Bảo tồn và phát triển nghề dệt lanh tại Làng Tắm, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang.
Trong những năm qua, nghề dệt vải lanh Lùng Tám của đồng bào dân tộc Mông không chỉ có ý nghĩa bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Để giữ gìn và phát triển nghề dệt vải lanh, chính quyền địa phương đã có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các hợp tác xã dệt vải lanh mở rộng quy mô phát triển làng nghề. Đồng thời, mở rộng nghề dệt vải lanh ra các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Hà Giang và những tỉnh lân cận.
Giới thiệu sản phẩm dệt lanh xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ, Hà Giang
Lùng Tám là một xã thuộc huyện Quản Bạ, cách trung tâm thành phố Hà Giang khoảng 50 km. Nghề trồng lanh dệt vải của đồng bào dân tộc Mông tại 4 huyện cao nguyên đá Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh và Quản Bạ đã có từ lâu đời. Lanh Lùng Tám với những ưu điểm thích nghi với điều kiện khí hậu của vùng địa lý dưới chân những dãy núi, bên dòng sông Miện thuận lợi để đồng bào người Mông giữ gìn nghề trồng lanh dệt vải. Bên cạnh đó, người Mông trồng thêm cây bông, tơ và gai nhưng diện tích ít hơn để sử dụng các chất liệu làm phụ trợ khi tạo ra các văn hoa trên nền vải lanh hoặc trong các sinh hoạt khác tại địa phương.
Để tạo ra những sản phẩm lanh phải trải qua 41 công đoạn hoàn toàn thủ công, tỉ mỉ và kiên nhẫn, tấm vải lanh thổ cẩm Lùng Tám mới thành hình nên dáng. Với nguyên liệu tự nhiên và quy trình thủ công truyền thống, sợi lanh được nhuộm với nhiều mầu sắc khác nhau, tạo thành các sản phẩm vải đa dạng dùng để may quần áo, làm khăn quàng cổ, túi thổ cẩm.
Những trang phục từ vải lanh đã gắn liền với ngày tết, lễ hội, cưới hỏi truyền thống, đặc biệt quan trọng của người Mông. Nghề dệt lanh của người Mông giúp những người dân nơi đây có việc làm, nâng cao thu nhập và lưu giữ được những giá trị về bản sắc văn hóa của dân tộc. Là một minh chứng thể hiện đức tình cần cù, chịu thương chịu khó của đồng bào đã vượt qua mọi khó khăn, khắc nghiệt của tự nhiên để xây dựng đời sống ngày càng tươi đẹp.
Hình ảnh sản phẩm vải lanh thổ cẩm Lùng Tám, huyện Quản Bạ, Hà Giang
Tiêu biểu tại Lùng Tám là Hợp tác xã dệt lanh Lùng Tám, với 23 năm kinh nghiệm, không chỉ là nơi bảo tồn, phát triển nét văn hóa độc đáo của dân tộc mà còn là nơi giúp người dân có việc làm và thu nhập ổn định. Sản phẩm dệt lanh thủ công do những người phụ nữ Mông tạo ra như áo, váy, vải lanh, túi, ví còn trở thành điểm tham quan của khách du lịch khi đến với Hà Giang.
Hướng phát triển của nghề dệt lanh Lùng Tám, huyện Quản Bạ, Hà Giang
Dệt vải lanh không chỉ là nghề truyền thống mà còn tạo việc làm giúp cho những người dân nơi đây có thu nhập, tạo cuộc sống tốt đẹp hơn. Dệt lanh Lùng Tám của người Mông ở Lùng Tám, huyện Quản Bạ, Hà Giang đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào tháng 1/2016.
Thổ cẩm lanh Lùng Tám đồng bào dân tộc Mông không chỉ dùng may áo váy, khăn quàng, túi xách phục vụ trong sinh hoạt hàng ngày mà còn được dùng để trang trí cho các quán ăn, khách sạn, làm thành những món đồ lưu niệm. Thổ cẩm lanh Lùng Tám đã có được thương hiệu và đầu ra, sản phẩm đã theo chân du khách đến khắp mọi miền đất nước và được xuất khẩu, không chỉ đem lại thu nhập mà còn góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của người Mông.
Trong những năm qua, nghề dệt vải lanh của đồng bào dân tộc Mông không chỉ có ý nghĩa bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc mà còn góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Nhận thức vai trò của nghề dệt vải lanh, chính quyền các huyện cao nguyên đá đã có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ các hợp tác xã dệt vải lanh mở rộng quy mô phát triển làng nghề. Đồng thời, mở rộng nghề dệt vải lanh ra các địa phương khác trên địa bàn của tỉnh Hà Giang và những tỉnh lân cận.
Bên cạnh đó, các huyện vùng cao nguyên đá xác định việc bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống, trong đó có nghề dệt vải lanh đã góp phần tạo nền tảng thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương. Ngoài ra, các huyện vùng cao nguyên đá cũng đã xác định nghề dệt vải lanh truyền thống của đồng bào dân tộc Mông là một trong những sản phẩm chủ lực của địa phương.