã triển khai đề tài nghiên cứu, thực hiện điều tra và xác định được cây chè cổ thụ đầu dòng, diện tích chè được công nhận là cây di sản lớn nhất cả nước là 1.600 cây. Với vùng chè hữu cơ khổng lồ, việc đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm bảo tồn, gắn với nâng cao năng suất, chất lượng và thương hiệu của cây chè Shan Tuyết ở Hà Giang đã được quan tâm đặc biệt trong mấy năm trở lại đây. Các thương hiệu chè như chè Shan Tuyết Lũng Phìn huyện Đồng Văn, chè Shan Nậm Ty của huyện Hoàng Su Phì, chè Cao Bồ của huyện Vị Xuyên đã nổi tiếng trong nước và quốc tế.

Hà Giang bảo tồn và phát triển thương hiệu nông sản theo hướng đổi mới.

Cam sành Hà Giang:

Xác định được vai trò của việc phát triển cây cam sành trong đời sống xã hội, UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chất lượng cam sành, trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động nhân dân không sử dụng thuốc, hóa chất cấm trong chăm sóc và bảo quản cam. Sản phẩm “Cam sành Hà Giang” là sản phẩm nông nghiệp thứ 2 sau mật ong bạc hà đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý.

Hình ảnh cam sành Hà Giang

Để bảo vệ giá trị thương hiệu “Cam sành Hà Giang” thì việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm bảo vệ thương hiệu của người dân, đồng thời nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm cam sành là vô cùng quan trọng. Trong niên vụ 2021 – 2022, tổng diện tích cam của tỉnh đạt 8.159,3 ha, sản lượng ước đạt 77.810 tấn. Trong đó, diện tích cam sành là 6.103,8 ha, năng suất cam sành bình quân ước đạt 102,6 tạ/ha, sản lượng cam sành sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 45.700 tấn. Diện tích cam vàng 2.055,5 ha, năng suất bình quân ước đạt 111,68 tạ/ha và sản lượng vào khoảng 19.280 tấn. Việc trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP và cam hữu cơ đã mang lại thu nhập cao cho người trồng, đặc biệt có những hộ nông dân thu nhập khoảng 2 – 3 tỷ đồng một năm, giúp người dân làm giàu góp phần phát triển kinh tế địa phương từ cây cam.

Hồng không hạt:

Hồng không hạt Quản Bạ đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý và giao cho UBND tỉnh Hà Giang là đơn vị tổ chức quản lý. Hồng không hạt là giống hồng địa phương, được trồng trong khu vực có độ cao hàng nghìn mét so với mặt nước biển nên chất lượng có sự khác biệt. Quả hồng ăn ngọt đậm, giòn và nhiều bột mịn; vỏ quả cứng, thịt quả chắc, dễ bảo quản, vận chuyển nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Thôn Phìn Ủng, xã Nghĩa Thuận, huyện Quản Bạ vẫn còn lưu giữ được cây hồng “tổ”, có tuổi đời hơn 200 năm. Người dân trong thôn trồng hồng theo hướng sản xuất hàng hóa, quy mô lớn, tất cả các hộ dân trong thôn Phìn Ủng nhà nào cũng trồng hồng không hạt, hộ ít trồng chục cây quanh vườn, hộ nhiều trồng từ hai đến ba trăm gốc.

Toàn huyện Quản Bạ có khoảng 100 ha hồng không hạt đang cho thu hoạch trên tổng diện tích gần 300 ha, với sản lượng đạt 560 tấn/năm. Huyện đang quan tâm ứng dụng khoa học công nghệ vào việc nhân giống, trồng, chăm sóc và bảo quản quả để nâng cao năng suất, chất lượng. Để tiếp tục giữ vững thương hiệu, phát triển bền vững cây đặc sản hồng không hạt, bên cạnh việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất thì điều quan trọng nhất đó là người trồng hồng huyện Quản Bạ cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình trồng và chăm sóc hồng theo hướng hữu cơ.

© Tuyên bố bản quyền