Huyện B Thước – Thanh Hóa: Bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm nhằm thúc đẩy du lịch.
Nghề dệt thổ cẩm tại huyện Bá Thước trước kia chỉ phục vụ cuộc sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc nơi đây, nay đã phát triển cùng với hoạt động du lịch cộng đồng tại khu du lịch Pù Luông. Huyện Bá Thước sẽ tiếp tục bảo tồn, khôi phục, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, nâng cao và góp phần phát triển du lịch trên địa bàn huyện.
Giới thiệu chung về dệt thổ cẩm Bá Thước
Huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa gìn giữ nhiều nét đặc trưng bản sắc văn hóa của dân tộc, trong đó có nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Thái, người Mường. Trong những năm gần đây, để bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm của dân tộc mình, nhiều hộ gia đình dân tộc Thái, Mường tại huyện Bá Thước đã tìm tòi và sáng tạo nhiều sản phẩm phục vụ khách du lịch.
Tại thôn Lặn Ngoài, xã Lũng Niêm, huyện Bá Thước, đa số người dân từ già đến trẻ đều biết dệt thổ cẩm, dệt thổ cẩm không chỉ là phong tục đẹp mà còn là một trong những tiêu chí để đánh giá sự khéo léo, chăm chỉ của người con gái. Để có được một sản phẩm thổ cẩm thật đẹp đến tay người tiêu dùng thì phải trải qua một quá trình lao động sáng tạo và tích lũy kinh nghiệm lâu dài, phải lựa chọn sợi, kéo khung, lên khung, sau đó chọn mẫu các loại hoa văn.
Những năm trước nghề dệt thổ cẩm chưa phát triển, sản phẩm may mặc chủ yếu là chăn, màn, khăn, gối, quần áo. Đến nay, cùng với việc phát triển du lịch cộng đồng trong thôn, huyện, các thợ dệt đã sáng tạo thêm nhiều sản phẩm dệt thổ cẩm mới như túi xách, giày, dép, thú nhồi bông và những vật lưu niệm nhỏ.
Hoạt động sản xuất dệt thổ cẩm Bá Thước
Đặc điểm của nghề thổ cẩm truyền thống của dân tộc Thái huyện Bá Thước là các thợ dệt đều tự làm tất cả từ các khâu như chuẩn bị nguyên liệu, dệt vải, nhuộm màu, nhuộm chỉ, thêu may thành sản phẩm cuối cùng. Đây là một quy trình khép kín, cho thấy tập quán tự cung, tự cấp của đồng bào Thái vẫn còn duy trì. Do đó, những năm trước đây, ở vùng cao Thanh Hóa, nghề trồng dâu, nuôi tằm khá phổ biến, các thợ dệt cũng tự sáng tạo cách nhuộm màu tự nhiên cho vải thổ cẩm từ các loài cây rừng. Qua tài năng pha trộn của người phụ nữ Thái đã tạo nên những màu sắc độc đáo khác nhau như tạo ra một số sản phẩm vải dệt để may thành váy, áo, khăn piêu, túi xách, gối, chăn, nệm.
Nghề dệt thổ cẩm tại huyện Bá Thước
Đáng chú ý, hoa văn trên thổ cẩm diễn tả những tình cảm, suy nghĩ của con người về cuộc sống xã hội và tự nhiên, những người thợ dệt có thể thoải mái sáng tạo chứ không sao chép nguyên như mẫu. Trong đó, các họa tiết trên thổ cẩm Thái thường đối xứng với nhau, phản ánh quan niệm về sự cân đối, hòa hợp của thiên nhiên và cuộc sống, những quan niệm về vũ trụ, triết lý âm dương, đất trời cùng vạn vật. Có khoảng hơn 30 loại hoa văn, họa tiết được thể hiện sống động trên thổ cẩm, phù hợp với các loại sản phẩm khác nhau.
Giải pháp phát triển dệt thổ cẩm huyện Bá Thước trong thời gian tới
Trước kia, mặt hàng dệt thổ cẩm tại các thôn, bản ở Bá Thước chủ yếu phục vụ cuộc sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc nơi đây, nay đã và đang phát triển mạnh và dần trở thành những sản phẩm thương mại gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Bá Thước. Những sản phẩm thổ cẩm được làm ra từ đôi bàn tay khéo léo của phụ nữ Thái, huyện miền núi Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa có sức hút đối với các du khách tham quan và nghỉ dưỡng ở các địa điểm du lịch, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống cho đồng bào.
Trong thời gian tới, để bảo tồn, khôi phục, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, nhằm góp phần phát triển du lịch trên địa bàn huyện Bá Thước, chính quyền các cấp tỉnh Thanh Hóa hướng dẫn huyện Bá Thước tổ chức các lớp tập huấn về phương pháp bảo tồn, phát huy giá trị phi vật thể liên quan đến nghề thủ công truyền thống và nghệ thuật thêu hoa văn trên trang phục truyền thống dân tộc. Đồng thời, hướng dẫn phát triển du lịch cho hàng trăm học viên là phụ nữ dân tộc thiểu số ở các xã Ban Công, Thành Lâm, Thành Sơn, Cổ Lũng, Lũng Niêm, Lũng Cao.
Chính quyền và người dân nơi đây đã chú trọng nâng cao chất lượng mẫu mã, xây dựng thêm các làng nghề thổ cẩm thành các điểm đến tham quan cho khách du lịch, coi nghề dệt thổ cẩm là một sản phẩm du lịch. Đồng thời, tích cực quảng bá giới thiệu sản phẩm dệt truyền thống với bạn bè, du khách, tạo điều kiện cho người tham gia làm nghề được học hỏi, giao lưu với nghề dệt thổ cẩm của các tỉnh khác nhằm học hỏi những tiến bộ mới trong kỹ thuật, khơi dậy tiềm năng sáng tạo mới, đưa nghề dệt thổ cẩm ngày càng phát triển.